Bờ đập chính của dự án thủy điện Tr’Hy đến nay còn dang dở
5 lần xin gia hạn
Dự án thủy điện Tr’Hy do Công ty CP tài chính và phát triển năng lượng (ở Hà Nội) làm chủ đầu tư, được cấp phép triển khai từ năm 2007. Năm 2008, công trình khởi công xây dựng trên dòng suối Tà Púc (thượng nguồn sông Bung) thuộc địa bàn xã Tr’Hy, H.Tây Giang.
Công trình có tổng diện tích hơn 1,3 triệu m2, trong đó diện tích lòng hồ gần 950.000 m2, công suất 30 MW, vốn đầu tư khoảng 800 tỉ đồng. Theo dự kiến, thời gian xây dựng là 5 năm (đến năm 2012). Tuy nhiên, dù đã 5 lần xin gia hạn, đến nay công trình này vẫn dang dở.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, hiện bờ đập chính (dài gần 200 m, cao hàng chục mét) vẫn chưa xong, nhiều hạng mục khác tại nhà máy vẫn đang bỏ dở. Sắt, thép, máy móc… ngổn ngang trên công trường.
Nguyên nhân chính khiến thủy điện này chậm tiến độ là do chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính. Việc thủy điện xây dựng suốt 13 năm vẫn chưa hoàn thành khiến người dân rất bức xúc
Ông Nguyễn Văn Phú, Trưởng phòng TN-MT H.Tây Giang
Ông Nguyễn Văn Phú, Trưởng phòng TN-MT H.Tây Giang, cho biết mới đây đoàn kiểm tra của huyện đã làm việc với chủ đầu tư về các vấn đề liên quan. Qua tìm hiểu, năm 2017, sau nhiều lần xin gia hạn, thủy điện Tr’Hy được UBND tỉnh Quảng Nam cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 13/CN-UBND-KTTH; trong đó tổng diện tích thu hồi, chuyển mục đích là trên 153 ha, có 222 hộ dân bị ảnh hưởng. “Nguyên nhân chính khiến thủy điện này chậm tiến độ là do chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính. Việc thủy điện xây dựng suốt 13 năm vẫn chưa hoàn thành khiến người dân rất bức xúc”, ông Phú nói.
Ông Lê Hoàng Linh, Phó chủ tịch UBND H.Tây Giang, cho hay công ty cam kết đến cuối năm nay hoàn thành, nhưng “không biết là có thực hiện được hay không”.
Người dân, địa phương đều bức xúc
Người dân địa phương càng bức xúc khi bị chủ đầu tư thủy điện chây ì trả nợ tiền đền bù. Anh Pơloong Hứu (35 tuổi, thôn Dâm 1, xã Tr’Hy) cho biết, từ năm 2008, khi thủy điện bắt đầu thi công, có 4 sào ruộng của gia đình anh bị bồi lấp nhưng mãi đến nay vẫn chưa được đền bù. “Họ hứa suốt. Cứ bảo “sang năm sẽ chi trả”, nhưng đã 13 năm rồi mà chẳng thấy gì cả. Tại các cuộc họp thôn và xã, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nhưng cũng chẳng giải quyết được chuyện gì”, anh Hứu nói.
Gia đình bà Briu Rên (60 tuổi, thôn Dâm 1) cũng có 5 sào ruộng bị bồi lấp và vẫn chưa được đền bù. “Thủy điện về đây xây dựng, tôi cùng nhiều người dân mất luôn đất sản xuất. Không có ruộng làm nên phải đi mua gạo ở trên xã, xa lắm. Chờ họ hỗ trợ, đền bù mà lâu quá”, bà Rên thở dài.
Ông Lê Hoàng Linh cho biết thêm sau khi kiểm tra, huyện phát hiện công ty tự ý mở tuyến đường công vụ ra ngoài phạm vi dự án để thi công đập dâng, đập tràn làm biến dạng địa hình, suy giảm chất lượng đất sản xuất với tổng diện tích bị hủy hoại là 0,9 ha. “Hành vi đó nằm ngoài dự án cấp phép nên huyện đã xử phạt công ty 45 triệu đồng, đồng thời yêu cầu hoàn trả lại hiện trạng ban đầu. Đáng nói, trong quá trình thi công con đường này đã làm ảnh hưởng đến hoa màu của 28 hộ dân ở dân thôn Voong và thôn Dâm 1 với tổng số tiền phải đền bù hơn 560 triệu đồng, nhưng đến nay vẫn chưa chi trả. Huyện đã đề nghị chủ đầu tư phải chi trả trước ngày 30.6 tới”, ông Linh nói.
Trong khi đó, ông Clâu Ring, Chủ tịch UBND xã Tr’Hy, cho biết địa phương rất bức xúc trước tình trạng kéo dài của công trình, nhất là việc chậm chi trả đền bù cho những hộ dân bị ảnh hưởng. Người dân địa phương phải sống trong cảnh khốn khổ vì đường sá dang dở, nắng bụi mưa lầy…
Trong lần thứ 5 gia hạn tiến độ thi công, thời hiệu gia hạn dự án thủy điện Tr’Hy cũng đã hết hiệu lực từ tháng 11.2020. Trả lời PV Thanh Niên, ông Lê Quang Hào, Tổng giám đốc Công ty CP tài chính và phát triển năng lượng, cho biết dự án chậm có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân ngân hàng ngừng cấp vốn cho dự án.
Theo Mạnh Cường
thanhnien.vn