PGS, TS. BÙI HUY PHÙNG - HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
Tiềm năng và đặc điểm thủy điện Việt Nam:
Việt Nam có khoảng ba ngàn con sông, phân bố khắp đất nước. Tổng lượng nước mặt hàng năm khoảng 830 - 860 tỷ m3.Tiềm năng kinh tế - kỹ thuật - môi trường về thuỷ điện Việt Nam được đánh giá khoảng 100 tỷ kWh.
Tuy nhiên, hai phần ba nguồn nước trên lưu vực sông của Việt Nam xuất phát từ nước ngoài (trong đó, phần được sinh ra trên đất Việt Nam chiếm 38,5%, phần từ nước ngoài chảy vào Việt Nam chiếm khoảng 61,5%). Gần đây, các nước thượng nguồn đã và đang xây dựng nhiều công trình thủy điện, nhiều công trình chuyển, lấy nước, gây tình trạng nguồn nước chảy vào Việt Nam ngày càng giảm và làm tăng sự phụ thuộc.
Thượng nguồn sông Hồng, sông Đà trên lãnh thổ Trung Quốc đã và đang xây dựng các công trình thủy điện, dung tích hồ chứa vài chục tỷ m3, công suất lắp đặt hàng nghìn MW.
Thượng nguồn sông Mê Kông, Trung Quốc đã có kế hoạch xây dựng 75 thủy điện với tổng công suất lắp đặt 22.000 MW, trong đó 2 công trình có điều tiết lớn khoảng 38 tỷ m3 (Thủy điện Tiểu Loan 4.200 MW, Nọa Chất Độ 5.500 MW). Còn vùng lưu vực sông Mê Kông thuộc Lào, Thái Lan, Campuchia đã có quy hoạch 11 công trình thủy điện trên dòng sông chính. Hiện Lào đã xây dựng một số công trình trên các sông nhánh, đang xây dựng thủy điện Xayaburi và chuẩn bị xây Donsahong [4].
Nguồn nước phân bố không đều giữa các vùng và theo thời gian: 60% lượng nước tập trung ở đồng bằng Cửu Long (ĐBCL), 40% ở vùng từ phía Bắc đến Thành phố Hồ Chí Minh (vùng chiếm trên 80% dân số); trong 4-5 tháng mùa lũ chiếm tới 70 - 80% lượng nước cả năm, các tháng còn lại chỉ chiếm 20-30%; giữa các năm cũng có biến động lớn. Mùa lũ hàng năm ở ba miền có lệch nhau, miền Bắc có sớm vào tháng 7, 8 và chậm dần vào miền Trung và Nam khoảng vài ba tháng.
Nhu cầu nước tăng nhanh và nguồn nước đang suy giảm: Hiện các lưu vực sông đang bị khai thác căng thẳng như: Sông Mã, sông Hương, các sông tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa, Vũng Tàu, v.v… dự báo trong tương lai còn lan rộng hơn nhiều; một số khu vực nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức như đồng bằng Bắc bộ, Đồng bằng Cửu Long, đã hình thành các phểu hạ thấp mức nước, diện tích phểu rộng hàng nghìn km2 [4].
Tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng nặng cả về mức độ và quy mô, nhất là tại các vùng đô thị, khu công nghiệp; rừng đầu nguồn bị suy giảm mạnh, biến đổi khí hậu (BĐKH) làm nước biển dâng, xâm nhập mặn đã có tác động mạnh tới nguồn nước.
Khai thác sử dụng thủy điện ở Việt Nam:
Tiềm năng kinh tế - kỹ thuật - môi trường về thuỷ điện (TĐ) Việt Nam được đánh giá khá dồi dào, đến nay chúng ta đã khai thác trên 80% tiềm năng, năm 2017, năm điển hình, TĐ đóng góp trên 40% tổng lượng điện sản xuất, với tổng sản lượng 86,4 tỷ kWh, góp phần to lớn cho phát triển đất nước; đến 2020 sản lượng điện năng TĐ đóng góp trên 30% và 2030 dự báo còn khoảng 18 - 20%.
