Phát huy vai trò “cỗ máy” chống hạn
Xã Thuận Hòa (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) nằm cạnh hồ sông Quao có lượng nước còn lại khoảng 9,348 triệu mét khối, nhưng lại là tâm điểm của khô hạn. Toàn xã có hơn 1.700 hộ bị thiếu nước. Nguyên nhân là do thiếu công trình thủy lợi, hệ thống cấp nước. Các hộ đều có giếng, song chủ yếu là giếng đào sử dụng hơn 10 năm nên bị lắng đọng, ít thau rửa, cạn nước. Nhà dân đều không có bể, bồn để tích trữ nước.
Phan Lâm, Phan Sơn là hai xã vùng cao của huyện Bắc Bình (Bình Thuận), thường xuyên bị thiếu nước trầm trọng. Các cánh đồng: Hố Khỉ, Suối Mắm thuộc địa bàn hai xã có diện tích khoảng 200ha, rất bằng phẳng, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nhưng phần lớn bị bỏ hoang do thiếu nước. Điều nghịch lý là khu vực này nằm ngay dưới chân hồ xả của Thủy điện Đại Ninh, mỗi ngày xả hàng chục nghìn mét khối nước xuống hạ lưu. Nơi đây thiếu nước cũng là do chưa có công trình thủy lợi. Năm 2010, dự án ngăn suối Mác Tin được khởi công để lấy nước từ hồ xả thủy điện Đại Ninh về các xã: Phan Sơn, Phan Lâm, Sông Bình, nhưng đã ngưng từ năm 2013 do thiếu vốn, cả vùng vẫn phải phụ thuộc vào nước mưa.
Theo thống kê của Viện Quy hoạch thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), khu vực Nam Trung Bộ hiện có 891 công trình thủy lợi cấp nước, gồm 16 đập dâng, 32 hồ chứa, 154 trạm bơm, 683 công trình nhỏ. Đây được xem là những "cỗ máy" bảo đảm an ninh nguồn nước, phục vụ sản xuất và đời sống cho toàn vùng. Tuy nhiên, hầu hết các công trình đều có quy mô vừa và nhỏ, một số đã xuống cấp, hư hỏng nên khả năng dự trữ và cung cấp nước rất hạn chế. Điển hình như tỉnh Ninh Thuận hiện có 21 hồ chứa nhưng dung tích thiết kế chỉ đạt từ 0,4 đến 64 triệu mét khối.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hệ thống thủy lợi thiếu và yếu khiến một lượng lớn tài nguyên nước bị thất thoát, lãng phí. Hồ xả thủy điện Đại Ninh và lưu vực tại chỗ mỗi năm chuyển về sông Lũy (Bình Thuận) khoảng 914 triệu mét khối nước. Trong khi đó, hệ thống tưới Phan Rí-Phan Thiết chỉ khai thác được khoảng 1/3, tương đương 300 triệu mét khối/năm, 2/3 lượng còn lại tương đương hơn 600 triệu mét khối nước phải xả ra biển. Tỉnh Ninh Thuận mỗi năm nhận khoảng 500 triệu mét khối nước từ Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, nhưng cũng chỉ một phần nhỏ lượng nước này được giữ lại và khai thác.
Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Giai đoạn 2016-2019, toàn tỉnh đầu tư xây dựng 63 công trình, gồm: Thủy lợi tạo nguồn, kênh cấp II và kênh cấp III, góp phần nâng diện tích đất trồng trọt chủ động tưới nước lên 53,7% năm 2019, tăng 4,1% so với năm 2015. Đặc biệt, tỉnh đang được Trung ương đầu tư một số công trình thủy lợi quy mô, như: Hồ chứa nước sông Cái, đập dâng Tân Mỹ, đường ống chính Tân Mỹ. Các công trình này sau khi hoàn thành sẽ khiến hàng trăm nghìn héc-ta đất nông nghiệp hoang hóa được hồi sinh”. Bên cạnh đó, Ninh Thuận cần lập dự án thu giữ và phát triển nguồn nước ngầm trên những vùng đất khô hạn, mở rộng Dự án "Thủy lâm kết hợp với phòng, chống sa mạc hóa".
Tại Bình Thuận, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh xây dựng hơn 70 hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất của người dân; trong đó có những công trình hồ chứa lớn, như các hồ: Sông Quao, Cà Giây, Lòng Sông, sông Móng… Tổng năng lực phục vụ tưới của các hệ thống thủy lợi được xây dựng hơn 70.000ha, đưa diện tích gieo trồng được tưới từ 53.000ha (năm 2005) lên hơn 110.000ha (năm 2016). Dự kiến đến hết năm 2020, Bình Thuận đầu tư hoàn thành 20 tuyến kênh nối mạng, gồm: Nâng cấp 9 kênh hiện trạng, đầu tư mới 11 tuyến kênh, đầu tư chuyển tiếp 3 công trình và đầu tư mới 15 công trình tạo nguồn. Dự kiến nguồn đầu tư khoảng 13.148 tỷ đồng.
