Chưa đảm bảo vệ sinh môi trường là thực trạng khá phổ biến của các làng nghề chế biến thực phẩm hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt cộng đồng, mà còn là nguy cơ gây mất vệ sinh an toàn của chính sản phẩm làm ra.
Người dân “gồng mình” gánh ô nhiễm
Nhiều năm nay, các lò hấp sấy cá cơm thuộc làng nghề Phú Lợi tại phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai gây ô nhiễm môi trường, toàn bộ nước thải từ việc chế biến đều thải trực tiếp ra ngoài mà không qua quy trình xử lý nào. Theo phản ánh của người dân, các cơ sở này nằm sát dòng sông Mai Giang, khi vào mùa, mỗi lò hấp sấy hàng tấn cá, nước thải sau chế biến sẽ được xả xuống dòng sông.
Chia sẻ với phóng viên NTNN, ông Trần Văn Hậu - người dân ở làng nghề Phú Lợi, phường Quỳnh Dị bức xúc: “Thời gian gần đây, trên địa bàn xuất hiện thêm nhiều lò hấp sấy cá cơm, vào tận nơi chế biến không khỏi rùng mình, bởi mùi hôi thối nồng nặc của nước xả thải xộc thẳng vào mũi. Nhiều hộ dân sinh sống xung quanh phải đóng cửa kín mít, sông Mai Giang đục ngầu bởi nước xả thải”.
Bà Trần Thị Vân - người dân sinh sống tại phường Quỳnh Dị nói: “Không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước, sau khi cá đã qua hấp sấy đem phơi khô ở bên cạnh tuyến tỉnh lộ 537B khiến mùi hôi bốc lên nồng nặc. Hàng ngày, lượng cá tập kết về đây có lúc lên đến hàng chục tấn cá các loại. Đến gần bãi phơi cá, mùi hôi càng trở nên đậm đặc, ruồi nhặng bâu kín đen cả tấm phên phơi cá”.
Một cán bộ phường Quỳnh Dị cho biết: “Mặc dù đã nhiều lần phối hợp kiểm tra, nhắc nhở, nhưng các cơ sở chế biến này vẫn hoạt động, không tuân thủ theo quy trình đảm bảo vệ sinh môi trường. Bà con không tuân thủ, rồi chính bà con lại kêu”.
Không chỉ ở huyện Quỳnh Lưu, mà ở huyện Diễn Châu, mỗi năm ngư dân khai thác, đánh bắt được trên 32.000 tấn hải sản các loại, mang về giá trị kinh tế trên 500 tỷ đồng, chiếm 7,2% giá trị kinh tế toàn huyện. Đi đôi với sự phát triển của nghề khai thác, đánh bắt thì nghề chế biến hải sản ở Diễn Châu cũng phát triển ngày càng mạnh, tuy nhiên, việc phát triển theo tính tự phát, đã làm cho môi trường trong chế biến hải sản ngày càng ô nhiễm, khó khắc phục, gây nhiều bức xúc cho nhân dân. Năm 2008, làng nghề chế biến hải sản Ngọc Văn - Diễn Ngọc được thành lập trên diện tích 2,16ha. Tuy nhiên, hiện nay môi trường ở làng nghề này đang ô nhiễm trầm trọng.
Để xử lý được là rất “nan giải”
Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Sỹ Khánh Vinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An cho biết: Tình trạng ô nhiễm làng nghề hiện đang trong mức báo động nghiêm trọng, nhất là các làng nghề: bún, bánh, nghề chế biến thủy hải sản. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 153 làng nghề, có 67 làng nghề không được khuyến khích phát triển, trong đó có hai làng nghề chế biến thủy hải sản ở Quỳnh Dị, Quỳnh Lưu và làng nghề ở Diễn Ngọc là hai làng nghề nằm trên mức báo động.
Theo ông Vinh: Để khắc phục là một vấn đề rất nan giải, vì không có nguồn vốn, muốn khôi phục thì phải có vốn để mua máy móc thiết bị, chi cục cũng đã nhiều lần lập dự án, nhưng nguồn vốn không có nên khó khăn.
Ông Thái Văn Nông - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay: Kinh phí đầu tư xây dựng, vận hành các công trình bảo vệ môi trường và xử lý triệt để ô nhiễm môi trường rất lớn, trong khi ngân sách Nhà nước hạn hẹp, việc kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa hiệu quả chưa cao, các doanh nghiệp khó khăn về vốn, do đó việc xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường bị hạn chế. Đặc biệt là trong vấn đề xử lý chất thải rắn, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm: “Các sở, ngành liên quan cần tập trung hướng dẫn, đôn đốc công tác ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, áp dụng sản xuất sạch hơn, các giải pháp kỹ thuật xử lý môi trường để các làng nghề, cơ sở sản xuất hoạt động bền vững”.