Trải nghiệm thực địa tại Na Hang
Đăng ngày: 11 Tháng Tư 2016 | Source: www.warecod.org.vn

Đây là lần thứ 2 tôi đến thị trấn Na Hang, tỉnh Tuyên Quang với vai trò là tình nguyện viên của WARECOD. Chuyến đi 5 ngày đã để lại trong tôi rất nhiều kỉ niệm: tôi học hỏi được nhiều điều về cuộc sống, con người cũng như cách thức người dân lao động, sinh hoạt hàng ngày.  Là dự án về mô hình đồng quản lý nguồn lợi thủy sản tại xã Sơn Phú và thị trấn Na Hang năm 2016, chuyến đi tháng 3 này gồm các hoạt động hỗ trợ và duy trì mô hình như: tặng áo phao cứu sinh, tuần tra khu vực lòng hồ, dựng biển báo…


Sơn Phú và Na Hang là 2 địa phương tiếp theo nhận được nguồn vốn hỗ trợ của CEPF cũng như mặt pháp lý của chính quyền địa phương trong việc áp dụng mô hình đồng quản lý nguồn lợi thủy sản. Sau 1 năm dự án đi vào thực hiện, đến nay đã cơ bản hình thành được các tổ, nhóm tự quản. Các tổ nhóm này được hỗ trợ về kinh phí để duy trì các hoạt động của họ như: đi tuần tra, vận động cộng đồng cùng tham gia bảo vệ môi trường tại khu vực lòng hồ (không xả rác bừa bãi, không sử dụng các ngư cụ hủy diệt).


Ngày 19/3/2016 đoàn công tác làm việc với Tổ đồng quản lý nguồn lợi thủy sản xã Sơn Phú. Là một tình nguyện viên, tôi đã quan sát, lắng nghe chia sẻ của nhóm cộng đồng về tình hình thực hiện trong tháng 2 + 3 và kế hoạch tiếp theo trong tháng 4. Cũng trong buổi chiều ngày 19/3/2016, đoàn công tác đã trực tiếp đi tuần tra khu vực lòng hồ Tại buổi tuần tra này, bên cạnh việc nhắc nhở các hộ dân nuôi trồng, đánh bắt  nguồn lợi thủy sản tại lòng hồ, tôi còn tham gia vào công tác kiểm tra việc xây dựng cột mốc, biển báo. Với hệ thống cột mốc được hỗ trợ xây dựng sẽ giúp nhóm cộng đồng quản lý tốt hơn diện tích mặt nước được chính quyền địa phương giao.



Rời xã Sơn Phú, chúng tôi tiếp tục  làm việc với nhóm cộng đồng thị trấn Na Hang vào ngày 21/3/2016. Trong buổi làm việc, đoàn cán bộ đã nhận được quyết định chính thức của Uỷ ban nhân dân thị trấn Na Hang về việc thành lập tổ đồng quản lý nguồn lợi thủy sản. Đó là thành quả từ sự kiên trì, quyết tâm của nhóm cộng đồng tại thị trấn Na Hang dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của cán bộ WARECOD. Đoàn làm việc đã lắng nghe báo cáo hoạt động của nhóm cộng đồng trong tháng 2 + 3, nghe chia sẻ khó khăn của nhóm trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân tại khu vực lòng hồ còn đang gặp phải.



Hoạt động tiếp theo là chia sẻ, giới thiệu với nhóm cộng đồng tại thị trấn Na Hang về kịch tương tác. Kịch tương tác là loại hình còn khá mới mẻ tại Việt Nam, với mong muốn xây dựng những vở kịch có cốt truyện dựa trên các vấn đề đang là nỗi bức xúc trong một nhóm cộng đồng. Những vở kịch này lại không có cái kết hoàn chỉnh như kịch truyền thống thông thường mà chính người xem vở kịch sẽ là người đưa ra các biện pháp giải quyết. Từ việc người dân cùng tìm ra cái kết sẽ giúp họ có cái nhìn đa chiều, cách thức xử lý cũng như nhận thức được vấn đề đang gây bức xúc trong cộng đồng được thấu đáo hơn. Đây thực sự là cơ hội giúp cho nhóm cộng đồng gắn kết hơn, hiểu nhau hơn sau những giờ lao động căng thẳng, mệt mỏi.

Kết thúc chuyến thực địa tại 2 xã, tôi đã rút ra cho mình rất nhiều bài học, thêm yêu và cảm phục những con người nơi đây về sự nhiệt tình, ý thức và trách nhiệm trong giữ gìn và bảo vệ môi trường cho chính họ và con cháu sau này. Tôi còn nhớ như in về câu nói của bác Bảy trong nhóm thị trấn Na Hang: “Mỗi người hãy giành 30 phút nghĩ về bảo vệ môi trường mỗi ngày, rồi chúng ta sẽ làm được thôi”. Thật vậy, chỉ có thể hành động từ  ngày hôm nay mới giữ vững được tương lai mai sau!

Nguyễn Chí An - Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội


XÂY DỰNG MÔ HÌNH TÔM LÚA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

GIẢI PHÁP NÀO CHO THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

XẢ THẢI BỨC TỬ NGUỒN NƯỚC NHỮNG HÌNH ẢNH KINH HOÀNG Ở BẮC NINH

Đằng sau những ánh sáng trắng

Local knowledge research in the Mekong delta

Tra cứu ấn phẩm
Nhận bản tin