Hơn tháng nay, mỗi ngày ông Trần Minh Chính (Phước Vĩnh Đông, Cần Giuộc, Long An) phải thuê xe tải chở nước ngọt về cho năm người trong gia đình dùng. Theo ông, năm nay mưa trễ hơn một tháng, tất cả bể chứa nước ngọt của người dân trong vùng đều đã cạn khô.
"Giá mua nước ngọt hiện từ 60.000 đến 200.000 đồng một khối. Một gia đình trung bình 4-5 người mỗi tháng phải tốn khoảng một triệu đồng tiền mua nước ngọt, cao gấp 4 lần tiền mua gạo", ông Chính cho hay.
Do giá nước ngọt đắt đỏ, nên việc sử dụng cũng phải hết sức tiết kiệm. Nước vo gạo để dành lại tưới cây, cho vật nuôi uống, còn tắm rửa người dân phải dùng nước mặn, sau đó rửa sơ bằng nước ngọt.
"Một số chỗ ở khu vực xa trung tâm, cầu nhỏ xe không qua được, nên có tiền cũng chưa chắc có nước để xài", nông dân Nguyễn Văn Minh nói.
Nắng nóng kéo dài, hiện nước biển đã tiến sâu vào nội đồng cách cửa sông Vàm Cỏ Tây hơn 80 km. Trên sông Vàm Cỏ Đông mặn đã tấn công hơn 73 km, đến địa bàn huyện Bến Lức. Hàng nghìn hộ dân tại vùng hạ huyện Cần Giuộc đang lâm cảnh thiếu nước trầm trọng.
Trước tình trạng trên, Bộ Chỉ huy Quân sự Long An đã điều ba xe tải, mỗi ngày chở khoảng 20 m3 nước ngọt đến các xã đang có nhu cầu để người dân chống chịu qua đợt hạn mặn.
Không chỉ Long An, người dân nhiều tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang khổ sở với đợt hạn hán gay gắt. Ngồi bên ruộng lúa hơn một ha đã thu hoạch xong, lão nông Dương Văn Châu (70 tuổi, quê Thạnh Mỹ, Châu Thành, Trà Vinh) không giấu được lo lắng khi không có nước để xuống giống vụ hè thu.
"Nước ngọt trong cống đập bị tù đọng, nhiễm các hóa chất từ phân bón, thuốc trừ sâu, mầm bệnh tồn dư. Vì vậy, muốn sạ lúa nông dân chúng tôi phải chờ mưa xuống, ít nhất một tháng nữa", ông Châu nói, giọng rầu rĩ.
Còn việc nấu ăn, tắm giặt hàng ngày, nơi nào chưa có trạm cấp nước sạch thì người dân phải dùng nước giếng khoan. Những cánh đồng hoa màu, nông dân phải tưới qua phễu tự chế để tiết kiệm nước.
Theo chính quyền địa phương, tình trạng nước mặn xâm nhập năm nay khá nặng nề hơn những năm trước. Hiện nước các kênh chính đều có độ mặn cao, từ 10 đến 30‰. Người dân đã thu hoạch trên 80% diện tích lúa đông xuân.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Trà Vinh đã chủ động nạo vét hệ thống kênh mương, vận hành các cống đập thủy lợi để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất cho 130.000 ha lúa, cùng nước sinh hoạt cho người dân ở những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng.
Tại Hậu Giang, nước mặn đã xâm nhập vào đến địa bàn TP Vị Thanh và huyện Long Mỹ, cách cửa biển khoảng 70 km, đe doạ 15.000 ha lúa, cây ăn quả và ao nuôi trồng thủy sản.
"Hiện độ mặn đo được tại TP Vị Thanh và huyện Long Mỹ cao nhất 10-12‰", ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hậu Giang thông tin. Do ngành nông nghiệp chủ động các biện pháp ứng phó, đóng hệ thống cống đập nên nước mặn không vào sâu trong đồng ruộng, chưa gây thiệt hại cho sản xuất.