Cụ thể, có thể kể tới một số TĐ trên các lưu vực sông chính:
Trên sông Đà có các nhà máy TĐ lớn như: Hòa Bình 1.920 MW, Sơn La 2.400 MW, Lai Châu 1.200 MW; trên các sông nhánh có các TĐ vừa: Huội Quảng, Bản Chát, Nậm Chiến và một số TĐ trên phụ lưu, trên dòng Lô - Gâm - Chảy có TĐ: Thác Bà, Tuyên Quang, Bắc Mê, v.v... trên sông Mã, sông Chu có TĐ: Trung Sơn, Hủa Na và hàng chục thủy điện vừa; trên sông Cả có TĐ: Bản Vẽ, Khe Bố; trên sông Thu Bồn có TĐ: A Vương, Sông Bung 2 và 4 v.v... Trên sông Sê San có TĐ: Pleikrong, Thượng Kontum, Ialy, Sê San 3 và 4... Trên sông Srepok có TĐ: DreiH’linh, Buôn Kướp, Srepok 3, 4 và 4A,... Trên sông Đồng Nai có TĐ: Trị An, Đồng Nai 2, 3, 4, 5; các lưu vực sông nhánh có Đại Ninh, Đa Nhim; trên sông Bé có Thác Mơ... Tổng công suất lắp đặt các nhà máy thủy điện từ nhỏ đến lớn đã đạt tới 19.500 MW (tính tới cuối năm 2020).
Mặt khác, một số nhà máy thủy điện lớn và vừa còn đóng vai trò quan trọng, tích cực, hiệu quả trong việc chống lũ, điều hòa cấp nước tưới nông nghiệp và nước sinh hoạt cho hạ du.
Những bất cập của thủy điện trong quá trình phát triển và biến đổi khí hậu:
Qua quá trình nhiều năm xây dựng và sử dụng TĐ có thể rút ra một số nhận định như sau:
Thứ nhất: Xây dựng các TĐ lớn khá thành công và hiệu quả. Chúng ta đã xây dựng Quy hoạch tổng thể cho 10 lưu vực sông lớn gồm lưu vực sông Lô - Gâm - Chảy, lưu vực sông Đà, lưu vực sông Mã - Chu, lưu vực sông Cả, lưu vực sông Hương, lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, lưu vực sông Ba, lưu vực sông Sê San, lưu vực sông Srêpôk và lưu vực sông Đồng Nai.
Thứ hai: Về TĐ nhỏ, năm 2006 Bộ Công nghiệp có Quyết định số 2394/BCT ngày 1-9-2006 về Quy hoạch thủy điện nhỏ [1], theo đó gam công suất thủy điện nhỏ được quy định từ 1 - 30 MW, cả nước có 714 dự án với tổng công suất 7.300 MW. Đồng thời, Bộ Công nghiệp lại cho phép các tỉnh có tiềm năng thủy điện nhỏ được xây dựng dự án và chỉ báo cáo cho Bộ biết. Từ sự chỉ đạo này, tình trạng “ngành ngành”, “nhà nhà” làm thủy điện, khó bề kiểm soát!
Thứ ba: Về quản lý nhà nước, các TĐ lớn và vừa nói chung được thiết kế, xây dựng, vận hành đảm bảo quy định kỹ thuật. Đối với TĐ nhỏ phát triển quá nóng, thể hiện nhiều yếu kém từ nhà đầu tư đến các cấp chính quyền, thiếu kiến thức, ham rẻ, chỉ chú ý chủ yếu tới phát điện, ảnh hưởng lợi ích nhóm, để xảy ra một số sự cố về kỹ thuật, quản lý gây mất an toàn cho người và tài sản vùng thượng và hạ lưu công trình.
Thứ tư: Về thủy điện Mê kông, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế như Chương trình Đông - Nam - Á, Ủy hội sông Mê kông, [4,5] cho thấy tình hình rất phức tạp, khó khăn, chính quyền các nước ở trên lưu vực chính tỏ ra cương quyết, bất chấp những phản đối, khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, Ủy ban sông Mê kông (nay là Ủy hội sông Mê kông) tỏ ra bất lực. Phía Trung Quốc thiếu hợp tác, ít chia sẻ thông tin, số liệu về các công trình thủy điện; công tác tham vấn cộng đồng không có, hoặc sơ sài. Phía Việt Nam là nước ở cuối nguồn, chịu ảnh hưởng xấu nhất, nhưng thiếu những nghiên cứu chiến lược, tham vấn cộng đồng, khó chủ động đàm phán.
