Khắc phục sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long - Bài 1: Vùng châu thổ đang biến dạng
Đăng ngày: 22 Tháng Tám 2018 | Source: Nhân dân
Trải qua hàng nghìn năm kiến tạo, bồi đắp từ phù sa sông Mê Kông mới hình thành đồng bằng sông Cửu Long - vùng châu thổ màu mỡ, vựa lúa lớn nhất cả nước. Thế nhưng các nhà khoa học nhận định rằng, vùng châu thổ này đang đứng trước mối đe dọa sẽ biến mất sau vài trăm năm nữa. Hiện nay, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đang ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây mất nhà, mất đất, ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu người dân.

Bài 1: Vùng châu thổ đang biến dạng

Theo thống kê, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) hiện có hàng trăm điểm sạt lở chạy dài hơn 780 km bờ sông, hơn 260 km bờ biển, làm hàng nghìn căn nhà và nhiều diện tích đất bị nhấn chìm. Vùng châu thổ này đang bị biến dạng với khoảng 500 ha đất bị mất do sạt lở mỗi năm.

Sông "nuốt" đất, "nuốt" nhà

Trở lại xã Mỹ Hội Ðông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, nơi xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng bên bờ sông Vàm Nao một năm về trước, vẫn dễ dàng nhận thấy khung cảnh tan hoang. Tấm biển cảnh báo "Khu vực sạt lở nguy hiểm" chắn ngang con đường bê-tông cũ, khiến người dân không dám tới gần. Ông Trần Văn Bi, một trong những người có nhà bị "hà bá" nhấn chìm, vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại cảnh tượng hãi hùng ấy: "Nghe tiếng tri hô lở đất, cả nhà tôi vừa kịp thoát ra ngoài thì hàng loạt căn nhà đổ ùm xuống lòng sông, trong đó có nhà tôi. Hai vợ chồng tôi gây dựng hơn 30 năm mới có được căn nhà mới khang trang, bỗng chốc trắng tay, thiệt hại hơn năm tỷ đồng".

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang Trần Ðặng Ðức cho biết, trong bảy tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 36 vụ sạt lở bờ sông với tổng chiều dài 1.837 m, làm mất 4.414 m2 đất, ảnh hưởng đến 49 căn nhà, gây thiệt hại hơn 4,2 tỷ đồng. Ðáng lo ngại hơn, qua kết quả đo đạc, quan trắc cảnh báo sạt lở, toàn tỉnh có 51 đoạn sông, kênh, rạch thuộc diện cảnh báo, với tổng chiều dài 162,6 km/400 km đường bờ, có khoảng 20.000 hộ dân bị ảnh hưởng; trong đó, hơn 5.380 hộ dân cần di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực sạt lở. Các đoạn sạt lở nguy hiểm bao gồm đoạn sông Hậu chảy qua xã Châu Phong (thuộc thị xã Tân Châu) dài 6.900 m; qua xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú) dài 1.900 m; qua xã Mỹ Hòa Hưng (TP Long Xuyên) dài 3.300 m; qua phường Bình Ðức, Bình Khánh, Mỹ Bình (TP Long Xuyên) dài 4.300 m; đoạn sông Vàm Nao chảy qua huyện Chợ Mới dài hơn 3.000 m…

