Huyện ủy huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) đưa mì ăn liền cứu trợ đến khu vực trú lũ tập trung của người dân ở xã Phong Hòa, huyện Phong Điền
Sáng 10-10, ông Phan Thanh Hùng - chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên Huế - cho biết lũ trên sông ở Huế đang lên nhanh, đặc biệt sông Bồ đối diện khả năng mực nước vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999.
Để đảm bảo an toàn hồ đập, tỉnh Thừa Thiên Huế đã lệnh cho thủy điện Hương Điền tăng lưu lượng xả lũ qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần từ 3.000 - 3.500m3/s.
Thủy điện Bình Điền cũng được lệnh tăng lưu lượng xả lũ qua tràn và tuabin từ 500 - 1.500m3/s; đồng thời thực hiện điều chỉnh vận hành tùy theo tình hình lưu lượng thực tế đến hồ.
Hồ Tả Trạch cũng được lệnh tăng lưu lượng xả lũ lên 900 - 1.500m3/s.
Thủy điện Hương Điền được yêu cầu tăng lưu lượng xả lũ lên 3.000 - 3.500m3/s
Dự báo trong chiều nay 10-10, lũ trên sông Hương và sông Bồ sẽ đạt trên mức báo động III. Riêng với sông Bồ tại Phú Ốc có thể lên mức 5,4m, vượt mức lũ lịch sử năm 1999 là 0,22m.
Theo ông Nguyễn Thanh Khánh - giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Huế, hiện nay tuyến đường sắt đi từ Huế - Đông Hà vẫn đang bị tắc nghẽn do sạt lở, ngập nước. Hiện chỉ có 1 chuyến tàu khách duy nhất chở người từ TP.HCM đi Huế, theo lịch đến ga Huế lúc 2h sáng.
Lũ sông Vu Gia lên đột ngột, dân dắt bò lên cầu cột tránh lũ
Người dân xã Đại An, huyện Đại Lộc dắt bò lên cầu Quảng Huế tránh lũ
Rạng sáng 10-10, thủy điện trên thượng nguồn xả nước điều tiết lũ, lũ trên sông Vu Gia lại lên nhanh, người dân vùng rốn lũ huyện Đại Lộc, Quảng Nam tất bật dắt trâu bò, đưa xe lên cầu tránh lũ.
Theo số liệu của ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Quảng Nam, đến 8h sáng cùng ngày, thủy điện Sông Bung 4 xả nước về sông Vu Gia với lưu lượng 1.163m3/s, thủy điện Sông Tranh 2 xả về sông Thu Bồn với lưu lượng 304m3/s, thủy điện A Vương qua tràn với lưu lượng 383m3/s.
Tại cầu Quảng Huế, huyện Đại Lộc, lũ trên sông Vu Gia chảy cuồn cuồn khiến nhiều ngôi nhà ở hai xã ở hai bên cầu là xã Đại An và Đại Cường bị ngập lũ. Sáng cùng ngày, người dân ở khu vực này đã tất tả dắt trâu bò lên cầu Quảng Huế để cột.
Theo ghi nhận sáng 10-10, trên cầu Quảng Huế, hàng trăm con bò cùng xe ôtô, xe máy, máy cầu đã được người dân di chuyển lên cầu để tránh lũ. Cây cầu như một trang trại cao ráo, nơi an toàn cho trâu bò.
Do mưa lớn, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Nam yêu cầu thủy điện A Vương thực hiện vận hành đưa mực nước hồ về cao trình 370m; thủy điện Sông Bung 4 thực hiện vận hành hạ thấp mực nước hồ để hạ dần mực nước hồ về cao trình 216 m; thủy điện Đắk Mi 4 thực hiện vận hành đưa mực nước hồ về cao trình 251,5 m.
Thủy điện Sông Bung 4 xả nước điều tiết 1.360m3/s từ 6h sáng nay
Từ 6h sáng 10-10, hồ thủy điện Sông Bung 4 (huyện Nam Giang, Quảng Nam) xả điều tiết theo lệnh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam.
Một hồ thủy điện tại tỉnh Quảng Nam xả nước qua tràn
Lưu lượng xả dự kiến 1.360m3/s, bao gồm xả nước vận hành 2 tổ máy 160m3/s và xả nước qua tràn 1.200m3/s. Lưu lượng xả qua tràn được điều tiết tăng dần để không gây dòng chảy đột biến ở hạ du.
Trước đó, lúc 24h ngày 9-10, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam đã gửi lệnh yêu cầu Thủy điện Sông Bung 4 vận hành hạ thấp mực nước hồ về cao trình 216m (mực nước đón lũ thấp nhất) khi mực nước thực tế thời điểm 22h là 216,9m và mực nước các sông bên dưới tại Hội Khánh thấp hơn báo động 1 và Ái Nghĩa thấp hơn báo động 2.
Tỉnh Quảng Nam yêu cầu khi Thủy điện Sông Bung 4 đạt cao trình 216m thì vận hành quy trình đảm bảo giữ cao trình 216. Đồng thời, việc vận hành phải đảm bảo dòng chảy không tăng đột biến, bất thường đe dọa tính mạng và tài sản người dân ven sông ở hạ du.
THEO NHẬT LINH - TẤN LỰC - LÊ TRUNG
TUOITRE.VN