Bộ Tài nguyên và Môi trường: Công bố giá trị dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các hồ chứa, đập dâng của các công trình thủy lợi, thủy điện
Đăng ngày: 25 Tháng Bảy 2022 | Source: www.warecod.org.vn

Ngày 20/7, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 1609/QĐ-BTNMT về việc “Công bố giá trị dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các hồ chứa, đập dâng của các công trình thủy lợi, thủy điện” tại các lưu vực sông trên cả nước.


Theo Quyết định này, Bộ TN&MT ban hành danh mục giá trị dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu 642 hồ chứa, đập dâng của 582 công trình thủy lợi, thủy điện. Trong đó, có 609 hồ chứa, đập dâng của 551 công trình thủy điện và 33 hồ chứa, đập dâng của 31 công trình thủy lợi, cụ thể:
 

Tại lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng nằm trên địa bàn 3 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn có 14 công trình thủy điện và 01 công trình thủy lợi. Trong đó, 02 công trình thủy điện Nà Lòa, Nà Tầu (tỉnh Cao Bằng) có giá trị dòng chảy sau đập thấp nhất với 0,5m3/giây; thủy điện có giá trị dòng chảy sau đập cao nhất là Hòa Thuận và Tiên Thành (Cao Bằng) 9,5m3/giây.

 

Tại lưu vực sông Hồng - Thái Bình có 256 công trình thủy điện, thủy lợi nằm trên địa bàn các tỉnh Bắc Kạn, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, Phú Thọ, Hà Giang, Hòa Bình, Tuyên Quang, Cao Bằng. Đây cũng là lưu vực có nhiều công trình thủy điện có giá trị dòng chảy tối thiểu thấp như: Thủy điện Mây Hồ (Lào Cai) 0,011 - 0,23 m3/giây; Thủy điện Suối Chút 1 (tỉnh Lào Cai) 0,02 - 0,1 m3/giây; Suối Chút 2 (tỉnh Lào Cai) 0,01 - 0,22 m3/giây; Nậm Cát (tỉnh Lai Châu) 0,01m3/giây; Nậm Nhùn 2 (tỉnh Lào Cai) 0,12 m3/giây; Thủy điện Suối Trát (Lào Cai) 0,14 m3/giây; Nậm Nhùn 1 (tỉnh Lào Cai) 0,21 m3/giây; Nậm He (tỉnh Điện Biên) 0,12 m3/giây; Nậm Xây Nọi 2 (Lào Cai) 0,07 - 0,2 m3/giây;… Các công trình có giá trị dòng chảy tối thiểu sau đập cao nhất là thủy điện Sông Lô 8A tại tỉnh Tuyên Quang với 60,25m3/giây; thủy điện Sông Lô 6 nằm trên địa bàn 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang 46,3m3/giây; thủy điện Pắc Ma tại tỉnh Lai Châu với 55,6m3/giây.

 

 

Tại khu vực Sông Mã có 28 công trình thủy điện, thủy lợi nằm trên địa bàn các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Thanh Hóa, Hòa Bình, Nghệ An. Trong đó, công trình thủy điện Trí Năng (tỉnh Thanh Hóa) có giá trị dòng chảy tối thiểu thấp nhất 0,05m3/giây; Thủy điện Na Son (Điện Biên) 0,69 m3/giây. Thủy điện có giá trị dòng chảy tối thiểu cao nhất là Mường Hung (tỉnh Sơn La) với 21,2m3/giây.

 

Khu vực sông Cả trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có 23 công trình thủy điện, hồ chứa. Trong đó, công trình thủy điện Ca Nan 1 (tỉnh Nghệ An) có giá trị dòng chảy tối thiểu sau đập thấp nhất với 0,076 - 0,3m3/giây; Ca Nan 2 (tỉnh Nghệ An) với 0,035- 0,34m3/giây. Thủy điện có giá trị dòng chảy tối thiểu cao nhất là Khe Bố (Nghệ An) với 95,5m3/giây.

 

Khu vực sông Hương tại Thừa Thiên Huế có 10 công trình thủy điện. Trong đó, công trình thủy điện A Lin B1 có giá trị dòng chảy tối thiểu thấp nhất 0,17m3/giây. Thủy điện có giá trị dòng chảy tối thiểu cao nhất là Sông Bồ với 1,5m3/giây.

 

Lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn nằm trên địa bàn hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam có 31 công trình thủy điện. Trong đó, một số công trình thủy điện Tầm Phục (tỉnh Quảng Nam) có giá trị dòng chảy tối thiểu thấp 0,03m3/giây; Nước Biêu (tỉnh Quảng Nam) là 0,32 m3/giây; Trà Linh 2 (tỉnh Quảng Nam) là 0,45 m3/giây. Thủy điện có giá trị dòng chảy tối thiểu cao nhất là Sông Tranh 4 với 9,85m3/giây.

 

Khu vực sông Trà Khúc tại hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi có 16 công trình thủy điện, thủy lợi. Trong đó, công trình thủy điện Đắk Lô (tỉnh Kon Tum) có giá trị dòng chảy tối thiểu thấp nhất 0,05 - 0,34m3/giây; Nước Long 0,03 - 0,1m3/giây. Công trình đập thủy lợi có giá trị dòng chảy tối thiểu cao nhất là đập Thạch Nham (tỉnh Quảng Ngãi) với 10m3/giây.

