Hồi sinh những dòng sông “chết”
Đăng ngày: 10 Tháng Mười 2018 | Source: Kinh tế Đô thị
Trước thực trạng ô nhiễm các dòng sông trong nội đô Hà Nội, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đang lấy ý kiến các chuyên gia về đồ án hồi sinh các dòng sông “chết” trên mặt cống ngầm.

Biết rồi, nói mãi!

5 con sông trong nội đô Hà Nội là Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét, Lừ và sông Nhuệ trước đây vốn làm nhiệm vụ tiêu thoát nước và phục vụ sản xuất của người dân Hà Nội, nhưng nay đã bị ô nhiễm nặng. Ông Hoàng Minh (60 tuổi) trú tại khu vực cầu Cống Mọc (quận Thanh Xuân) nhớ lại: "Vào đầu những năm 1970, khi còn nhỏ, tôi thường ra sông Tô Lịch đi thuyền thả lưới đánh cá cùng bố tôi. Hàng ngày, đám bạn cùng tuổi thường rủ nhau ra sông tập bơi. Nước dùng để tắm giặt vẫn lấy từ sông Tô Lịch, nhưng từ nhiều năm trước, nước sông đã đen đặc, bốc mùi rất khó chịu".

Tại khu vực phường Kiến Hưng (quận Hà Đông) - nơi có nhánh sông Nhuệ chảy qua cũng trong tình trạng tương tự, do nước thải, rác thải sinh hoạt hàng ngày đổ ra từ các khu dân cư. Chị Nguyễn Lệ Quyên, trú tại tổ dân phố số 8, phường Kiến Hưng cho biết: "Gia đình tôi đã có 4 thế hệ sinh sống ở bên bờ sông Nhuệ. Những năm gần đây, nước sông ô nhiễm ngày càng nặng hơn".

Qua khảo sát thực tế, các dòng sông đang phải chịu nguồn nước thải trực tiếp chưa qua xử lý. Theo thạc sĩ quy hoạch đô thị Trần Tuấn Anh – Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nước thải chưa được xử lý đổ ra sông là nguyên nhân trực tiếp gây ra ô nhiễm nhưng có nguyên nhân sâu xa hơn là những con sông này không chảy. “Vì không lưu thông được dòng chảy, nước thải, chất thải bị đọng lại khi phân hủy sẽ bốc mùi và tạo ra khí độc, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân xung quanh” - thạc sĩ Trần Tuấn Anh nói.

PGS.TS Lưu Đức Hải – Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng cho biết, thực trạng những dòng sông ô nhiễm, dòng sông không chảy (hay gọi là sông “chết”) đã được đề cập từ hàng chục năm nay, khi nhắc đến ai cũng bảo rằng: Biết rồi, nói mãi! Người ta hay nói là làm sao để "hồi sinh" những dòng sông "chết" này, nhưng giải pháp cụ thể thế nào lại ít được bàn đến. Vì thế, những dòng sông vẫn bị ô nhiễm ngày càng nặng hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân xung quanh và cảnh quan của TP.

Sông trên cống ngầm

Năm 2017, UBND TP Hà Nội phê duyệt đề án cải tạo 4 dòng sông (sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Tích) với mục tiêu đến hết năm 2020 sẽ hoàn thành việc tách nước thải đưa về hệ thống xử lý trước khi đưa vào hệ thống các hồ. Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, Hà Nội đã có đồ án quy hoạch về thoát nước, vệ sinh môi trường... và đã bắt tay vào hiện thực hóa những giải pháp để hồi sinh những dòng sông ô nhiễm. Tuy nhiên, tiến độ triển khai chưa đạt kết quả như mong muốn.

Đối với các dòng sông trong khu vực nội đô, vấn đề quan trọng nhất của các con sông không có nguồn cấp nước, nhiều đoạn đã bị lấp. Ví dụ sông Kim Ngưu đầu nguồn bắt đầu tư khu vực Hồ Tây nhưng hiện nay đã bị lấp; khu vực đầu đường Trần Khát Chân dấu tích còn lại là một cống nước thải; hay sông Tô Lịch cũng không có nguồn nước để thau rửa. Năm 2009, Hà Nội đã có đề án dùng nước sông Hồng để "tẩy trắng" sông Tô Lịch nhưng vì nhiều lý do nên đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Thạc sĩ Trần Tuấn Anh cho biết, hiện nay, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đang lấy ý kiến của các chuyên gia về đồ án hồi sinh các dòng sông “chết” trong khu vực nội đô Hà Nội trên mặt cống ngầm. Theo đó, sẽ xây dựng hệ thống cống ngầm đủ dung tích để tiêu thoát nước thải và cả nước mưa vào mùa mưa lũ, trên mặt cống sẽ bơm nước sạch để lưu thông, kết hợp việc thiết kế lại đô thị 2 bên bờ sông có thể khai thác thương mại – dịch vụ và phục vụ hoạt động văn hóa, du lịch. “Việc lấy nước nguồn từ sông lớn là không thể nên chúng tôi tính đến phương án sử dụng các trạm bơm tăng cấp để bơm nước sạch lên đầu sông, hệ thống này sẽ được thực hiện tuần hoàn. Toàn bộ nước thải sẽ được gom lại vào hệ thống cống ngầm dưới lòng sông để đưa về trạm xử lý, các công trình thương mại – dịch vụ hai bên bờ sông chỉ chiếm khoảng 5 – 7% mật độ công trình xây dựng, còn lại là hình thành không gian cho người đi bộ và khách du lịch” - thạc sĩ Trần Tuấn Anh nói.

Đánh giá về đồ án này, PGS. TS Lưu Đức Hải cho biết hoàn toàn ủng hộ, bởi đề án giải quyết được 2 vấn đề: Thứ nhất là giá trị lịch sử vẫn giữ lại được những dòng sông đã tồn tại suốt chiều dài phát triển của Thủ đô. Thứ hai là tạo ra không gian văn hóa có thể khai thác để đi bộ, kết hợp với các loại hình thương mại – dịch vụ để tăng thêm doanh thu.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nếu như phát triển các công trình thương mại – dịch vụ thì sẽ làm ảnh hưởng đến không gian mặt nước của dòng sông. Về vấn đề này, thạc sĩ Trần Tuấn Anh phân tích, hiện nay TP không thể dùng ngân sách để thực hiện, nếu muốn triển khai thực hiện thì phải kêu gọi vốn đầu tư từ các DN. Để đảm bảo quyền lợi cho DN, TP tính phương án dành không gian kinh doanh ở nơi khác, còn lại khu vực hai bên bờ sông sẽ thiết kế không gian cho các công trình văn hóa thay vì các công trình thương mại để không làm ảnh hưởng đến diện tích mặt nước.

XÂY DỰNG MÔ HÌNH TÔM LÚA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

GIẢI PHÁP NÀO CHO THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

XẢ THẢI BỨC TỬ NGUỒN NƯỚC NHỮNG HÌNH ẢNH KINH HOÀNG Ở BẮC NINH

Đằng sau những ánh sáng trắng

Local knowledge research in the Mekong delta

Tra cứu ấn phẩm
Nhận bản tin