8 thách thức đe doạ an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt
Đăng ngày: 17 Tháng Tám 2020 | Source: www.warecod.org.vn
Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã chỉ ra 8 thách thức đe doạ an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập.

Biến đổi khí hậu và nước biển dâng đe doạ nguồn nước ngọt

Sáng 17.8, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức Hội nghị giải trình về "An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập”. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chủ trì hội nghị.

Hội nghị có Bộ Nông nghiệp và Phát triển và Nông thôn và Bộ Tài nguyên Môi trường tham gia giải trình.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Vinh Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH-CN-MT) của Quốc hội cho biết, trong tháng 7.2020, Ủy ban này đã tổ chức 2 đợt khảo sát về nội dung phiên giải trình tại 14 tỉnh, thành phố tại Bắc Trung bộ, duyên hải Miền Trung, Nam trung bộ, đồng bằng sông Cửu Long  và Tây Bắc.

Qua đó, cơ quan tổ chức phiên giải trình đã chỉ ra 8 thách thức đối với an ninh nguồn nước của Việt Nam.

Thách thức thứ nhất đó là vấn đề thiếu nước do lượng phân bố không đều theo không gian và thời gian. Mùa mưa lũ thì nước nhiều gây lũ, lụt. Mùa khô thì hạn hán, xâm nhập mặn;

Thiếu nước còn do nhu cầu sử dụng tăng do phát triển KT-XH như cho mục đích phát điện, sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp; do quản trị nước còn hạn chế, chưa tích trữ được nước tại chỗ, chưa điều chuyển nước được từ nơi thừa sang nơi thiếu và cả do chưa sử dụng nước tiết kiệm. 

Thách thức thứ hai đó là tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng đe dọa nguồn nước ngọt của các sông, nước dưới đất. BĐKH kéo theo hiện tượng thời tiết cực đoan làm gia tăng các loại hình thiên tai như bão, lũ, mưa lớn, hạn hán, xâm mặn, lượng mưa phân bố không đều trong năm, mùa khô kéo dài và mùa mưa lượng mưa tăng đột ngột; xâm nhập mặn, lũ ống, lũ quét, thay đổi lưu lượng dòng chảy... gây áp lực lên hệ thống thủy lợi, mực nước biển dâng cao, hạn chế diện tích canh tác.

Phụ thuộc lớn vào nguồn nước sông quốc tế

Thách thức thứ ba đó là vấn đề ô nhiễm nguồn nước từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt. Do tăng dân số, phát triển KT-XH nên gia tăng vấn đề xả thải vào nguồn nước các sông, suối. Hạn hán kéo dài dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn vào sâu hơn. Do đó, ảnh hưởng đến việc cấp nước sinh hoạt, sản xuất của nhiều địa phương.

Điều này dẫn đến tình trạng có nước nhưng không sử dụng được hoặc sẽ phải tăng chi phí để xử lý nước; đồng thời đặt ra vấn đề cần xây dựng các cống để trữ ngọt, ngăn mặn trên các hệ thống sông này. 

Thách thức thứ 4 được Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KH-CN-MT nhắc tới đó là nguồn nước phụ thuộc lớn vào nguồn nước sông quốc tế. 

Tuy Việt Nam có tới 3.500 sông suối có chiều dài từ 10 km trở lên; có 13 lưu vực sông có diện tích lớn hơn 10.000km2 nhưng có 7 lưu vực sông liên quốc gia, phần lưu vực ở nước ngoài chiếm tới 71% lại ở khu vực đầu nguồn. Do đó, chúng ta chịu rủi ro về lượng nước, chất lượng nước rất lớn do các quốc gia thượng nguồn gia tăng các hoạt động thủy điện trên dòng chính sông Hồng, sông Mê Kông làm thay đổi lớn chế độ dòng chảy, lượng nước phù sa...

Thách thức thứ 5 là khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn cho sản xuất, sinh hoạt của người dân, đặc biệt với địa bàn có điều kiện địa lý, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Thách thức thứ 6 là vấn đề mâu thuẫn trong sử dụng nước trên cùng lưu vực sông cũng như cho các mục đích sử dụng.

Thách thức thứ 7 đó là vấn đề bảo vệ nguồn sinh thủy.  Hiện nay chất lượng và diện tích rừng đầu nguồn giảm, ảnh hưởng lớn đến khả năng giữ nước của các lưu vực sông; thêm vào đó, việc trồng rừng bằng cây công nghiệp, cây keo, bạch đàn, cao su...cũng không có tác dụng trữ nước trên lưu vực.

Và thách thức thứ 8 đó là hiệu quả sử dụng nước thấp, năng lực khai thác công trình thuỷ lợi chưa còn chưa đáp ứng yêu cầu. 

Vương Trần
Theo Báo Lao động

XÂY DỰNG MÔ HÌNH TÔM LÚA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

GIẢI PHÁP NÀO CHO THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

XẢ THẢI BỨC TỬ NGUỒN NƯỚC NHỮNG HÌNH ẢNH KINH HOÀNG Ở BẮC NINH

Đằng sau những ánh sáng trắng

Local knowledge research in the Mekong delta

Tra cứu ấn phẩm
Nhận bản tin