Với tình hình thực tế như vừa qua, sông Mê kông đã và đang được khai thác thiếu quy hoạch, thiếu quản trị chung, thiếu đồng thuận giữa các nước, cũng như của các cộng đồng dân cư trên lưu vực. Từ đó đã gây nhiều hệ lụy lớn về môi trường, môi sinh, sinh kế của nhiều khu vực dân cư. Nhiều năm qua vùng hạ lưu thiếu nước, Biển Hồ cạn nước, Đồng bằng Cửu Long mất lũ, mất phù sa, hạn hán kéo dài, nước biển dâng xâm nhập mặn đã vào sâu 80 - 100km. Đồng bằng Nam bộ đang bị đe dọa có tính sống còn! Trong bối cảnh hiện nay và tương lai cần những hợp tác trong và ngoài vùng, nghiên cứu quản trị Mê kông bền vững và đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các bên, tuy hết sức khó khăn, nhưng phải làm vì sinh kế bền vững.
Thứ năm: Sông ngòi, thủy điện Tây Nguyên [3,5] gồm bốn hệ thống sông chính: Sê San, Srepok, sông Ba và Đồng Nai, tổng lưu lượng nước mặt khoảng 50 tỷ m3; tiềm năng thủy điện khoảng 5.000 MW, với khoảng 400 vị trí thủy điện và tất cả các bậc thang thủy điện trên các lưu vực này đã được xây dựng và đang vận hành (hiện đã có 11 TĐ lớn), nhiều TĐ vừa và nhỏ đang hoạt động. Chế độ dòng chảy có tác động lớn tới khí hậu vùng Tây Nguyên và các tỉnh Nam Trung bộ. Nguồn nước ngầm được đánh giá khá dồi dào, nhưng đều ở độ khoảng 100m. Nhiều năm qua Tây Nguyên phát triển TĐ nhỏ khá ồ ạt, công nghệ và nhà thầu chưa thật đảm bảo, công tác quản lý yếu, có nơi xem lợi ích điện là chín... Từ đấy dẫn tới sông, suối có hiện tượng bị cắt khúc, hệ sinh thái bị biến dạng thành sinh thái hồ, tổn hại rừng, mất cân bằng nước, ảnh hưởng không những tại khu vực Tây Nguyên và cả vùng các tỉnh Nam Trung bộ.
Sau rất nhiều kiến nghị của các tổ chức, các nhà khoa học, Quốc hội đã có Nghị quyết về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện. Chính phủ đã cho rà soát và loại bỏ 468 dự án và vị trí tiềm năng thủy điện (chủ yếu là các dự án thủy điện nhỏ) với tổng công suất khoảng 2.044 MW. Riêng Tây Nguyên loại bỏ 167 dự án với 617 MW, do không đảm bảo hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực lớn đối với môi trường, xã hội... Tuy nhiên, đến nay tình hình vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Sử dụng hiệu quả nguồn thủy điện còn lại:
Sử dụng nguồn thủy điện còn lại, nên được hiểu không phải chỉ phần công suất còn lại chưa khai thác sử dụng, mà bao gồm toàn bộ các thủy điện đang được khai thác, cần được duy trì làm việc có hiệu quả lâu dài, không chỉ cung cấp điện mà còn đảm bảo an ninh nguồn nước ngọt, là một trong ba vấn đề lớn mà nhân loại đang đối mặt hiện nay.
