Rủi ro rất lớn từ các quốc gia thượng nguồn, đối ngoại về an ninh nguồn nước chưa đạt yêu cầu; nước thải sinh hoạt “đầu độc” các dòng sông, nước ngọt đang dần khan hiếm…là những thách thức không nhỏ đe dọa an ninh nguồn nước trong cả hiện tại và tương lai.
Ngày 17/8, Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về an ninh nguồn nước. Theo kết quả khảo sát tại 14 tỉnh, thành, tuy Việt Nam có 3.500 sông, suối có chiều dài từ 10 km trở lên, với 13 lưu vực sông diện tích lớn hơn 10.000 km2, nhưng có 7 lưu vực sông liên quốc gia, phần lưu vực ở nước ngoài chiếm tới 71% khu vực đầu nguồn.
“Ðại hồng thủy xảy ra thì làm thế nào?”
“Chúng ta chịu rủi ro rất lớn do các quốc gia thượng nguồn gia tăng các hoạt động thủy điện trên dòng chính sông Hồng, sông Mekong, làm thay đổi lớn chế độ dòng chảy, lượng nước phù sa”, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT Nguyễn Vinh Hà nói.
Trước lo ngại trên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến chất vấn hai bộ trưởng Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT: Việc hợp tác quốc tế của chúng ta đã đủ tích cực, chủ động chưa? Việc tham gia các điều ước quốc tế đã góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước chưa?
Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng “công tác đối ngoại về an ninh nguồn nước chưa được”. “Nếu không có sự chia sẻ về số liệu giữa các nước, đại hồng thủy xảy ra thì làm thế nào”, ông Cường đặt vấn đề và cho rằng phải tiếp tục đấu tranh, kiến nghị, có giải pháp ngoại giao để Việt Nam được thông tin theo đúng thông lệ quốc tế.
Cũng tại phiên giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường bày tỏ lo ngại khi nguồn nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ, từ các quốc gia thượng nguồn lưu vực sông rất lớn. Lượng nước này hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước tại các quốc gia thượng nguồn. Thượng nguồn sông Đà, sông Thao, sông Lô thuộc lãnh thổ nước ngoài đã xây dựng nhiều bậc thang thủy điện, hiện đã đưa vào vận hành nhiều công trình, tác động đến dòng chảy ở nước ta. Đây một thách thức lớn đối với an ninh nguồn nước quốc gia.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cũng cho rằng, các thỏa thuận pháp lý còn hết sức lỏng lẻo. Thỏa thuận sông Mekong không mang tính đồng thuận, không mang tính pháp lý. “Đây là vấn đề rất khó. Bây giờ thay đổi chắc chắn xu hướng còn tồi tệ hơn. Với Ủy hội sông Mekong, hai nước quan trọng nhất là Trung Quốc và Myanmar lại không tham gia”, ông Hà nói, đồng thời đề nghị, ngoài tham vấn các bên, đặc biệt là dựa vào sự ủng hộ của các tổ chức, các nước liên quan, về lâu dài, cần có lộ trình để đàm phán, tìm ra các vấn đề cùng quan tâm như cơ sở dữ liệu, quan trắc, các hoạt động chia sẻ.
Cần coi nước là hàng hóa đặc biệt
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói, nước ngọt đang ngày càng khan hiếm, chất lượng nước trên các lưu vực sông đang bị suy giảm, trở thành vấn đề nóng tại nhiều địa phương. Sự gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa đã và đang gây sức ép đến chất lượng nước trong các lưu vực sông. Các hồ và kênh mương đô thị đang trở thành nơi chứa và dẫn nước thải. Ở một số đoạn sông, nước sông bị ô nhiễm mức độ cao, xu hướng ngày càng tăng.
“Nguồn nước bị ô nhiễm đang là nguyên nhân chính khiến nước trong hệ thống thủy lợi không thể quay vòng, tái sử dụng. Sự gia tăng nhu cầu sử dụng nguồn nước, cùng vấn đề ô nhiễm nguồn nước làm phát sinh các mâu thuẫn, xung đột trong xã hội”, Bộ trưởng Cường nói. Giải pháp được nêu ra là đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, đầu tư xây dựng hồ chứa nước lớn phục vụ đa mục tiêu.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, kinh tế phát triển, tốc độ đô thị hoá cao, dân số tăng nhanh làm gia tăng tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Khảo sát cho thấy, chỉ có 12,5% nước thải sinh hoạt của các đô thị loại 4 được xử lý, số còn lại đều xả ra nguồn nước. Khu vực nội thành Hà Nội mỗi ngày xả 500.000 m3, trong đó có 100.000 m3 thải ra từ các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và bệnh viện. Ba con sông của Hà Nội là sông Nhuệ, sông Đáy và sông Tô Lịch đều ô nhiễm nặng... “Những vấn đề trên đã trở thành thách thức lớn đối với an ninh nguồn nước cả hiện tại và tương lai”, ông Hiển nói.
Trước nhiều thách thức đặt ra, Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị đổi mới tư duy trong hoạch định, tổ chức và kiểm soát an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập. Theo ông Hiển, cần coi nước là loại “hàng hóa đặc biệt”, thực hiện nguyên tắc thị trường, từng bước tính đúng, tính đủ giá dịch vụ nước sản xuất và sinh hoạt. Cùng với đó, cần ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào quản lý nguồn nước và tăng cường quan hệ quốc tế. “Cần khẳng định rằng, chỉ có tăng cường hợp tác quốc tế chúng ta mới có thể đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập”, ông Hiển nói.
ÐBSCL có nguy cơ mất lũ
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, tác động kép của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, khai thác nước ở thượng nguồn đã làm biến đổi sâu sắc tài nguyên nước vốn có của ÐBSCL khiến tổng lượng lũ giảm, thời gian bắt đầu lũ sẽ chậm lại, đỉnh lũ giảm và thời gian duy trì lũ có thể sẽ kéo dài hơn, muộn hơn. Hệ quả là nhiều vùng, nhiều năm sẽ không có lũ hoặc có nhưng không đáng kể.
Theo số liệu thống kê trước đó cho thấy, từ năm 2000 đến năm 2018 có 4 năm xảy ra lũ lớn, 6 năm lũ vừa và 7 năm lũ nhỏ. Lũ nhỏ không mang lại nguồn lợi và nguy cơ xảy ra xâm nhập mặn sâu vào mùa khô kế tiếp. Lũ có xu hướng đến muộn hơn so với trước đây, từ năm 2010 trở về trước, đỉnh lũ chính vụ hầu hết xuất hiện vào cuối tháng 9, đầu tháng 10, các trận lũ hầu hết xuất hiện vào giữa tháng 10 (chậm hơn so với giai đoạn trước khoảng 10 ngày). Từ năm 2010 đến nay, số trận lũ lớn giảm so với trước kia, chủ yếu xuất hiện các lũ vừa và lũ nhỏ (chiếm khoảng 90%), lũ đầu vụ (tháng 8) cũng suy giảm nghiêm trọng.
NGUYỄN HOÀI
THÀNH NAM
Theo Báo Tiền Phong