|
Giao lưu học hỏi giữa các nhóm nghiên cứu Thaibaan tại Việt Nam và Lào
Đăng ngày: 21 Tháng Mười Hai 2016
| Source: www.warecod.org.vn
Tháng 9 năm 2016, WARECOD đã tổ chức chương trình giao lưu học tập với mục tiêu tạo cơ hội cho các cộng đồng ở thượng và hạ nguồn sông Mê Kông được chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong nghiên cứu Thaibaan, đồng thời nâng cao mối quan tâm về dòng sông và an ninh lương thực trong khu vực. Cùng những hỗ trợ tích cực từ phía tổ chức CLICK của Lào, thành viên của các nhóm nghiên cứu Thaibaan tại đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam và tỉnh Champasak, Nam Lào đã có dịp gặp gỡ và làm việc với nhau. Sau đây là một số câu chuyện được viết bởi các thành viên nhóm nghiên cứu tại Việt Nam tham gia chuyến đi.
Chị Trần Thị Hoa - Bạc Liêu: Vào ngày 11/9/2016 chúng tôi có chuyến đi thăm quan và giao lưu học hỏi tại nước Lào và gặp gỡ nhóm nghiên cứu làng Sa Hong. Nhóm nghiên cứu cộng đồng làng Sa Hong bắt đầu nghiên cứu từ đầu năm 2015 với chủ đề là nguồn nước và đời sống của người dân. Lúc trước, người dân làng này chủ yếu sống về đánh bắt cá tôm trên sông Mê Công. Từ lúc xây đập thủy điện Don Sahong thì người dân ở đây trở lên khó khăn hơn. Nhiều gia đình bị mất nhà, mất đất và mất sinh kế. Phụ nữ không làm thuê được gì, ở gia đình chỉ chăn nuôi gà vịt. Lúc trước phụ nữ làm thuê lựa chọn cá, nhưng bây giờ không còn việc này nữa. Làng này có hơn 70 hộ dân, đất rộng nhưng ít người. Các phương tiện làm nông nghiệp ít, không có máy cày. Đất ruộng không bằng phẳng. Một năm chỉ làm 1 vụ lúa, ít bón phân và xịt thuốc. Họ trồng rau cũng không phun thuốc hóa chất. Sức khỏe của người dân tương đối tốt, không bị ung thư. Sau chuyến đi Lào về, tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm hay và sẽ tuyền truyền cho hội viên phụ nữ trong ấp hiểu về bảo vệ môi trường nước và sức khỏe cộng đồng.
Ông Lê Hoàng Quân - Bạc Liêu: Chuyến giao lưu học hỏi kinh nghiệm với nước bạn Lào là chuyến đi đầy ý nghĩa, học hỏi được nhiều điều bổ ích về sinh kế của bà con dân tộc Lào. Già làng Sa Hong cho biết cả làng chỉ có hơn 70 hộ dân và hơn 200 nhân khẩu. Cuốc sống chủ yếu là trồng lúa nước, chăn nuôi trâu bò heo gà vịt và đánh bắt cá ở sông Mê Công. Già làng rất lo về đập thủy điện Don Sa Hong sẽ ảnh hưởng đến các loài cá. Cuộc sống dân làng sẽ gặp khó khăn hơn. Theo tôi, chính phủ Lào nên có chính sách hỗ trợ phương tiện máy móc làm nông nghiệp và đầu tư hệ thống thủy lợi giúp người dân làm lúa 2 vụ và phát triển kinh tế. Ngoài ra, cần hỗ trợ người dân các phương tiện đánh bắt cá và khuyến khích người dân trồng cây ăn trái vì đất vườn trống còn nhiều.
Ông Lâm Quốc Minh - Bạc Liêu: Chuyến giao lưu học hỏi kinh nghiệm với nhóm tri thức địa phương làng Sa Hong, tỉnh Chăm Pa Sắc, Lào là chuyến giao lưu học tập kinh nghiệm đầy tình cảm, được học hỏi nhiều điều bổ ích. Nhóm nghiên cứu làng Sa Hong nghiên cứu về nguồn lợi các loài cá nước ngọt sông Mê Công. Người dân đang rất lo lắng về việc suy giảm nguồn lợi thủy sản sông Mê Công do việc xây dựng đập thủy điện. Chúng tôi cũng lo lắng rằng các đập thủy điện sẽ ảnh hưởng đến ĐBSCL của Việt Nam. Người dân Lào còn nghèo, cơ sở hạ tầng còn thấp, hệ thống thủy lợi chưa có. Bà con nhân dân chủ yếu làm lúa và đánh bắt cá và nuôi trâu bò. Đất đai tuy rộng những chưa khai thác hết. Trong thời gian giao lưu, mọi người rất tình cảm và cùng nhau ca hát và nhảy điệu múa Lào. Sau chuyến giao lưu, tôi đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm về khí hậu, nguồn nước và sinh kế. Xin cảm ơn các bạn Lào và đơn vị tổ chức là Trung tâm bảo tồn và phát triển tài nguyên nước (WARECOD).