Thứ nhất: Quản trị nguồn thủy điện:
Sau một thời gian dài khai thác, quản lý sử dụng nguồn thủy điện, nhìn lại với quan điểm quản trị thấy có nhiều bất cập ở hầu khắp các hệ thống sông ngòi, đặc biệt là nguồn nước Mê kông, hệ thống sông ngòi bắc miền Trung, Tây Nguyên… càng lộ rõ trong bối cảnh BĐKH. Tình hình thiếu nước, khô hạn, phụ thuộc, mất nguồn cá, mất phù sa, lụt lội, sạt lở… đã trở nên nghiêm trọng. Bởi vậy, cần nâng cao, thực hiện quản trị thủy điện và nguồn nước nói chung theo quan điểm hệ thống với tầm nhìn bao quát, đảm bảo an ninh nguồn nước, chủ động sử dụng nguồn nước trong nước cũng như đến từ ngoài một cách tối ưu.
Thứ hai: Thủy điện nhỏ:
Theo tư liệu Bộ Công Thương công bố tại Hội thảo thủy điện vừa và nhỏ năm 2017 [5], Việt Nam có tiềm tăng khoảng 26.000 MW với gần 970 dự án, có tổng điện lượng 100 tỷ kWh; trong đó thủy điện nhỏ có 800 dự án với tổng công suất 4.000 MW, điện năng khoảng 15 - 20 tỷ kWh (loại 100 kW - 30 MW chiếm trên 90%, loại nhỏ hơn 100 kW có tổng công suất khoảng 200 MW). Nguồn thủy điện đã được khai thác gần hết, hiện tại toàn quốc có khoảng 17 GW nguồn thủy điện lớn trên 30 MW và 3,4 GW nguồn thủy điện nhỏ. Tiềm năng xây dựng thủy điện còn lại chỉ khoảng 2,7 GW thủy điện lớn trên 30 MW dự kiến vào vận hành trong giai đoạn 2020 - 2025 và khoảng 2,8 GW thủy điện nhỏ.
Như vậy, hiện nay nguồn thủy điện còn lại được hiểu gồm một phần đang thi công, các dự án đã cho phép nghiên cứu đầu tư, các dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư, chỉ khoảng vài ba nghìn MW, mà chủ yếu loại công suất nhỏ. Tuy nhiên, như trên đã đề cập, việc duy trì hiệu quả các nguồn đang vận hành là hết sức quan trọng.
Theo chúng tôi, để sử dụng phần tiềm năng còn lại và đảm bảo khai thác hiệu quả nói chung, cần xem xét:
1/ Rà soát tiếp cả về quy hoạch và các dự án (đang vận hành, đang xây dựng) mới được phê duyệt theo các tiêu chí: Kinh tế - kỹ thuật, môi trường, năng lượng (3E); kiên quyết xử lý, loại bỏ các dự án vi phạm tiêu chí; tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, để quản lý tốt hơn.
2/ Các dự án nghiên cứu khả thi mới cần đước nghiên cứu kỹ lưỡng và phải được cấp bộ phê duyệt, thay vì địa phương.
3/ Hoàn thiện Dự án về Xây dựng Bản đồ các điểm có khả năng sạt lở, do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản - Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì từ 2012, khuyến cáo cho các vùng, các công trình có nguy cơ sạt lở. Đồng thời bổ sung nội dung xây dựng vùng độ cao an toàn (xây dựng các đường đồng mức cho vùng hồ và hạ lưu) mà nước lũ không thể ngập, người dân có thể tái định cư an toàn, lâu dài.
Thứ ba: Mở rộng thủy điện (từ 2014, Việt Nam thực hiện mở rộng một số thủy điện tiêu biểu):
- 7/2014, Thủy điện Thác Mơ mở rộng một tổ máy 75 MW.
- 12/1015, Thủy điện Đa Nhim mở rộng một tổ máy 80 MW.
- 1/2021 khởi công xây dựng TĐ Hòa Bình mở rộng 480MW, đưa công suất lên bằng Sơn La.
- Dự kiến quý 2/2021 khởi công xây dựng TĐ Ialy mở rộng hai tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 180 MW, đưa công suất toàn bộ lên 1.080 MW.
- Dự kiến tháng 2/2022 khởi công xây dựng TĐ Trị An mở rộng 2x100MW nâng công suất lên 600 MW.
