Cả hai vụ rơi máy bay cứu nạn trước đó ở thung lũng Ô Kha, Khánh Hòa năm 1992, và trên vùng biển Bạch Long Vỹ hồi 2016 cũng không thể so bằng.
Trong danh sách 13 người mất tích, có Phó Tư lệnh Quân khu 4 cấp bậc Thiếu tướng, Đại biểu Quốc hội đương nhiệm, có một Đại tá Phó Cục trưởng Cục cứu hộ cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng) và nhiều sĩ quan cấp tá, có Chủ tịch UBND huyện Phong Điền. May mắn 8 người khác đi cùng đoàn đã thoát chết trong gang tấc, trong đó có một Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ai đó trên mạng xã hội kêu lên rằng, sao lại để toàn tướng tá “đi vào chỗ chết” như thế, và “quân tinh nhuệ đâu không cử đi”(?!).
Xin thưa, đây là những chỉ huy dạn dày với chiến chinh, bão lũ. Không quản ngại hiểm nguy, mưa lũ, sạt lở, họ đã lập tức lên đường đến nơi đồng bào đang kêu cứu giữa mịt mùng rừng sâu núi thẳm bên vách nước tử thần. Với tư cách chỉ huy nắm tình hình, nghiên cứu phương án cứu hộ cứu nạn, để chỉ đạo cho những người lính phía sau. Tướng có đạo của tướng. Đó phải là những người đầu tiên xông lên tuyến đầu giữa hòn tên mũi đạn.
Và thực ra, những cán bộ, sĩ quan này đã có mặt tại tâm bão lũ Thừa Thiên - Huế từ những ngày trước. Nên ngay khi hay tin sập thủy điện, nhiều người gặp nạn, họ lập tức hành quân. Tình huống ấy, còn chờ ai nữa?!
Trong số ấy, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng - Phó Cục trưởng Cục cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) không ai khác, chính là người đã trực tiếp chỉ huy cuộc giải cứu 12 công nhân bị mắc kẹt suốt 80 giờ dưới hầm thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng) đầu tháng 12/2014. Còn ông Nguyễn Văn Bình vừa được bầu làm Chủ tịch huyện Phong Điền cách đây 1 tháng rưỡi. Chừng đó thời gian làm chủ tịch huyện, hầu như ông chỉ ngâm mình trong liên tiếp những đợt mưa bão, lụt lội để đến với dân. Nhưng cuối cùng những chỉ huy dạn dày ấy đã nằm sâu dưới núi bùn tại nơi đây. Để thấy sự hung bạo của thiên nhiên không bao giờ có điểm dừng.
“Hình thái tổ hợp đa thiên tai” là một từ mới vừa được lãnh đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia sử dụng khi dự báo lại thêm những đợt mưa cực lớn nữa hôm nay sẽ đổ vào miền Trung. Áp thấp, bão tố, mưa, lũ, dông lốc,… cứ thế chồng chéo nhau, vặn xoắn vào nhau rối bời như ma trận. Thiên nhiên đang ra đòn liên hoàn khủng khiếp xuống con người. Chỉ sợ rằng cuộc kiếm tìm đồng đội, và 17 công nhân thủy điện cũng đang mất tích sẽ bị đứt quãng bởi thời tiết. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã hoãn đại hội để tập trung cứu hộ. Chủ tịch và các phó chủ tịch tỉnh đang chia làm nhiều hướng trực tiếp bám hiện trường.
Lại đang nghe tranh cãi, rằng “rào” theo tiếng địa phương là sông. Địa danh đang đốt cháy tâm can đồng bào cả nước mấy ngày nay ấy, có nghĩa là “Sông Trăng”.
Nghe thơ mộng quá, hẳn nhiên, bởi nơi đây chính là vùng lõi khu bảo tồn thiên nhiên kỳ thú. Nhưng sao một lúc mấy thủy điện lại có thể “chen” vào, ngự ở đấy, để xảy ra thảm họa bây giờ? Điều đó rồi sẽ được phán xử. Mặc dù từ vài ba năm trước, báo chí và dư luận đã phản đối việc cấp phép làm thủy điện tại đây.
Sông Trăng ư? Nào phải “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó” (Hàn Mặc Tử). Mà là nỗi đau xé “Sông đưa lạnh tới bóng trăng run...”.
THEO TRÍ QUÂN
TIENPHONG.VN