Xã Krông Na nằm về phía Tây bắc huyện Buôn Đôn, cách trung tâm huyện 18 km theo đường Tỉnh lộ 17, phía Tây có 46,7 km đường biên giới tiếp giáp tỉnh Molđunkiri của nước bạn Căm Pu Chia.
Nằm trong vùng bình nguyên Ea Súp, có độ cao trung bình 200 – 220 m so với mặt nước biển, nghiêng theo hướng Tây - Tây nam; có địa hình phức tạp, bị chia cắt mạnh, chủ yếu thuộc khu vực vườn quốc gia Yok Đôn; địa hình đồi núi cao thuộc khu vực các núi Chư Minh, Chư Mar, Chư Nao, Chư Ming... ở phía Bắc có độ cao 300 m, khu vực đồi Yok Don ở phía Nam có độ cao 250 - 400 m, khu vực đồi Yok Rheng, Yok Da ở phía Tây. Địa hình thấp trũng thuộc hạ lưu của sông Sêrêpốk, các suối thuộc hạ lưu của nó và khu vực trung tâm xã, độ cao bình quân 185 m so với mực nước biển.
Xã Krông Na nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa đặc trưng của khí hậu cao nguyên Nam Trung Bộ, được chia làm 2 mùa rõ rệt: mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.
Tổng lượng mưa trung bình qua khảo sát nhiều năm là 1.588 mm, lượng bốc hơi 1.470 mm và phân bố không đều, mùa mưa chiếm 93,5% lượng mưa cả năm và mùa khô chiếm 6,5%. Mùa mưa khí hậu mát mẻ, nên thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhưng độ ẩm cao và lượng mưa lớn dễ gây xói mòn và rửa trôi đất; mùa khô thời tiết nắng nóng, gió mùa đông bắc thổi mạnh, độ ẩm không khí giảm, gây khô hạn ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.
Với vị trí và điều kiện tự nhiên không được thuận lợi như vậy, bà con nhân dân ở xã Krông Na vô cùng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, nhất là vào các tháng cao điểm của mùa khô từ tháng 2 đến tháng 4. do vậy bà con rất vất vả trong việc tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh để mang về sử dụng cho gia đình.
Tại đây, người dân sử dụng nhiều loại nguồn nước khác nhau để sinh hoạt: Nước mặt, nước ngầm và nước mưa.
Ở thời điểm hiện tại, loại nguồn nước được người dân sử dụng nhiều nhất là nước ngầm. Thứ nhất, vì nguồn nước mặt hiện nay bị hạn chế, bị ô nhiễm và sự tác động của các hệ thống thủy điện cũng gây ảnh hưởng đến lưu lượng nước và dòng chảy cũng là nguyên nhân người dân ít sử dụng nước mặt. Thứ 2, người dân cũng được nhà nước hỗ trợ vốn vay tín chấp cho khoan giếng nước sạch cho nên người dân có điều kiện để khoan giếng hoặc đào giếng.
Có thể nói việc sử dụng nước giếng khoan và nước giếng đào đã giải quyết được nhu càu tất yếu của người dân nơi đây về nước. Tuy nhiên, vì vị trí và điều kiện tự nhiên nơi đây vốn không được thuận lợi, nước giếng khoan và giếng đào tại đây bị nhiễm vôi và phèn, do vậy trên thực tế người dân chỉ sử dụng nước này cho sinh hoạt tắm, rửa, chăn nuôi, tưới tiêu…chứ không thể dùng để ăn uống. Để có nước sạch nấu ăn và uống hàng ngày người dân vẫn phải mua nước lọc 21L của các nhà xe từ TP.BMT vào hoặc của đơn vị BĐBP đóng chân trên địa bàn. Bên cạnh đó, có hai khu vực buôn là buôn Đôn và Buôn trí A(Cũ) người dân khoan giếng nhưng không có mạch nước, cứ đén mùa khô là bà con phải chở nước song, nước mương, nước hồ để sinh hoạt. Vì thế mà cuộc sống của người dân nơi đây đã khó khăn nay lại khó khăn thêm..
Với tình hình đó, nhân dân cũng đã nhiều lần kiến nghị lên cấp chính quyền về việc đầu tư hệ thống nước sạch cho bà con nơi đây và sau nhiều năm đề xuất nay bà con đã thỏa được ước mong. Năm 2020 công trình nước sạch cho bà con được khởi công với tổng số vốn lên 79 tỷ, chiều dài 10km đường ống chính và 40km đường ống nhánh….cung cấp cho khoảng 2.500 hộ dân trên địa bàn toàn xã. Đến nay, công trình nước sạch về cơ bản đã hoàn thiện và mở nước cho bà con sử dụng thử. Đây là một niềm hạnh phúc lớn lao của bà con nhân dân suốt hơn mười mấy năm chờ đợi.
Trong tình trạng nguồn nước ngầm trên thế giới nói chung và nước ta nói riêng và cụ thể là xã Krông Na nguồn nước ngầm càng ngày càng suy giảm thì việc xây dựng các công trình nước sạch là điều cần thiết, vừa là phương án bảo vệ nguồn nước ngầm toàn cầu vừa giải quyết được những nhu cầu tất yếu của nhân dân. Để người dân yên tâm lao động, sản xuất và phát triển kinh tế, giảm thiểu tình trạng sử dụng nước ô nhiễm, giảm thiểu bệnh tật, nâng cao đời sống và sức khỏe của người dân.