Sự kiện văn hóa cộng đồng “Rừng xanh – Sông sạch”
Đăng ngày: 12 Tháng Chín 2013 | Source: www.warecod.org.vn

Dự án “Đẩy mạnh cách thích ứng đối với biến đổi khí hậu và môi trường trong công tác quản lý tài nguyên nước tại lưu vực sông Gâm” (do WARECOD thực hiện và được tài trợ từ quỹ Rosa) tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng đã đi tới những hoạt động cuối cùng kết thúc hơn 1 năm thực hiện nghiên cứu (2012-2013) tại hai thôn Pác Pha và thôn Chè Pẻn.

Trong chuyến công tác cuối cùng đến địa phương, ngoài hoạt động nghiên cứu, quay bổ sung một số cảnh quay cho hoạt động làm phim, nhóm nghiên cứu đã phối hợp với UBND huyện Bảo Lâm tổ chức sự kiện văn hóa cộng đồng với chủ đề “Rừng xanh –  sông sạch”. Các cán bộ dự án mặc dù đã có kinh nghiệm từ lần tổ chức sự kiện văn hóa cộng đồng trước đó nhưng vẫn hết sức hồi hộp trong việc hoàn tất công tác chuẩn bị trước giờ diễn ra sự kiện. Sự tham gia của hơn 300 người dân địa phương đã làm cho sự kiện trở thành một đêm hội thực sự ở thị trấn nhỏ vùng cao.


Nhóm dự án nhận được khích lệ lớn từ sự nhiệt tình phối hợp của các cán bộ địa phương. Chú La Hồng Quang – Phó trưởng phòng tài nguyên môi trường huyện, một trong những cán bộ địa phương đã gắn bó với các cán bộ dự án và hai nhóm nghiên cứu từ những ngày đầu dự án, cũng tất bật tham gia chuẩn bị cho sự kiện cùng các cán bộ dự án. Sự kiện này được tổ chức trong đình chợ trung tâm thị trấn và chỉ chuẩn bị được một bóng đèn thắp sáng, trong khi anh chị em cán bộ dự án còn đang loay hoay chưa biết làm thế nào để khán giả có đủ ánh sáng xem, chú Quang đã chạy đi mượn 3 bóng đèn về để lắp thêm rồi kéo nhờ điện của hộ gần đó giúp.


Sự kiện văn hóa cộng đồng “Rừng xanh – Sông sạch” đã nhận được sự quan tâm đặc biệt và sự nhiệt tình tham gia từ người dân địa phương, chị Liên – 1 người dân địa phương tại thị trấn Bảo Lâm, khi biết có hội thi “Rừng xanh – sông sạch” tổ chức tại thị trấn dù chưa kịp ăn tối vẫn tranh thủ đến xem cho kịp chương trình. Chị góp ý nhỏ: “Các em tổ chức chương trình mà không đưa xe văn hóa đi thông báo để mọi người đều được biết?”.



Thành viên hai đội thi Chè Pẻn và Pác Pha chụp ảnh lưu niệm


Thành công của sự kiện này còn nhờ thông điệp rõ rang và gẫn gũi “Trồng rừng để bảo vệ cuộc sống, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước” được chị Nông Thị Giang, một thành viên nhóm nghiên cứu viên thôn Chè Pẻn, tự tin truyền thong với tất cả mọi người. Chị Giang đã chia sẻ những kinh nghiệm của chính bản thân chị khi tham gia dự án: “Tham gia nghiên cứu đã giúp tôi tự tin lên rất nhiều, từ chỗ không dám nói, bây giờ tôi đã có thể đứng nói trước đám đông cả trăm người. Tôi đã hiểu hơn về biến đổi khí hậu, biến đổi môi trường. Và tôi hiểu chỉ cần những hành động nhỏ cũng có thể góp phần bảo vệ môi trường của chúng ta”.


Thành công ngoài mong đợi của sự kiện văn hóa cộng đồng lần này là một niềm khích lệ vô cùng to lớn cho những nỗ lực của các cán bộ dự án và hai nhóm nghiên cứu viên địa phương.

Tin bài: Kim Oanh

XÂY DỰNG MÔ HÌNH TÔM LÚA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

GIẢI PHÁP NÀO CHO THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

XẢ THẢI BỨC TỬ NGUỒN NƯỚC NHỮNG HÌNH ẢNH KINH HOÀNG Ở BẮC NINH

Đằng sau những ánh sáng trắng

Local knowledge research in the Mekong delta

Tra cứu ấn phẩm
Nhận bản tin