Vừa tạm lắng câu chuyện hạn hán, cháy rừng, xâm nhập mặn ở miền Trung, giờ nhiều tỉnh thành đang căng mình với lũ lụt, sạt lở, chống chịu với những bất thường về nguồn nước.
Nguồn nước: thiếu, quá thiếu, và thừa, quá thừa! Từ câu chuyện ngập ở Đà Lạt và Phú Quốc hôm nay, cần thay đổi cách nghĩ khác về tài nguyên nước.
Thiên tai hay nhân tai?
Thanh Hóa đang nỗ lực khắc phục hậu quả nặng nề của trận lũ quét xảy ra trước đó tại các huyện vùng cao tỉnh này. Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng… đang vất vả chống chọi với những trận sạt lở, ngập lụt do mưa lớn. Đảo ngọc Phú Quốc chìm trong nước. Tại Cà Mau, chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định ban bố tình huống khẩn cấp về sạt lở đê biển Tây bởi những đợt triều cường làm sóng biển kết dâng cao 2-4m tràn vào khu dân cư.
Miền Trung, các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa tiếp tục hạn hán, thiếu nước sinh hoạt do xâm nhập mặn, nguy cơ cháy rừng… Hàng ngàn hecta lúa và hoa màu có nguy cơ mất trắng. Ao hồ, kênh rạch đã cạn trơ đáy.
Mực nước sông Tiền tại khu vực đầu nguồn Tân Châu - Hồng Ngự hiện đang thấp hơn cùng kỳ gần 2m. Đồng bằng sông Cửu Long lo mất lũ, nước mặn sẽ đến sớm hơn tại các vùng hạ lưu.
Thực tế tại các đô thị cho thấy không hệ thống thoát nước nào có thể gánh nổi cùng lúc lưu lượng nước thải và nước mưa. Nước mưa ấy cần được giữ để bổ sung cho hệ thống nước ngầm đang ngày một cạn kiệt. Giải pháp làm hồ điều tiết giảm ngập vẫn chưa thể thực hiện.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước sạch như: biến đổi khí hậu, thiên tai, bùng nổ dân số, xây dựng thủy điện ở thượng nguồn... Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân không kém phần quan trọng dẫn đến tình trạng này là do sự lãng phí và khai thác quá mức nguồn nước.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà từng nêu thực tế Việt Nam là nước nghèo về tài nguyên nước. Trong khi đó, ông Ousmane Dione - giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam - nhận định: "Việt Nam đang đứng trước một cuộc khủng hoảng cận kề về tài nguyên nước: quá nhiều, quá bẩn và quá ít".
Quá nhiều nước do lũ lụt, tác hại nhiều nhất cho người nghèo. Quá bẩn vì quá nhiều nước thải không được tích trữ, xử lý. Quá ít nước khiến hạn hán thường xuyên và trầm trọng hơn ở một số vùng trên cả nước vào mùa khô và do vấn đề quản lý nguồn nước chưa hiệu quả.
Số liệu từ đề tài nghiên cứu Việt Nam: Hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch và an toàn do WB phối hợp với Bộ Tài nguyên - môi trường cho biết: trên 90% lượng nước hiện đang được sử dụng để tưới tiêu và nuôi trồng thủy sản trên khắp cả nước. Tuy nhiên, giá trị từ mỗi đơn vị (m3) nước được sử dụng, Việt Nam chỉ tạo ra 2,37 USD GDP trong khi mức trung bình toàn cầu là 19,42 USD, cao hơn gần 10 lần.
Biến đổi khí hậu, hạn hán và lũ lụt xuất hiện nhiều hơn, đồng thời thiên tai gần đây đã cho thấy những lỗ hổng trong cơ sở hạ tầng và khả năng chống chịu rất thấp. Hơn bao giờ hết, vấn đề quản lý và sử dụng tài nguyên nước một cách tiết kiệm, hiệu quả đang trở nên cấp bách.
Biến đổi khí hậu là một mối đe dọa đối với an ninh lương thực, chất lượng nguồn nước và nguồn năng lượng. Đợt nắng nóng kéo dài từ đầu tháng 6 đến tháng 7 tại miền Trung là một trong những đợt kéo dài nhất 30 năm qua.