Trong khi đó, Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre cho hay, nước mặn đã vào sâu khoảng 40 km trên các sông Hàm Luông, sông Tiền, Cổ Chiên. Nhiều nơi ở thành phố và một số xã tại huyện Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách cũng bị ảnh hưởng.
Tại Tiền Giang, ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục Trưởng Thủy lợi và Phòng chống lụt bão cho biết, địa phương đã mở hơn 80 vòi nước công cộng với tổng kinh phí trên nửa tỷ đồng, cung cấp nước ngọt miễn phí phục vụ hơn 5.000 hộ dân các địa bàn ven biển, ven sông, ngoài đê bao ngăn mặn thuộc các huyện duyên hải Gò Công. Tỉnh sẽ triển khai 7 công trình cấp nước phục vụ nước sinh hoạt cho người dân với kinh phí gần 20 tỷ đồng.
Ở Kiên Giang, gần 300.000 ha lúa đông xuân của người dân đã thu hoạch xong, không bị ảnh hưởng hạn mặn. Các cửa sông TP Rạch Giá, huyện An Minh, An Biên... có độ mặn rất cao, từ 28 đến 32‰. Ngành chức năng đã đóng hệ thống cống đập để ngăn nước biển tràn vào các vùng sản xuất khép kín.
"Tuy nhiên, một số địa phương ở huyện Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao vì chưa có hệ thống cống sông khép kín, nên khi nước mặn tràn vào nhiều sẽ bị ảnh hưởng", ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang nói và cho biết, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo người dân đắp đập tạm trữ nước ngọt.
PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó viện nghiên cứu về biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ cho biết, nắng hạn và xâm nhập mặn gay gắt như hiện nay có biểu hiện sự trở lại của hiện tượng El Nino, tuy nhiên không bằng năm 2016.
Một số tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu cũng làm cho tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn thêm nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, đồng bằng miền Tây còn chịu ảnh hưởng từ việc các đập thượng nguồn chặn dòng chảy sông Mekong.
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, các vùng trũng như Tứ Giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười trước đây trữ nước ngọt, vào mùa khô sẽ rỉ ra từ từ làm giảm bớt áp lực khô hạn cũng như xâm nhập mặn cho miền Tây. Nhưng các túi nước giờ bị đê bao ngăn lũ bủa vây, cùng với các dự án thoát lũ ra biển Tây, khiến nước dự trữ mất đi. Đây cũng là nguyên nhân vào mùa hạn nước biển tiến sâu vào nội đồng.
Để tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn bớt trầm trọng thêm, chuyên gia này cho rằng nên ngưng phát triển đê bao khép kín. Những khu vực đê bao không hiệu quả thì từng bước mở ra để trữ nước ngọt. Các địa phương ven biển nên quy hoạch khu vực trữ nước phục vụ đời sống và sản xuất của người dân.
Đặc biệt, nông dân vùng khô hạn mạnh dạn thay lúa thế bằng các loại cây trồng, vật nuôi cần lượng nước ít nhưng cho hiệu quả kinh tế cao hơn... Bởi, trồng lúa tiêu tốn rất nhiều nước, cần 3.000 lít nước để sản xuất ra mỗi kg lúa, nhưng giá bán 10 năm qua không tăng, thậm chí giảm.
Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam vừa qua cũng phát đi thông báo của Bộ Thủy lợi Trung Quốc, đến giữa tháng 4, lưu lượng xả ra ở thủy điện Cảnh Hồng xuống hạ lưu sẽ giảm 2.000-3.000 m3/s còn 1.500-1.600 m3/s. Ảnh hưởng của việc này, dự báo, từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, nước mặn có thể vào sâu hơn ở miền Tây.
Năm 2016, đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử tại Đồng bằng sông Cửu Long khiến 600.000 người dân thiếu nước sinh hoạt và 160.000 ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng.
Huy Phong - Hoàng Nam
Theo vnexpress.vn