VRN phối hợp tổ chức Tọa đàm Góp ý Dự thảo Luật Thủy lợi 2017
Đăng ngày: 09 Tháng Năm 2017 | Source: www.warecod.org.vn

Nước là một tài nguyên quý giá, có vai trò quyết định trong việc đảm bảo sự phát triển kinh tế – môi trường và xã hội của một quốc gia. Việc ban hành Luật Thủy lợi là điều cần thiết và cấp bách, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế có nhiều thay đổi, tác động của biến đổi khí hậu, các mâu thuẫn tiềm tàng liên quan đến khai thác nguồn nước liên tỉnh, liên vùng và liên quốc gia ngày càng rõ rệt. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (BNNPTNT) đã đề xuất soạn thảo Luât Thủy lợi nhằm tạo ra cơ sở hành lang pháp lý cho cho hoạt động thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Luật Thủy lợi đang dự thảo có thể liên quan đến hơn 2/3 số dân Việt Nam, với đa số nguồn sinh kế của họ dựa vào sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các dịch vụ liên quan.



Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam nhận thấy việc góp ý bản dự thảo Luật Thủy lợi là trách nhiệm liên quan đến sứ mệnh và tôn chỉ của Mạng lưới đề ra, nhằm cung cấp các dẫn chứng khoa học, phù hợp luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế tới các bộ nghành, cơ quan nhà nước và các tổ chức khác để hoàn thiện tính pháp lý của bộ Luật này.

Ngày 24/4 vừa qua, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đã tổ chức chương trình Tọa đàm Góp ý Dự thảo Luật thủy lợi 2017 với sự tham gia của các đại biểu Quốc hội thuộc nhiều địa phương khác nhau trên cả nước. Tại buổi tọa đàm, đa số ý kiến cho rằng việc xây dựng Luật Thủy lợi là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thủy lợi, khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời phục vụ tốt cho quá trình sản xuất của các địa phương trong thời gian tới.



PGS.TS. Hoàng Văn Tú, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp và PGS.TS. Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường đồng chủ trì Tọa đàm


Tại Tọa đàm, TS. Đào Trọng Tứ đã nêu lên hiện trạng phát triển thủy lợi ở Việt Nam và quan điểm, mục tiêu phát triển thủy lợi. PGS.TS. Lê Anh Tuấn đề nghị dự thảo luật quy định theo hướng: Thứ nhất, khai thác thủy lợi, đặc biệt là các nguồn nước sông rạch, cần bảo đảm môi trường nước không bị suy thoái, tạo điều kiện duy trì tốt cho sức khỏe hệ sinh thái thủy vực; Thứ hai, người dân và cộng đồng dân cư trong khu vực dự án thủy lợi và vùng lân cận phải là người hưởng lợi chính trong mục tiêu của dự án, họ phải được tham gia các giai đoạn đánh giá tác động môi trường và xã hội, xây dựng, quản lý, phát triển và vận hành hệ thống thủy lợi; Thứ ba, việc chia sẻ tài nguyên nước an toàn phải tạo điều kiện thuận lợi cho vấn đề bình đẳng giới, nâng cao chất lượng sống cho phụ nữ, người già, trẻ em và các nhóm dễ bị tổn thương. Phụ nữ cần phải được tham vấn ý kiến trong tất cả các quyết định khai thác công trình thủy lợi.


Đa số các đại biểu đánh giá dự thảo Luật thủy lợi 2017 có nhiều thay đổi tiến bộ, tích cực, tuy nhiên vẫn còn một số quy định chưa có sự đồng thuận. Các đại biểu đã thảo luận và đưa ra các góp ý cho nhiều điều khoản cụ thể. Ví dụ như tại chương 4, Mục 3, Các đại biểu đề nghị cần phân rõ từng đối tượng sử dụng nước, theo đó đối với doanh nghiệp có thể tạo được thu nhập hàng trăm triệu đồng trên 1 hecta thì việc khuyến khích xã hội hóa các hạ tầng thủy lợi và tính theo giá thị trường là phù hợp. Nhưng đối với nông dân thì cần tạo điều kiện để các yếu tố đầu vào thấp để người nông dân có lợi nhuận khi sản xuất. Ngoài ra, các vấn đề như bình đẳng giới trong quản lý và khai thác thủy lợi, cách tính giá thủy lợi phí, các giải pháp công nghệ thủy lợi truyền thống v.v... cũng được các đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận và đóng góp ý kiến.

Các tham luận, ý kiến phát biểu tại Tọa đàm sẽ được Ban Tổ chức tiến hành tổng hợp gửi đến cơ quan thẩm tra là Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội nhằm phục vụ việc hoàn thiện dự thảo Luật thủy lợi 2017.

Ban thư ký VRN

XÂY DỰNG MÔ HÌNH TÔM LÚA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

GIẢI PHÁP NÀO CHO THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

XẢ THẢI BỨC TỬ NGUỒN NƯỚC NHỮNG HÌNH ẢNH KINH HOÀNG Ở BẮC NINH

Đằng sau những ánh sáng trắng

Local knowledge research in the Mekong delta

Tra cứu ấn phẩm
Nhận bản tin