Nắng nóng gay gắt tại Quảng Nam, Đà Nẵng làm mực nước sông xuống thấp khiến tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân.
Thiếu nước, xâm nhập mặn
Thống kê từ Sở NN&PTNT Quảng Nam, hiện tỉnh có khoảng hơn 10.000ha sản xuất vụ Hè - Thu phải thực hiện các giải pháp phòng chống hạn và nhiễm mặn. Sở NN&PTNT tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường tìm tất cả các nguồn nước để phục vụ tưới. Thế nhưng, toàn tỉnh vẫn có trên 100ha (chủ yếu ở thị xã Điện Bàn và huyện Duy Xuyên) không tìm được nguồn cung cấp nước. Hiện nay, mực nước sông Thu Bồn đã xuống thấp, mặn xâm nhập sâu lên phía thượng nguồn, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các trạm bơm thủy lợi.
Còn tại TP. Đà Nẵng, sông Cầu Đỏ liên tục nhiễm mặn nặng, không chỉ gây thiếu nước ở các khu vực dân cư ở xa Nhà máy nước Cầu Đỏ, mà người dân thành phố phải uống nước lợ nhiều ngày, có khi kéo dài hàng tuần, thậm chí gần 1 tháng. Nguyên nhân được xác định là do các hồ thủy điện thượng nguồn lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn hạn chế phát điện, không xả nước dẫn đến độ mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ tăng cao. Chính quyền TP. Đà Nẵng đã gửi nhiều văn bản đến Bộ TN&MT để tìm cách giải quyết tranh chấp nguồn nước.
Ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Đà Nẵng luôn khẳng định, bản chất việc thiếu nước của sông Vu Gia là do thủy điện Đắk Mi 4 chuyển nước sông Vu Gia sang sông Thu Bồn để phát điện. Từ khi có thủy điện Đắk Mi 4, thời gian nhiễm mặn chiếm đến một nửa thời gian trong năm, có lúc mùa mưa vẫn nhiễm mặn liên tục. Hơn nữa, hằng năm, trong mùa khô, thủy điện Đắk Mi 4 đã lấy đi của sông Vu Gia từ 1,2 - 1,4 tỷ m3 nước.
“Hai hồ thủy điện lo bù lại cho trữ lượng nước đã mất đi là A Vương và Sông Bung 4 (kể cả thủy điện Sông Bung 2) cũng chỉ có 600 triệu m3 nước. Dù có điều tiết 2 hồ thủy điện Sông Bung 4 và A Vương cũng không thể làm tăng trữ lượng nước lên được so với tự nhiên trước đây”, ông Huỳnh Vạn Thắng nói.
Tỉnh Quảng Nam hiện có 46 dự án thủy điện ở thượng nguồn lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Tuy vậy, thực tế quy hoạch thủy điện dày đặc ở thượng nguồn tỉnh Quảng Nam cùng với cách tiếp cận quản lý tài nguyên nước hiện nay chưa hoàn toàn phù hợp với lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng. Đây chính là các yếu tố làm suy giảm chức năng và sự sống của lưu vực, gây trở ngại cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt, tác động tiêu cực đến vùng hạ nguồn hai địa phương như hạn hán, nhiễm mặn vào mùa khô và ngập úng vào mùa mưa…
Cần sự phối hợp
Năm 2016, TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam ký kết thỏa thuận phối hợp quản lý lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng nhằm tăng cường phối hợp giữa hai địa phương, giữa các ban, ngành và các bên liên quan trong quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng, tiến tới hài hòa giữa phát triển kinh tế, an sinh xã hội và an toàn sinh thái, môi trường.
Việc ký thỏa thuận, hai bên đã thành lập Ban Điều phối chung, gồm lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam, UBND TP. Đà Nẵng và các cơ quan chủ chốt có liên quan đến quản lý lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ để giải quyết các vấn đề liên tỉnh, liên vùng. Cơ quan đầu mối của Ban Điều phối là Sở TN&MT hai địa phương. Trong giai đoạn thử nghiệm kéo dài trong 3 năm (2017 - 2020), hai bên thực hiện các nguyên tắc cơ bản của quản lý tổng hợp lưu vực sông và vùng bờ biển. Ban Điều phối cử luân phiên Trưởng ban và bàn giao tại cuộc họp định kỳ sáu tháng một lần.
Bộ TN&MT cũng liên tục có công văn hướng dẫn vận hành hồ chứa thủy điện lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn để chủ động, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn ở hạ du, đặc biệt, việc bảo đảm việc cấp nước an toàn cho TP. Đà Nẵng. Đồng thời, duy trì chương trình quan trắc môi trường nước mặc định kỳ với tần suất 4 - 5 đợt quan trắc/năm tại lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.
Xuân Lam - Lan Anh
Theo Báo Tài nguyên và Môi trường