Tổng công suất mở rộng là 1.195 MW, hiện nay đất nước đang cần điện, mở rộng thêm công suất là rất đáng quý. Đầu tư mở rộng chắc chắn rẻ hơn xây mới nhiều, mỗi năm có thể nhận thêm khoảng 3 - 4 tỷ kWh, góp phần phủ đỉnh đồ thị phụ tải, tăng ổn định hệ thống điện. Nhiều chuyên gia đồng tình với quan điểm mở rộng này. Tuy nhiên, cũng còn một số suy nghĩ: Các thủy điện này được tính toán thiết kế và xây dựng rất hoàn chỉnh, nay thêm công suất, liệu về lâu dài có phát sinh ảnh hưởng gì không? Như ảnh hưởng giữa các thủy điện trong cùng lưu vực? Dung tích và điều tiết hồ chứa của các thủy điện? Ảnh hưởng các vùng hạ lưu?... Việc mở rộng tương tự chắc còn diễn ra. Vậy xin đề nghị: Cơ quan có trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bô Công Thương nên tổ chức xây dựng một Đề tài, hay Dự án để nghiên cứu, điều tra, khảo sát để đánh giá những ảnh hưởng có thể xảy ra, từ đó có kiến nghị phương án xử lý, rút kinh nghiệm về lâu dài. Đây cũng có ý nghĩa là sử dụng tài nguyên thủy điện còn lại vậy.
Thứ tư: Thủy điện tích năng:
Xây dựng thủy điện tích năng nhằm tận dụng “nguồn rỗi” thời điểm khi nhu cầu phụ tải xuống thấp nhất, hệ thống “thừa điện” thì lúc này thủy điện tích năng bơm tích nước và phát điện khi cần phủ đỉnh, nâng cao hiệu quả nguồn nước, góp phần ổn định hệ thống điện. Qua quá trình phát triển của hệ thống và điều kiện cho phép, chúng ta đã nghiên cứu đề xuất một số điểm có thể xây dựng thủy điện tích năng như: Sơn Dương (4x300 MW), Mộc Châu (3x300 MW), Hàm Thuận Bắc (1.200 MW), Châu Thôn (1.000 MW), Bác Ái - Ninh Thuận (1.200 MW)… Trong đó, Thủy điện Tích năng Bác Ái đã có Quyết định đầu tư 428/QĐTG, 18/3/2016, công suất 1.200 MW, đầu tư 21.000 tỷ đồng, đã khởi công cụm công trình cửa xả ngày 6-1-2020, dự kiến đưa vào vận hành vào 2028. Hy vọng dự án Thủy điện này hoàn thành đúng hạn, phát huy tính năng, góp phần hiệu quả và rút kinh nghiệm cho hệ thống.
Kết luận:
Thủy điện Việt Nam một thời gian dài giữ vị trí quan trọng trong hệ thống điện, nhưng nay và thời gian tới, nhiều nguồn mới được bổ sung như năng lượng tái tạo, nhiệt điện khí, có thể cả điện hạt nhân... tỷ trọng thủy điện sẽ giảm nhiều. Tuy nhiên, với đặc điểm của nó, ngoài cung cấp điện, còn điều tiết lũ, đảm bảo môi trường sinh thái, đặc biệt đảm bảo an ninh nguồn nước. Việc duy trì và sử dụng hiệu quả thủy điện đã có và sẽ xây dựng là đặc biệt quan trọng. Vì vậy, cần làm tốt công tác quản trị đối với hệ thống thủy điện, đảm bảo hiệu quả tổng hợp lâu dài./.
Tài liệu tham khảo chính:
[1] QĐ 3454/QĐ-BCN-QĐ phê duyệt QH TĐN toàn quốc-18-10-2005.
[2] DT QHĐVIII, Viện NL,BCT, 2020.
[3] Sông ngòi thủy điện Tây nguyên, Website: nông nghiệp.vn, 2018.
[4] Ngô thế Vinh, Trên bàn cờ Mekong những con đập thủy điện và tỵ nạn môi sinh, 2015
[5] Báo cáo HT: QH thủy điện vừa và nhỏ, phát triển NLTT, HN7-2017
[6] Bùi Huy Phùng-Quản trị và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thủy điện- TCNLVN, 5-2018
[7] Báo cáo tóm tắt TKKT NMTĐ YALY mở rộng, năm 2020
Theo nangluongvietnam.vn