Ông Phan Quốc Dũng - Cần Thơ: Tôi là Phan Quốc Dũng, đến từ nhóm nghiên cứu tri thức địa phương ấp Thới Bình A, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ. Từ ngày 11/9/2016, chúng tôi có chuyến thăm quan học hỏi kinh nghiệm tại Lào. Chúng tôi đến làng Không, huyện Mường Khổng, tỉnh Chăm Pa Sắc - nơi đây có nhóm nghiên cứu tri thức địa phương. Khi chúng tôi tới, các bạn Lào đón tiếp chúng tôi rất nhiệt tình và đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Nhóm nghiên cứu này chia sẻ là đã thực hiện 4 chuyên đề nghiên cứu tri thức địa phương: Đánh bắt cá; Chăn nuôi gia súc, gia cầm; Trồng lúa; Buôn bán. Về đánh bắt cá, cộng đồng sử dụng nhiều loại ngư cụ giống như ở Việt Nam những họ không dùng xung điện và lưới có kích thước mắt lưới nhỏ, không bắt cá con để nguồn thủy sản được bảo tồn. Về chăn nuôi gia súc gia cầm, ở đây cộng đồng chưa có mô hình nuôi tập trung, chỉ nuôi trong hộ gia đình, dùng thức ăn tự chế biến. Về trồng lúa, người dân chỉ trồng lúa 1 vụ vào mùa mưa, không sử dụng thuốc hóa học, không ô nhiễm môi trường nước và người dân được sử dụng thực phẩm sạch. Tuy nhiên, tôi thấy nước bạn Lào còn một số hạn chế về phát triển kinh tế như đất rộng còn bỏ hoang, chưa có mô hình chăn nuôi tập trung mà chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình. Lúa vẫn chỉ làm 1 vụ/năm. Giống lúa chưa có chất lượng cao, khoa học kỹ thuật về trồng lúa còn hạn chế. Vườn cây ăn trái chưa có hiệu quả. Về vệ sinh môi trường, đồng bào chưa có nước sạch, chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh. Nhưng tóm lại, qua chuyến thăm quan, tôi đã học hỏi được nhiều điều hay từ nước bạn Lào. Tôi sẽ trao đổi lại với nhóm nghiên cứu của tôi và chia sẻ lại với bà con nhân dân trong ấp. Ngoài ra, tôi cũng sẽ tích cực vận động bà con giữ gìn vệ sinh môi trường, không vứt rác xuống kênh rạch, hạn chế dùng thuốc trừ sâu, không đánh bắt cá bằng xung điện. Tôi mong muốn được tiếp tục tham gia vào những chương trình như thế này.
Ông Huỳnh Kỳ Lưu - Cần Thơ: Sau chuyến thăm quan tại nước CHDCND Lào, bản thân tôi có được nhiều nhận thức bổ ích. Chúng tôi được tiếp đón tận tình từ các cơ quan tỉnh ChamPaSak đến cộng đồng địa phương. Cộng đồng địa phương rất cởi mở trong hoạt động giao lưu chia sẻ. Chúng tôi có biết được thông tin về việc xây dựng đập thủy điện có tác động tới người dân địa phương. Nhiều hộ bị mất đất canh tác và di dời nhà ở. Ngoài ra, chúng tôi cũng lo ngại về việc xây dựng đập thủy điện sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam vì làm lượng phù sa giảm, nguồn nước giảm vào mùa khô, xâm nhập mặn tại vùng ĐBSCL sẽ gia tăng, ảnh hưởng tới đời sống sản xuất của bà con nhân dân. Việc xây dựng đập thủy điện cũng làm giảm nguồn lợi thủy sản do đập ngăn chặn cá. Chuyến thăm quan có thật nhiều ý nghĩa, là nơi để chúng tôi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu giữa hai nước. Tôi mong các cơ quan nhà nước sẽ can thiệp vào việc xây dựng đập thủy điện sông Mê Công để nguồn nước ơ ĐBSCL được bảo tồn một cách bền vững.
Ảnh: Bee Meili
XÂY DỰNG MÔ HÌNH TÔM LÚA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
GIẢI PHÁP NÀO CHO THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC
XẢ THẢI BỨC TỬ NGUỒN NƯỚC NHỮNG HÌNH ẢNH KINH HOÀNG Ở BẮC NINH
Đằng sau những ánh sáng trắng
Local knowledge research in the Mekong delta
Tra cứu ấn phẩm
|
|
|