Những năm gần đây, nhờ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước nên ý thức thực thi pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước của các cấp, các ngành và cộng đồng đã có những chuyển biến rõ rệt. Tuy vậy, thời gian tới, vẫn cần có giải pháp quản lý bảo vệ nguồn nước nhằm phát triển bền vững tài nguyên nước.
Còn hạn chế nhiều mặt
Hiện toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 29 công trình hồ chứa nước. Trong đó, đã tiến hành cắm mốc hành lang bảo vệ 16/17 hồ thủy lợi do Trung tâm Quản lý công trình thủy lợi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý công trình, các hồ tự nhiên, nhân tạo trong khu đô thị, dân cư, hồ điều hòa. Các hồ còn lại thuộc sự quản lý của UBND cấp huyện, chưa tiến hành việc cắm mốc.
Theo Quy định tại Điều 10 của Luật Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lập quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Căn cứ quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đã được phê duyệt, UBND cấp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có trách nhiệm xây dựng kế hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước. Tuy vậy, đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa lập xong quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nên tỉnh chưa tiến hành điều tra cơ bản tài nguyên nước.
Do đó, việc quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên nước tổng thể trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn như: Chưa có đầy đủ cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước; công tác quản lý tài nguyên nước mặt chưa rõ ràng (quy hoạch tài nguyên nước dưới đất được thực hiện trước, sau mới thực hiện lập quy hoạch tài nguyên nước mặt) dẫn đến những bất cập trong việc quy hoạch, phân bổ nguồn nước như hiện nay...
Công tác cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định tại Nghị định số 43/215/NĐ-CP đến nay chưa thực hiện được do chưa có hướng dẫn cụ thể về việc xây dựng kế hoạch, thẩm định phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước. Các kênh, rạch, hồ điều hòa nằm trong khu đô thị, dân cư tập trung liên quan đến việc đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc cắm mốc nên cần có thời gian dài để thực hiện.
Đối với các nguồn nước ở khu vực giáp ranh các tỉnh lân cận, việc kiểm soát các nguồn thải vào khu vực thượng nguồn không thuộc quản lý của tỉnh tạo ra nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của tỉnh là rất lớn bởi tỉnh nằm ở khu vực hạ nguồn. Hơn nữa, công tác kiểm tra, thống kê các công trình thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước đến nay chưa có hướng dẫn thực hiện, dẫn đến tình trạng khai thác nước dưới đất không thể kiểm soát.
Đáng lưu ý, lực lượng cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước còn thiếu và yếu. Đặc biệt, ở cấp huyện, cấp xã, hầu hết chỉ có một cán bộ kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực nên việc quản lý và kiểm tra việc chấp hành các quy định về tài nguyên nước không được phát hiện và xử lý kịp thời. Điều này đã làm giảm hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước tại địa phương.
Thắt chặt quản lý xây dựng trong hành lang bảo vệ nguồn nước
Theo bà Trần Ngọc Thanh, Trưởng phòng Phòng Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, để tăng cường bảo vệ các nguồn nước trên địa bàn tỉnh, năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản số 7087/UBND-VP ngày 23/7/2018 về quản lý xây dựng trong hành lang bảo vệ nguồn nước và dự thảo Quyết định ban hành Danh mục các ngành không thu hút đầu tư, hạn chế đầu tư vùng thượng nguồn các hồ chứa nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo kế hoạch, trong năm 2019, Sở sẽ đôn đốc nhắc nhở UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước theo lộ trình đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2604/QĐ-UBND ngày 26/9/2016 phê duyệt Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; triển khai các quy định về bảo vệ tài nguyên nước như Danh mục khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất, Danh mục các dự án không thu hút đầu tư, hạn chế thu hút đầu tư tại vùng thượng nguồn thuộc bản đồ khoanh vùng bảo vệ hồ chứa nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh sau khi UBND tỉnh ban hành.
Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Sở cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cộng đồng về pháp luật tài nguyên nước, sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên nước; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh; triển khai thực hiện Thông tư số 76/2017/TT-BTNMT ngày 29/12/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ; triển khai công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước.
Diệu Thúy