Giới nghiên cứu đang lo ngại các đập nước của Trung Quốc sẽ giữ lại phần lớn nước trên sông Mekong vào năm tới.
Điều này từng xảy ra vào năm 2019 khi dòng chảy sau mùa mưa trên sông Mekong trở nên thất thường, làm trầm trọng thêm hạn hán ở Đông Bắc Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, theo The Nation
Tác động từ con đập lớn nhất khu vực
Những năm gần đây, các con đập của Trung Quốc là nguyên nhân khiến tình hình khô hạn trở nên tồi tệ hơn ở các nước thuộc hạ lưu sông Mekong, các chuyên gia Mỹ nhận định.
"Chúng tôi không nói rằng các đập nước ở Trung Quốc tạo hạn hán ở Khon Kaein của Thái Lan hay Việt Nam. Chúng tôi cho rằng chúng làm tình trạng khô hạn thêm trầm trọng ở khu vực hạ lưu dòng chảy chính của sông Mekong", Brian Eyler, Giám đốc chương trình Đông Nam Á của Stimson Centre, nói.
Ông Eyler cảnh báo các nhà đầu tư cần thận trọng nếu có ý định rót tiền vào dự án thủy điện Xayaburi ở Lào với kỳ vọng lợi nhuận cao, cho rằng hoạt động của đập nước này sẽ phụ thuộc vào lượng nước xả ra từ các con đập của Trung Quốc xây dựng ở thượng nguồn.
Hoạt động kinh tế ở Thái Lan cũng khó có thể chỉ dựa vào nguồn cung cấp điện năng từ các con đập ở Lào, ông Eyler cảnh báo thêm.
Trung Quốc tới nay đã hoàn thành xây dựng và đang vận hành 11 đập nước ở thượng nguồn sông Mekong. Bắc Kinh đang lên kế hoạch xây dựng thêm 8 đập nước.
Đập Nọa Trát Độ của Trung Quốc
Dòng chảy tự nhiên của nước trên sông Mekong đã trở nên ngày càng thất thường trong những năm gần đây, đặc biệt sau khi đập nước Nọa Trát Độ được xây dựng ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, vào năm 2012, Giám đốc điều hành Alan Basist của chương trình Eyes on Earth thuộc Cục Khảo sát địa chất Mỹ nhận xét.
Nọa Trát Độ là đập nước lớn nhất trên sông Mekong. Con đập này có khả năng lưu trữ 27,5 tỷ m3 nước. Năng lực trữ nước của toàn bộ 11 con đập trên đoạn sông Mekong thuộc lãnh thổ Trung Quốc là 47,6 tỷ m3.
Chiang Saen là một quận thuộc tỉnh Chiang Rai, miền Bắc Thái Lan. Vào mùa mưa năm 2019, thiết bị thủy đạc tại đây đo được lượng nước thấp nhất trong lịch sử, ông Eyler nói.
Chuyên gia Basist của Eyes on Earth đã phát triển một chỉ số độ ẩm giúp đo lường mức độ hạn hán. Ông Basist cho biết chỉ số hạn hán có liên hệ mật thiết với độ ẩm của đất và lượng nước xả trên sông Mekong.
Áp dụng chỉ số này, ông Basist cho biết đất ở thượng nguồn Mekong tại Trung Quốc có độ ẩm cao, trong khi tình trạng khô hạn lại xảy ra ở Thái Lan tháng 7/2019 khi đang là giữa mùa mưa.
Dòng chảy tự nhiên của nước đã thay đổi trầm trọng từ năm 2012, dẫn đến nhiều hình thái bất thường. Nước được xả vào mùa khô và giữ lại ở các con đập thượng nguồn vào mùa mưa ở Trung Quốc, ông Basist nói.
Hạ nguồn Mekong trả giá đắt
Trong mùa mưa, lượng lớn nước chảy tự nhiên không đến được khu vực hạ nguồn. Tình trạng trở nên trầm trọng hơn rất nhiều vào năm 2019, ông Basist cho biết.
Bởi nước bị giữ lại ở Trung Quốc, hạn hán nghiêm trọng xuất hiện tại các nước hạ nguồn sông Mekong. Trong khi đó, đất đai ở khu vực thượng nguồn tại Trung Quốc vào tháng 7/2019 giữ được độ ẩm đủ cho hoạt động nông nghiệp, chuyên gia người Mỹ nói.
Sự gián đoạn dòng chảy nước tự nhiên đã ảnh hưỏng cả tới một loạt nước hạ nguồn. Sinh kế của koảng 10 triệu người sống nhờ vào hoạt động nông nghiệp và đánh bắt cá trên dòng nước hạ nguồn Mekong bị tác động nghiêm trọng.
Theo nghiên cứu của Stimson Centre, tổng lượng nước dòng chảy trên sông Mekong mỗi năm vào khoảng 476 km3. Trong Quốc đóng góp 16% tổng lượng nước của dòng chảy. Tuy nhiên, Trung Quốc năm 2019 đã giữ lại lượng nước lớn, và các nước ở khu vực hạ nguồn phải trả giá.
Mực nước thay đổi từ sau khi Trung Quốc vận hành đập Nọa Trát Độ
Nhà chức trách Trung Quốc bác bỏ nghiên cứu của Stimson Centre, cho rằng hạn hán xảy ra ở Đông Nam Á là bởi El Nino. Hiện tượng El Nino cũng là yếu tố chủ yếu dẫn tới mực nước thấp kỷ lục ở hạ nguồn Mekong trong năm 2019, quan chức Trung Quốc đổ lỗi.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khẳng định họ tìm thấy những dữ liệu mâu thuẫn trong tuyên bố của Trung Quốc liên quan tới lượng nước khổng lồ bị giữ lại trong các con đập.
Các nhà khoa học, tổ chức môi trường, cũng như một số chính phủ đã yêu cầu Trung Quốc minh bạch hơn trong xây dựng và vận hành các con đập. Mùa mưa năm nay sẽ được theo sát để xem liệu tình trạng tượng tự năm 2019 có một lần nữa xảy ra.
Tonle Sap - Biển Hồ - là hồ chứa nước ngọt lớn nhất ở Đông Nam Á nằm tại Campuchia. Thời gian nước chảy vào hồ nước ngọt này trung bình hàng năm là 5 tháng.
Năm 2019, thời gian này giảm xuống chỉ còn 5 tuần, do lượng nước trên sông Mekong xuống mức thấp kỷ lục vào mùa mưa, ông Eyler nhấn mạnh. Nếu không bị can thiệp, mùa lũ trên sông Mekong là 5 tháng, trong khi mùa khô là 7 tháng.
Lưu vực sông Mekong là nơi có sản lượng đánh bắt cá nước ngọt cao nhất thế giới. Chỉ riêng Biển Hồ ở Campuchia đã có sản lượng lên tới 500.000 tấn mỗi năm. Sản lượng ở Việt Nam và Thái Lan lần lượt là 450.000 tấn và 300.000 tấn. Trong khi đó, đánh bắt cá nước ngọt chiếm 5% GDP của Lào.
Các con đập xây dựng dọc sông Mekong đã gây ra tác động lớn tới hệ sinh thái khu vực, làm biến đổi đàn cá di cư cũng như phân bổ trầm tích ở lòng sông, ông Eyler cho biết.
THEO DUY ANH
ZINGNEWS.VN