Hạn hán đang diễn ra gay gắt tại tỉnh Phú Yên. Hơn 5.200 hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng nhiều tháng nay.
Một số nơi tại tỉnh Phú Yên, người dân phải mua nước giếng để dùng với giá từ 60.000 - 80.000đồng/1m3, cao gấp 10 lần so với nước máy. Nhiều gia đình mỗi tháng phải mất cả triệu đồng để mua nước sinh hoạt.
Người dân ở thôn Phú Tân 1, xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên đang phải sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng từ nhiều tháng qua.
Ông Nguyễn Anh Quân cho biết, 3 tháng nay, gia đình ông phải mua nước với giá 70.000 đồng/1m3 để dùng, cao gấp 10-15 lần so với giá nước máy. Thế nhưng cũng chỉ là nước giếng, mua từ người chở xe bồn từ nơi khác đến bán. Gia đình phải mua thêm bình nước lọc để uống và nấu ăn hàng ngày. Theo ông Nguyễn Anh Quân, trời nắng nóng, thiếu nước nên phải sử dụng tiết kiệm, thậm chí tái sử dụng nhiều lần. Mỗi lần tắm là phải đứng vào chậu để lấy lại nước tưới cây hoặc làm nước uống cho gia súc.
“Trước kia 4-5 nhà dùng chung một giếng. Nhưng bây giờ, giếng khô quá, không ai cho mình dùng chung hết. Gia đình tôi phải mua nước, song nước này không đảm bảo chất lượng nên nước uống phải mua nước bình”, ông Quân nói.
Nắng hạn kéo dài, suối cạn nguồn, giếng đào trơ đáy, giếng khoan nhiễm phèn. Riêng ở thôn Phú Tân 1, xã An Cư, huyện Tuy An, 90% giếng đào cạn trơ đáy. Số ít giếng còn lai trong thôn cũng chỉ đủ dùng trong gia đình.
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô tại xã An Cư, huyện Tuy An diễn ra từ nhiều năm nay. Nhu cầu nước sinh hoạt tăng nên tại đây nở rộ dịch vụ bán nước sinh hoạt tại nhà. Chỉ riêng tại thôn Phú Tân 1 hiện có 8 người chuyên làm dịch vụ này. Nhiều gia đình đầu tư hàng chục triệu đồng sắm phương tiện gắn bồn chở nước sinh hoạt bán cho dân.
Nhiều người ở xã An Cư, huyện Tuy An đầu tư hàng chục triệu đồng mua sắp xe bồn làm dịch vụ chở nước sinh hoạt bán cho dân
Ông Võ Văn Khởi, ở xã An Cư, huyện Tuy An làm dịch vụ này được 8 năm nay cho biết, những ngày nắng nóng, ông phải chạy từ rạng sáng đến tận đêm khuya mà vẫn không kịp. Một xe bồn chở được 1,2 khối nước nhưng mỗi ngày cũng chỉ chở được hơn 10 chuyến do nguồn nước cạn kiệt, phải đi xa mới lấy được; mỗi lần bơm nước lên xe bồn phải chờ cả tiếng đồng hồ mới đầy.
Ông Tiếu Văn Cừ, Chủ tịch UBND xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên cho biết, trước đây tại thôn Phú Tân 1, xã An Cư có hệ thống nước sạch sinh hoạt. Tuy nhiên, 5 năm nay, đường ống nước bị hỏng nên bà con phải chuyển sang dùng nước giếng đào hoặc giếng khoan. Hiện hầu hết giếng đều cạn trơ đáy, chính quyền địa phương đã đầu tư khôi phục lại các giếng đào công cộng nhưng vẫn không đủ nước. Suốt 3 tháng nay, hơn 1.000 hộ dân nơi đây thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
“Trước đây, các nhà có giếng sẽ san sẻ lẫn nhau. Tuy nhiên, 2 tháng nay, nắng gắt quá, lượng nước các giếng cạn kiệt. Chúng tôi đã vận động bà con nạo vét giếng công cộng có sẵn, chữa cháy trong thời gian này. Nhưng đặc thù ở đây gần đầm Ô Loan, nếu khoan giếng sâu nước sẽ bị mặn, nhiễm phèn”, ông Tiếu Văn Cừ nói.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Yên, hiện hơn 5.200 hộ với hàng chục ngàn người dân ở các huyện Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hoà và Tuy An thiếu nước sinh hoạt. Hạn hán ảnh hưởng nặng nề tại huyện Tuy An. Các địa phương này đã đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí gần 4,8 tỷ đồng để đào thêm giếng, làm các công trình cấp nước sinh hoạt. Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên cho biết, trước mắt, địa phương tự trích nguồn kinh phí dự phòng để triển khai các biện pháp cấp nước sinh hoạt cho dân.
“Để cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho bà con nhân dân, chúng tôi xin tỉnh hỗ trợ 2,3 tỷ đồng để mua nước hỗ trợ cho bà con nhân dân. Mấy năm nay, chúng tôi đã hỗ trợ đào và khoan giếng rất nhiều giếng cho các địa phương. Nhưng nước giếng cũng chỉ dùng được vài hộ xung quanh”, ông Thanh cho biết thêm.
Theo vov.vn