Ở Ðồng Tháp, từ năm 2005 đến 2017, bờ sông Tiền thuộc tỉnh này có tổng cộng 304,847 ha đất bị nước cuốn trôi; thiệt hại tài sản, nhà cửa và chi phí di dời dân ước tính 350 tỷ đồng. Năm 2017, tình hình sạt lở diễn biến phức tạp, nhiều nhất là ở các huyện Hồng Ngự, Thanh Bình và TP Cao Lãnh. Tại huyện Hồng Ngự có 12 vụ sạt lở ở xã Long Thuận và Thường Phước 1, với tổng chiều dài 659 m, ăn sâu vào đất liền từ 3 m đến
30 m, diện tích đất sạt lở hơn 10.000 m2, phải di dời 32 hộ. Huyện Thanh Bình xảy ra 13 vụ, tổng chiều dài gần 16 km, diện tích sạt lở gần 44.000 m2, ảnh hưởng 195 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Ðặc biệt, tại ấp Bình Hòa, xã Bình Thành xảy ra 11 vụ sạt lở trên sông Tiền có chiều dài 384 m, đã "nuốt" gần 4.000 m2 đất, khu vực sạt lở chỉ cách quốc lộ 30 khoảng 15 m, ảnh hưởng 227 hộ dân. UBND tỉnh Ðồng Tháp đã phải hai lần ban bố tình trạng khẩn cấp tại khu vực này. Những tháng đầu năm 2018, sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu trên địa bàn tỉnh Ðồng Tháp xảy ra tại 19 xã, phường, thị trấn với tổng chiều dài gần 25 km, diện tích sạt lở hơn 4 ha, ước thiệt hại khoảng 9 tỷ đồng. Tại huyện Cao Lãnh, từ ngày 3 đến 9-6-2018 liên tiếp xảy ra chín vụ sạt lở và có nguy cơ sạt lở tiếp.

TP Cần Thơ nằm ven sông Hậu, với chiều dài sông đi qua hơn 65 km, có gần 1.200 km kênh rạch cấp 1 và cấp 2. Dân cư sống tập trung ven sông, rạch cho nên tình trạng sạt lở bờ sông, rạch đã và đang đe dọa tính mạng, tài sản của người dân. Vài năm gần đây, diễn biến sạt lở bờ sông, kênh rạch ở Cần Thơ ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, tăng cả cường độ và số lượng. Năm 2011, TP Cần Thơ chỉ có 24 điểm sạt lở, đến năm 2018, tăng lên hơn 100 điểm với chiều dài khoảng 56 km. Các điểm nóng sạt lở gồm các sông: Cần Thơ, Ô Môn, Bình Thủy, Trà Nóc, Thốt Nốt và các cồn trên sông Hậu như: cồn Sơn, quận Bình Thủy; cồn Khương, quận Ninh Kiều; cồn Tân Lộc, quận Thốt Nốt; cồn Ấu, quận Cái Răng…

Tại Trà Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Lê Quang Răng cho biết, toàn tỉnh có 29 khu vực sạt lở bờ sông với tổng chiều dài hơn 92 km, trong đó có 18 điểm sạt lở ở mức độ nguy hiểm. Tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Kiên Giang cũng đang diễn biến phức tạp. Tổng chiều dài bờ sông bị sạt lở khoảng 195 km, trong đó có hơn 24 km sạt lở nguy hiểm, hiện tượng sạt lở bờ sông đã và sẽ ảnh hưởng đến các công trình và đời sống của người dân. Theo Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai, sạt lở bờ sông khu vực phía nam từ năm 2010 đến nay lên đến 562 điểm với tổng chiều dài 786 km.

Biển "gặm nhấm" rừng phòng hộ

Trước đây, mũi Cà Mau mỗi năm lấn ra biển khoảng 100 m. Nhưng khoảng từ năm 2005, triều cường kèm theo sóng lớn thường xuyên đã cuốn trôi bình quân 5 - 8 km bờ biển, nhiều vạt rừng ngập mặn (đước, sú, vẹt…) bị nước biển "gặm nhấm" hàng trăm héc-ta mỗi năm. Hàng chục ki-lô-mét đê biển và các vạt rừng phòng hộ đều có nguy cơ biến mất trước sự xâm lấn dữ dội của hiệu ứng nước biển dâng. Hơn 25 năm sinh sống ven biển, gia đình chị Nguyễn Thị Xuất, ngụ ấp Thời Hưng, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cảm nhận rất rõ biển ngày càng xâm lấn vào đất liền. Năm 1992, khi gia đình chị mới về Cà Mau lập nghiệp, vạt rừng phòng hộ còn cách vuông tôm nhà chị hơn 200 m. "Ðến khoảng năm 2005, sóng to, gió lớn từ biển xuất hiện ngày càng nhiều. Hiện nay, vuông tôm của tôi lộ ra trước biển và bị sóng dữ gây sạt lở nghiêm trọng, khiến gia đình tôi phải bỏ của chạy lấy người", chị Xuất chia sẻ. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, sóng dữ đã phá hủy, cuốn mất hơn 3.000 ha đất và rừng phòng hộ ven biển của Cà Mau. Trong mùa mưa bão năm 2018, bờ biển Cà Mau với tổng chiều dài hơn 250 km tiếp tục "gồng mình" chịu đựng xói lở, bờ biển ngày càng loang lổ... Trong đó, bờ biển Tây bị xói lở khoảng 57 km, nhiều đoạn xói lở sâu, gây ra nguy cơ phá vỡ đê biển. Còn bờ biển Ðông, chiều dài bị xói lở khoảng 48 km, trong đó 24,5 km sạt lở rất nguy hiểm. Nhiều điểm đã bị xói lở sâu, làm mất nhiều đất rừng phòng hộ từ 80 đến 100 m, với chiều dài hơn 18 km ở Hố Gùi (xã Tam Giang Ðông, huyện Năm Căn), chiều dài 3 km; đoạn Vàm Xoáy (xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển), chiều dài 5 km; đoạn thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển), chiều dài 6,3 km…