Năm 2017, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt dự án điều chỉnh, bổ sung “Quy hoạch phát triển thủy lợi tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2015-2025 và định hướng đến năm 2035”. Giai đoạn 2021-2025, Khánh Hòa sẽ nâng cấp, kiên cố hóa 20 công trình thủy lợi, xây 10 công trình cấp nước, mở rộng 36 tuyến kè. Giai đoạn sau năm 2025 sẽ xây dựng 29 công trình cấp nước, mở rộng, nạo vét 36 tuyến... Tổng mức đầu tư phát triển thủy lợi là hơn 20.500 tỷ đồng. Thông qua đó, từng địa phương đang chú trọng kết nối các công trình nhằm tạo nên lưới liên thông, sẵn sàng chia sẻ nguồn nước khi cần thiết.
Mặc dù nhu cầu các công trình thủy lợi rất lớn, nhưng do thiếu kinh phí nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, tiến độ thi công tại một số công trình thủy lợi quy mô lớn, như: Đập Tân Mỹ (Ninh Thuận), hồ Ka Pét (Bình Thuận) diễn ra khá chậm, ảnh hưởng lớn đến công tác chống hạn, phục vụ sản xuất, sinh hoạt của các địa phương.
Mở rộng diện tích tưới tiên tiến, tiết kiệm nước
Địa hình khu vực Nam Trung Bộ có độ dốc lớn, cấu tạo bề mặt địa chất chủ yếu là cát, đất pha cát và sỏi đá, cộng thêm thời tiết nắng nóng kéo dài khiến mặt đất bốc hơi nhanh, khả năng giữ nước rất kém. Do đó, sử dụng các phương pháp tưới tiết kiệm là giải pháp phi công trình có ý nghĩa quan trọng lúc này.
Xã An Hải (Ninh Phước, Ninh Thuận) địa phương ven biển, hầu hết đất đai là cát trắng, nguồn nước vô cùng khan hiếm. Nhưng “tiểu sa mạc” Phước Hải hôm nay đã thay đổi một cách kỳ diệu nhờ trồng măng tây xanh, kết hợp sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, hiện đại. Riêng Hợp tác xã (HTX) dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú có 64 thành viên trồng măng tây với tổng diện tích 35ha. Tất cả vườn măng đều sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới phun tự động, bán tự động, vừa giảm chi phí nhân công, tiết kiệm điện, nước, vừa phù hợp với đặc điểm sinh trưởng của cây trồng. Anh Châu Thành Lương (người dân tộc Chăm), thành viên HTX Tuấn Tú, chia sẻ: “Gia đình tôi trồng 2.500m2 măng tây từ năm 2015. Hiện vườn măng tây cho sản lượng 10-15kg/ngày, giá 50.000 đồng/kg. Mỗi ngày gia đình thu nhập 400.000-500.000 đồng”.
Huyện Bác Ái (Ninh Thuận) đến nay đã phát triển được 100ha đất nông nghiệp sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước, tập trung chủ yếu vào diện tích cây ăn trái, các loại rau màu. Còn trang trại Sơn Trà tại huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) canh tác 22ha thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Nhiều tháng qua, dù trời không mưa nhưng thanh long vẫn phát triển xanh tốt là nhờ 6 giếng khoan, 10 ao đào trải bạt chứa nước và hệ thống tưới phun tự động được đầu tư khá hiện đại.
Bên cạnh công tác tuyên truyền vận động, các địa phương đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp đầu tư, mở rộng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm. Cụ thể: Năm 2016, tỉnh Bình Thuận đã ban hành kế hoạch hành động phát triển hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng. Theo đó, đến hết năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu có 18.285ha diện tích cây trồng cạn chủ lực, gồm: Thanh long, xoài, hồ tiêu, nho, điều, quýt, mãng cầu, rau màu được tưới bằng công nghệ, kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước thay thế phương pháp tưới truyền thống. Tỉnh Ninh Thuận ra quy định về các yêu cầu kỹ thuật cơ bản của hệ thống tưới tiết kiệm. Tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 1609/QĐ-UB thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ giai đoạn 2017-2020.
Ngoài mức hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/ha đối với các công trình tưới tiên tiến, tiết kiệm theo Nghị định số 77/2018/NĐ-CP của Chính phủ, các địa phương đã tăng thêm mức hỗ trợ 10-20 triệu đồng/ha tùy loại cây trồng. Tuy nhiên, do diện tích cần sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm tại Nam Trung Bộ rất lớn, trong khi nguồn vốn đầu tư còn nhiều hạn chế, mức hỗ trợ của Nhà nước thấp (chỉ 20-25% so với tổng kinh phí đầu tư) nên chưa khuyến khích được nhiều hộ dân đầu tư vào công nghệ này. Vì thế, việc mở rộng diện tích tưới tiên tiến, tiết kiệm nước khu vực Nam Trung Bộ còn nhiều khó khăn.
Theo Báo Quân đội Nhân dân