Nắng nóng, mưa to, triều cường là thiên tai. Nhưng bên cạnh đó còn những lý do khác như diện tích rừng đang bị thu hẹp, nước ngầm đang cạn kiệt trong khi nước mưa bị bêtông "ngăn cản" không thấm kịp vào đất để dự trữ, bổ sung cho hệ thống nước ngầm.
Ứng phó, chống chịu với bất thường từ nguồn nước vẫn còn là chuyện dài với nhiều thiệt hại về người và của.
Chống ngập: cách nào tốt nhất?
Những ngày này, đi đâu, ngồi đâu cũng nghe chuyện nước ngập! Thành phố cao nguyên Đà Lạt, huyện đảo Phú Quốc, những nơi tưởng không thể ngập mà lại bị ngập tan hoang mấy bữa nay.
Nói đến lý do ngập, vô chi tiết thì có khác biệt. Mưa to là chuyện của trời, nhưng chuyện ngập còn có những lý do từ con người. Theo Tuổi Trẻ 10-8-2019, rừng ở Phú Quốc đang mất dần, đường sá chưa được kết nối hoàn chỉnh. Và những dự án chia lô đang băm nát huyện đảo này.
Còn ở Đà Lạt, theo tiến sĩ Lâm Ngọc Tuấn - trưởng khoa môi trường Đại học Đà Lạt, lũ ở đây có nguyên nhân rất lớn từ việc gia tăng ồ ạt diện tích sản xuất nông nghiệp trong nhà kính. Theo tiến sĩ Tuấn: "Về lý thuyết, những vùng đất có nhà kính hệ số thấm nước bằng 0... Lượng nước không thấm được đổ ra suối trong thời gian ngắn khiến nước dâng cao đột ngột... Mưa không to nhưng vẫn xảy ra lũ, lụt…".
Từ chuyện nhà kính ở Đà Lạt nghĩ về những mái nhà bằng tôn, bằng ngói, bằng bêtông ở đô thị, chưa kể nền và móng bêtông các công trình cũng chiếm chỗ của nước từ trong lòng đất. Nước không thấm xuống đất được thì phải chảy xuống cống, cống chảy không kịp tất nhiên gây ngập.
Về lý thuyết, có thể làm cống thật lớn, đủ để thoát tất cả lượng nước mưa. Nhưng phải đầu tư bao nhiêu tiền mới đủ cho một hệ thống thoát nước như vậy? Chắc chắn là con số rất kinh khủng. Và vì không làm nổi nên đô thị chịu ngập mỗi lúc trời mưa. Người dân có thể cùng chung tay chia sẻ câu chuyện chống ngập theo cách nào?
Mỗi nhà một bồn chứa, mỗi khu vực cần có bể trữ nước, làm sao để nước mưa trên mái nhà chậm chảy vào miệng cống để giảm ngập, tại sao không? Và nghĩ thêm, nếu chủ các nhà kính ở Đà Lạt, chủ các nhà hàng, khách sạn ở Phú Quốc, chủ những nhà cao tầng đô thị đầu tư thêm hệ thống thấm, trữ nước mưa ngay trong phần đất của mình, đô thị sẽ giảm ngập.
Chuyện này là câu chuyện quy hoạch xây dựng của chúng ta lâu nay không tiên lượng đến mối nguy tương lai. Con người bằng nhiều cách ngăn cản nước thấm vào lòng đất, đô thị phát triển theo đúng con đường có "vết xe đổ" của những thành phố phát triển trước đó và cái kết là các đô thị nối tiếp nhau sống cùng ngập lụt.
Câu chuyện từ Đà Lạt, Phú Quốc hôm nay đã đủ để thay đổi cách nghĩ trong xây dựng, trong quy hoạch. Trữ nước mưa, trả cho nước con đường thấm dần vào lòng đất là cách tốt nhất để chống ngập đô thị.
Chung Thanh Huy (TP.HCM) - Văn Lợi (Đồng Tháp)
Theo Báo tuổi trẻ