Bộ TN&MT: Họp xây dựng Quy hoạch tài nguyên nước Đồng bằng sông Cửu Long
Đăng ngày: 02 Tháng Tư 2019 | Source: Cục Quản lý Tài nguyên Nước
Chiều ngày 1/4, tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Thứ trưởng Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp về xây dựng Quy hoạch tài nguyên nước Đồng bằng sông Cửu Long. Tham dự buổi họp có Lãnh đạo các đơn vị: Cục Quản lý tài nguyên nước, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, Viện Khoa học tài nguyên nước và các đơn vị liên quan.

Báo cáo về nhiệm vụ Quy hoạch tài nguyên nước ĐBSCL, ông Tống Ngọc Thanh - Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước cho biết: Phạm vi Quy hoạch thuộc 13 tỉnh/thành phố là Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang, với diện tích 39.945 km2 (không tính diện tích các huyện đảo Kiên Hải 28,2 km2 và Phú Quốc 575,4 km2 của tỉnh Kiên Giang).

Mục tiêu của Quy hoạch nhằm: (i) Bảo đảm phân bổ công bằng và hợp lý nguồn nước giữa các vùng, nhóm; đối tượng sử dụng nước, các tỉnh; cơ bản giải quyết được tình trạng mâu thuẫn trong phân bổ, chia sẻ, khai thác, sử dụng nước giữa các đối tượng sử dụng nước; (ii) Bảo đảm nguồn nước cho các ưu tiên phát triển mang tính chiến lược, ổn định an sinh xã hội; (iii) Cân bằng giữa lượng nước có thể khai thác và nhu cầu sử dụng nước có xét đến sự biến động nguồn nước do tác động của biển đổi khí hậu, nước biển dâng và do khai thác, sử dụng nước ở thượng lưu; (iv) Bảo vệ được các hệ sinh thái phụ thuộc vào nước, kiểm soát được tình trạng gia tăng ô nhiễm nguồn nước ở các khu dân cư, khu đô thị lớn, khu công nghiệp tập trung; hạn chế tình trạng xâm nhập mặn vùng cửa sông và các tầng chứa nước; (v) Kiểm soát được tình trạng sạt lở bờ sông; phòng, chống sụt, lún đất do khai thác nước dưới đất quá mức và giảm thiểu các tác hại do nước gây ra; (vi) Bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước hiện có.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã rà soát, cập nhật bổ sung theo quy định của Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật liên quan đến quy hoạch và Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH để chỉnh sửa lại.

Phát biểu góp ý tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cũng đề nghị Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia xem xét, chỉnh sửa và cập nhật vào nội dung nhiệm vụ quy hoạch, cụ thể: Các sông vùng ĐBSCL đều bị ảnh hưởng bởi chế độ thủy triều của biển Đông và biển Tây, nên việc xác định dòng chảy tối thiểu trên các sông, kênh rạch này là không khả thi. Vì vậy, nhiệm vụ quy hoạch nên bỏ nội dung này. Bên cạnh đó, hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 167/2018/NĐ-CP quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất. Theo đó, việc khoanh định, lập danh mục, phê duyệt và công bố vùng hạn chế khai thác nước dưới đất đều phải thực hiện theo Nghị định này.

Phó Cục trưởng Châu Trần Vĩnh cũng cho biết, về công tác xây dựng mô hình phục vụ lập quy hoạch: Đối với mô hình nước mặt, trước đây Ủy ban sông Mê Kông đã xây dựng mô hình cho lưu vực sông Mê Kông; đối với mô hình nước dưới đất đã được đề cập trong Dự án Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước dưới đất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đề xuất giải pháp ứng phó. Vì vậy, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cần rà soát và kế thừa đưa vào trong nhiệm vụ quy hoạch để tránh lãng phí nguồn lực. “Mặt khác, đề nghị đơn vị thực hiện xem xét, phân chia kế hoạch thực hiện theo các nội dung của quy hoạch. Trong đó, lưu ý nội dung bảo vệ tài nguyên nước và nội dung phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra là vấn đề quan trọng đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên xem xét ưu tiên thực hiện trước”  - Phó Cục trưởng Châu Trần Vĩnh phát biểu.

Để trình phê duyệt được nhiệm vụ Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long, Cục Quản lý tài nguyên nước cũng kiến nghị Thứ trưởng chỉ đạo Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia rà soát, hoàn thiện thuyết minh nhiệm vụ và đề cương lập quy hoạch như các tồn tại nêu trên; rà soát và phân bổ dự toán lập quy hoạch theo quy định kỹ thuật, định mức, đơn giá theo quy định; hoàn thiện hồ sơ nhiệm vụ lập quy hoạch và lấy ý kiến các cơ quan liên quan trước khi trình Bộ thẩm định phê duyệt theo quy định.

Phát biểu tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy cho rằng, cần cân nhắc lại tính khả thi các nhiệm vụ cần thực hiện, cũng như xác định yêu cầu đặt ra của Quy hoạch. Mặt khác, cần dừng lại ở nhiệm vụ Quy hoạch để Bộ xem xét, phê duyệt; xem xét các nhiệm vụ nào cần làm trước, cần làm sau. Trong Quy hoạch tài nguyên nước ĐBSCL phải xây dựng kịch bản rõ ràng về nước từ thượng nguồn, đặc biệt về mô hình nước mặt, trên cơ sở tận dụng mô hình sông Mê Công để xây dựng mô hình chi tiết. Cần sơ bộ các chức năng nguồn nước mặt, cần nghiên cứu xây dựng bản đồ nguồn nước, bản đồ sông, suối, rạch của ĐBSCL và chức năng chính của từng nguồn nước, cần lưu ý tính đến yếu tố xâm nhập mặn. Quy hoạch cần bám sát yêu cầu của Luật Quy hoạch và Luật Tài nguyên nước.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các đại biểu tham gia cuộc họp, phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cũng cho rằng, Quy hoạch tổng thể ĐBSCL là một bài toán phức tạp, nên cần rất nhiều công sức để có được một quy hoạch tốt đáp ứng yêu cầu. 

Tại cuộc họp, Thứ trưởng yêu cầu Cục Quản lý tài nguyên nước phối hợp với các đơn vị để xác định rõ kế hoạch chi tiết xây dựng và làm rõ các nội dung tài nguyên nước trong Quy hoạch; đồng thời đề xuất Bộ những tiêu chuẩn đầu vào cho Quy hoạch. Thứ trưởng cũng đề nghị Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia cần tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp để hoàn thiện, xin ý kiến các Bộ, ngành các đơn vị và các địa phương, tập trung hoàn thiện, trình lãnh đạo Bộ phê duyệt trước khi diễn ra Hội nghị lần thứ 2 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu sắp tới./.
 
Tác giả bài viết: DWRM

XÂY DỰNG MÔ HÌNH TÔM LÚA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

GIẢI PHÁP NÀO CHO THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

XẢ THẢI BỨC TỬ NGUỒN NƯỚC NHỮNG HÌNH ẢNH KINH HOÀNG Ở BẮC NINH

Đằng sau những ánh sáng trắng

Local knowledge research in the Mekong delta

Tra cứu ấn phẩm
Nhận bản tin