Ghi nhận thực tế cho thấy, dọc theo tuyến đê biển thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, có đoạn dài khoảng 5 km và một số điểm cục bộ khoảng 2 km từ giáp ranh tỉnh Bạc Liêu đang xói lở nghiêm trọng. Mỗi năm, sạt lở lấn sâu vào đất liền từ 10 đến 15 m và đang làm mất dần diện tích rừng phòng hộ ven biển. Có đoạn đê do sạt lở, tỉnh đã phải dời đê vào sâu 200 đến 300 m vào phía đồng ruộng. Còn tại vùng ven biển tỉnh Bạc Liêu, cứ đến mùa mưa bão, mùa gió chướng là hàng nghìn hộ dân sinh sống tại các khu vực: cửa biển Nhà Mát (phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu); cửa biển thị trấn Gành Hào (huyện Ðông Hải); cống Cái Cùng (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) và một số điểm cửa sông, cửa biển cứ nơm nớp lo sợ. Tuyến đê kè cửa biển thị trấn Gành Hào (huyện Ðông Hải) bị những cột sóng cao hàng chục mét liên tục đánh vào, tạo ra những vết nứt, hố sụp lún sâu, phá vỡ hàng chục mét công trình bê-tông cốt thép kiên cố. Có một đoạn hư hỏng dài hơn 100 m, nguy cơ vỡ kè xảy ra bất cứ lúc nào và ảnh hưởng hơn 8.000 hộ dân sống ngay sát chân đê.

Tỉnh Kiên Giang có tuyến đê biển dài hơn 200 km giáp với tỉnh Cà Mau từ Rạch Tiểu Dừa, huyện An Minh đến Mũi Nai, thị xã Hà Tiên. Hiện nay, tổng chiều dài các đoạn bờ biển bị sạt lở đã lên đến hơn 64 km. Một trong những điểm nóng đang hằng ngày, hằng giờ hứng chịu tình trạng xâm thực của biển là xã Thổ Sơn, huyện Hòn Ðất. Sóng đánh trôi rừng phòng hộ, đánh trôi từng vạt đất. Nhiều người dân mất đất, mất nhà cửa, phải bỏ xứ ra đi. Như gia đình ông Nguyễn Ðình Ngàn, ngụ xã Thổ Sơn, có 4 ha đất vuông tôm ven biển, nhưng sóng biển đã cuốn trôi đi tất cả; đến cái nhà là nơi trú ngụ của gia đình cũng bị sóng dữ đánh vỡ tan tành. Ông Ngàn buồn bã nói: "Từ một người có nhà cửa, đất đai, kinh tế ổn định đường hoàng, nhưng vì sóng biển mà tôi mất tất cả".


(Còn nữa)


Bài và ảnh: NHÓM PV ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

XÂY DỰNG MÔ HÌNH TÔM LÚA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

GIẢI PHÁP NÀO CHO THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

XẢ THẢI BỨC TỬ NGUỒN NƯỚC NHỮNG HÌNH ẢNH KINH HOÀNG Ở BẮC NINH

Đằng sau những ánh sáng trắng

Local knowledge research in the Mekong delta

Tra cứu ấn phẩm
Nhận bản tin