Nước sạch về quê nghèo
Đăng ngày: 08 Tháng Mười 2012 | Source: Báo Quảng nam
Tham quan công trình nước sạch ngày khánh thành.

Sau bao nhiêu năm chờ đợi, hàng trăm hộ nghèo ở thôn 8A (xã Điện Nam Trung, huyện Điện Bàn) nay đã có nước sạch cho sinh hoạt hàng ngày, không còn phải lo lắng về các dịch bệnh do nước bẩn.

Trăn trở

Thôn 8A nằm về phía tây xã Điện Nam Trung, có 154 hộ dân với hơn 600 nhân khẩu. Kinh tế của nhiều gia đình chủ yếu dựa vào nghề nông, thu nhập ít ỏi nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, vì là vùng trũng nên nhiều năm qua thôn 8A liên tục gánh chịu hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra. Ông Đặng Ngọc – Chủ tịch UBND xã Điện Nam Trung cho biết, bao đời nay, việc nấu nướng, tắm giặt của hơn nửa nghìn người ở vùng quê này đều dựa vào nguồn nước lấy từ sông Vĩnh Điện và Tứ Câu rồi lọc khử trùng theo phương thức rất đơn giản, sơ sài. Tuy nhiên, khoảng 7 năm trở lại đây, nước 2 con sông này ngày càng ô nhiễm khiến sức khỏe của người dân địa phương bị ảnh hưởng. Thời gian qua, tại thôn 8A này thường xuyên xuất hiện các bệnh liên quan đến đường ruột, rồi dịch đau mắt đỏ cũng liên tục bùng phát.

Trước tình trạng nước sông nhiễm bẩn, người dân thôn 8A rủ nhau khoan và đào giếng để lấy mạch nước ngầm phục vụ sinh hoạt. Thế nhưng, nỗ lực của họ cũng chỉ bằng không bởi tất cả các giếng đều bị nhiễm phèn trầm trọng. Đáng nói hơn, lượng khí mê-tan và lưu huỳnh dưới đáy của hầu hết các giếng đều cao gấp nhiều lần mức cho phép. Quá lo sợ cho sức khỏe của mình, toàn bộ 604 con người thuộc 154 gia đình trong thôn không ai dám sử dụng nguồn nước lấy từ giếng khoan. Dù còn rất nghèo nhưng họ đành “bóp bụng” mua nước tinh khiết đóng chai về nấu nướng. Còn việc tắm giặt thì… chạy ra sông. Để tiết kiệm tiền, nhiều hộ mua xi măng, cát sạn về đúc bể để hứng nước mưa dự trữ để dùng dần.

alt
Tham quan công trình nước sạch ngày khánh thành.                        Ảnh: MINH HẢI

Ông Đặng Hữu Lên – Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn tâm sự: “Nỗi bức xúc về nước sinh hoạt của người dân thôn 8A này lãnh đạo địa phương đã biết từ rất lâu rồi. Nhưng, ngặt là do ngân sách quá eo hẹp, cùng lúc bỏ ra hàng tỷ đồng để xây dựng một hệ thống xử lý nước sạ\ch quy mô lớn thì không thể kham nổi. Đây thực sự là mối lo, là nỗi trăn trở của chính quyền các cấp trong suốt nhiều năm qua”…

Vỡ òa niềm vui

Cuối năm 2010, đại diện tổ chức Mercy Relief của Singapore và Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên Nước (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) tiến hành khảo sát, hỗ trợ địa phương xây dựng một số công trình nước sạch phục vụ dân sinh. Khi đến thôn 8A, 2 đợn vị này liền quyết định tài trợ 2 tỷ đồng để thi công hệ thống xử lý nước sạch theo quy mô lớn tại vùng này.

alt
Nước sạch đã về từng nhà.

Ngày 8.8.2011, công trình cấp nước sạch tại thôn 8A chính thức khởi công xây dựng. Ông Lê Sỹ Thắng – Điều phối viên của Trung tâm Bào tồn và Phát triển Tài nguyên Nước Việt Nam thông tin, với khoản kinh phí trên, ngoài việc xây dựng một bể chứa dung tích lớn, lắp đặt 2km đường ống chính và đường ống nhánh, công trình này còn được ráp thiết bị màng lọc RO nhập nguyên chiếc từ Singapore với tổng giá trị hơn 1 tỷ đồng. Theo ông Thắng, thiết bị màng lọc RO là loại hiện đại nhất hiện nay, mỗi giờ sản xuất được khoảng 1,5m3 nước đảm bảo tiêu chuẩn. Ông Thắng nói: “Nước từ dưới sông đưa lên qua màng lọc này sẽ uống được ngay, không cần phải đun sôi”. Cùng với quá trình xây dựng công trình trên, từ giữa tháng 8.2011 đến nay, các đơn vị liên quan đã tổ chức nhiều lớp tập huấn truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của cộng đồng dân cư về việc sử dụng tài nguyên nước cũng như khâu quản lý ,vận hành hệ thống xử lý nước sạch này.

Qua hơn 3 tháng khẩn trương thi công, cuối tuần qua (17/11/2011), công trình nước sạch tại thôn 8A khánh thành và đưa vào sử dụng. Ông Lê Văn Bân – Bí thư Chi bộ thôn 8A không giấu được niềm vui: “Sau bao nhiêu năm khắc khoải chờ đợi, cuối cùng người dân quê nghèo này cũng được đón nhận dòng nước sạch. Từ nay, nối ám ảnh về nước sinh hoạt không còn với người dân nơi đây”. Còn cụ Kiều Cầu – một người dân địa phương thì phấn khởi: “Từ nay dân làng ở đây không phải chịu cảnh uống nước đục, không còn phập phồng nỗi lo dịch bệnh”. Để công trình phát huy hiệu quả, ngay sau khi tiếp nhận, chính quyền địa phương đã nhanh chóng ban hành quy chế hoạt động và khẩn trương thành lập ban quản lý vận hành. Theo dự kiến, mỗi tháng sẽ thu 8 nghìn đồng/1 hộ dân để trả tiền điện, công vận hành, bảo quản, bảo trì…

Văn Sự
(Báo Quảng Nam)

XÂY DỰNG MÔ HÌNH TÔM LÚA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

GIẢI PHÁP NÀO CHO THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

XẢ THẢI BỨC TỬ NGUỒN NƯỚC NHỮNG HÌNH ẢNH KINH HOÀNG Ở BẮC NINH

Đằng sau những ánh sáng trắng

Local knowledge research in the Mekong delta

Tra cứu ấn phẩm
Nhận bản tin