 

Lưu vực sông Kôn-Hà Thành nằm trên địa bàn hai tỉnh Bình Định và Gia Lai có 5 công trình thủy điện, thủy lợi. Trong đó, công trình thủy điện Ken Lút Hạ (tỉnh Bình Định) có giá trị dòng chảy tối thiểu thấp nhất 0,05m3/giây. Công trình thủy điện có giá trị dòng chảy tối thiểu cao nhất là Vĩnh Sơn 5 với 3,4m3/giây.

 

Khu vực sông Sê San (Mê Công) nằm trên địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum có 49 công trình thủy điện, thủy lợi. Trong đó, công trình thủy điện Thượng Đăk Psi - Nhà máy hồ phụ (tỉnh Kon Tum) có giá trị dòng chảy tối thiểu thấp nhất 0,069-0,075m3/giây; Thượng Đăk Psi - Nhà máy hồ chính (tỉnh Kon Tum) 0,034-0,346m3/giây. Công trình thủy điện có giá trị dòng chảy tối thiểu cao nhất là Sê San 4A (tỉnh Gia Lai, Kon Tum) với 195m3/giây. 

 

Khu vực sông Ba nằm trên địa bàn các tỉnh Gia Lai, Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk có 23 công trình thủy điện, thủy lợi. Trong đó, công trình thủy điện Sơn Giang (tỉnh Phú Yên) có giá trị dòng chảy tối thiểu thấp nhất 0,14m3/giây. Công trình thủy điện có giá trị dòng chảy tối thiểu cao nhất là Đăk Srông 3A (tỉnh Gia Lai) với 4,2m3/giây.

 

Khu vực sông Srê Pốk (Mê Công) nằm trên địa bàn các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng có 22 công trình thủy điện. Trong đó, thủy điện Đăk Mê 1 (tỉnh Lâm Đồng) có giá trị dòng chảy tối thiểu thấp nhất là 0,11m3/giây. Thủy điện có giá trị dòng chảy tối thiểu cao nhất là Krông Nô 3 với 3,9m3/giây.

 

Khu vực sông Đồng Nai nằm trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước có 51 công trình thủy điện, thủy lợi, thủy điện. Trong đó, thủy điện Đắk U (tỉnh Bình Phước) có giá trị dòng chảy tối thiểu thấp nhất 0,07m3/giây; Đam Bol - Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng) 0,08m3/giây. Thủy điện có giá trị dòng chảy tối thiểu cao nhất là Đồng Nai 5 với 4,43m3/giây.

 

Khu vực sông Mê Công (Cửu Long) nằm trên địa bàn các tỉnh Điện Biên, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Gia Lai có 10 công trình thủy lợi, thủy điện. Trong đó, thủy điện A Lin Thượng có giá trị dòng chảy tối thiểu thấp nhất 0,18m3/giây. Thủy điện có giá trị dòng chảy tối thiểu cao nhất là thủy điện Nậm Núa (tỉnh Điện Biên) với 4,6m3/giây.

 

Quyết định nêu rõ, Cục Quản lý tài nguyên nước có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc bảo đảm dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các hồ chứa, đập dâng; xử lý vi phạm đối với hành vi không bảo đảm dòng chảy tối thiểu theo quy định; Định kỳ rà soát, cập nhật, tổng hợp và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các hồ chứa, đập dâng thuộc thẩm quyền cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 

Văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước để đăng tải Quyết định này và tổ chức việc đăng tải, công bố dòng chảy tối thiểu đối với các hồ chứa, đập dâng được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại các Quyết định tiếp theo lên Cổng thông tin điện tử của Bộ theo quy định của Thông tư số 64/2017/TT-BTNMT.

 

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1354/QĐ-BTNMT ngày 12 tháng 7 năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc công bố giá trị dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các hồ chứa, đập dâng của các công trình thủy lợi, thủy điện.

Xem chi tiết Quyết định số 1609/QĐ-BTNMT Tại đây

Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, việc công bố giá trị dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các hồ chứa, đập dâng của các công trình thủy lợi, thủy điện này nhằm thực hiện các quy định tại Thông tư số 64/2017/TT-BTNMT ngày 22/12/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định về xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu các hồ chứa, đập dâng nhằm bảo đảm hạn chế tối đa việc tạo ra những đoạn sông khô cạn; giảm thiểu tác động đến hệ sinh thái thủy sinh và các hoạt động khai thác, sử dụng của người dân phía hạ lưu phụ thuộc vào nguồn nước trên các sông, suối có xây dựng hồ chứa. Bên cạnh đó, việc công bố cũng góp phần nâng cao nhận thức của các cơ quản quản lý ở các địa phương và các chủ hồ trong việc bảo vệ nguồn nước và yêu cầu sử dụng nước ở hạ du.

 

Dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu hồ chứa sau khi được xác định, công bố là một trong các căn cứ để xem xét trong quá trình xây dựng thẩm định, phê duyệt các nhiệm vụ  về Quy hoạch tài nguyên nước; quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch ngành có khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên các sông, suối; Quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông; Kế hoạch, phương án điều hòa, phân phối nguồn nước trên lưu vực sông; Dự án xây dựng hồ chứa trên các sông, suối; dự án chuyển nước lưu vực sông; Cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; và các dự án có liên quan trực tiếp đến việc duy trì, bảo đảm dòng chảy tối thiểu trên sông, suối.


 Theo DWRM

XÂY DỰNG MÔ HÌNH TÔM LÚA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

GIẢI PHÁP NÀO CHO THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

XẢ THẢI BỨC TỬ NGUỒN NƯỚC NHỮNG HÌNH ẢNH KINH HOÀNG Ở BẮC NINH

Đằng sau những ánh sáng trắng

Local knowledge research in the Mekong delta

Tra cứu ấn phẩm
Nhận bản tin