(TPO) - Trước thềm Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng gửi đi thông điệp “4 mới” cho vùng đất ‘chín rồng’: Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, tư duy mới là chủ động kiến tạo phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) theo hướng bền vững, hài hòa, dựa trên 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường; lấy con người là trung tâm, tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi; tôn trọng quy luật tự nhiên; chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển văn hóa – xã hội và hệ sinh thái tự nhiên.
Linh hoạt, nhạy bén, sáng tạo, biến thách thức thành cơ hội. Đổi mới, cải cách mạnh mẽ, chuyển đổi nhanh mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang phát triển theo hướng tập trung. Hình thành một số vùng động lực, các hành lang kinh tế, các chuỗi đô thị, nhất là đô thị vùng sông nước…
|
Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: CK
|
Tầm nhìn mới là phát triển ĐBSCL nhanh và bền vững, hiện đại, sinh thái, văn minh, mang đậm đà bản sắc văn hóa. Đến năm 2050, ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước; là nơi đáng sống đối với người dân, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư.
Các hệ sinh thái đất ngập nước quan trọng được bảo tồn và phát triển; khai thác, phát huy có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đưa vùng trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp xanh, sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng và giá trị gia tăng cao của quốc gia, khu vực và thế giới.
Cơ hội mới, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đến năm 2030, hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối ĐBSCL với vùng Đông Nam Bộ, hệ thống cảng biển, cửa khẩu quốc tế, hệ thống đường ven biển, phát triển một số trục kết nối đến các đầu mối vận tải lớn, các khu công nghiệp.
Trong đó, tập trung triển khai tuyến đường bộ ven biển trở thành hành lang kinh tế thực thụ để đóng góp cho tăng trưởng và phát triển bền vững kinh tế vùng, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tuyến đường ven biển sẽ giúp sắp xếp lại dân cư vùng ven biển, mở ra không gian hướng biển, không gian phát triển kinh tế biển.
Phát triển nông nghiệp là thế mạnh, cũng là sứ mệnh của vùng ĐBSCL. Phát triển các sản phẩm chiến lược theo 3 trọng tâm (thủy sản, trái cây, lúa gạo) theo hướng tăng tỷ trọng thủy sản, trái cây và giảm tỷ trọng lúa gạo.
Phát triển hệ thống 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, kết nối với các đầu mối hạ tầng để cung cấp các dịch vụ về logistics, nghiên cứu phát triển, đào tạo và chuyển giao công nghệ, thu gom, chế biến sâu…
Phát triển mạnh kinh tế biển, trong đó chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và năng lượng tái tạo, nuôi trồng và khai thác hải sản xa bờ, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, tái tạo nguồn lợi thủy sản và bảo vệ nguồn đa dạng sinh học biển, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, phát triển Kiên Giang thành trung tâm kinh tế biển quốc gia. Phát triển Cần Thơ và Phú Quốc trở thành hai trung tâm du lịch quốc tế, là cửa ngõ đón khách của toàn vùng.
|
Mưu sinh mùa nước nổi tại ĐBSCL. Ảnh: CK
|
Còn về Giá trị mới, Bộ trưởng KH&ĐT cho rằng, thực hiện quy hoạch, vùng ĐBSCL từ chỗ phát triển dưới tiềm năng thành nơi đáng sống, năng động, thịnh vượng, là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch và nhà đầu tư. Năm 2030, quy mô nền kinh tế lớn hơn 2-2,5 lần so với hiện nay. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được xây dựng đồng bộ, hiện đại, phân bổ hợp lý và thích ứng với biến đổi khí hậu…
Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 diễn ra ngày 21/6/2022 tại Cần Thơ do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, với sự tham dự của các ban, bộ, ngành trung ương, các địa phương vùng ĐBSCL, TPHCM, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đối tác phát triển, các chuyên gia và nhà khoa học.
Hội nghị bao gồm các nội dung chính: Công bố Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022.
Định hướng triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thống nhất triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Công bố cam kết tài trợ của nhóm 6 ngân hàng phát triển thống nhất danh mục dự án phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025 sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi các nhà tài trợ nước ngoài với mức vốn cam kết vào khoảng 2,2 tỷ USD…
Trong khuôn khổ hội nghị, triển lãm ảnh nghệ thuật “ĐBSCL - Khát vọng phát triển” được tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh, vùng đất, văn hóa, con người ĐBSCL.
Theo Báo Tiền Phong