Thống kê cho thấy, tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam vẫn ở mức báo động mặc dù các cơ quan hữu quan đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm cải thiện tình hình.
Những năm gần đây, ô nhiễm nguồn nước đã nổi lên trở thành một mối đe dọa kinh tế lớn bậc nhất cho Việt Nam. Mặc dù là quốc gia có hệ thống sông ngòi dày đặc với tổng lượng dòng chảy nước mặt hàng năm lên đến 830 – 840 tỷ m3 nhưng theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì nguồn tài nguyên nước của nước ta chỉ ở mức trung bình trên thế giới (tổng lượng nguồn nước từ nước ngoài chảy vào Việt Nam chiếm khoảng 63%).
Hiện tại các lưu vực sông đang tiếp nhận chất thải từ các nguồn: nước thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, y tế và chất thải rắn. Trong tổng lượng nước thải phát sinh ra các lưu vực, lượng nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất. Những “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường nước có thể kể ra như: Lưu vực sông Nhuệ – Đáy, các sông nội thành Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, sông Ngũ Huyện Khê (Bắc Ninh), khu vực thượng nguồn sông Mã.
Ngoài ra những vụ việc gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý thời gian qua cũng góp phần làm vấn đề ô nhiễm nguồn nước “nóng” hơn bao giờ hết.
Báo cáo giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng cho biết, tỷ lệ các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung ở một số địa phương rất thấp, có nơi chỉ đạt 15 - 20% (như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Vĩnh Phúc …). Một số khu công nghiệp có xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng hầu như không vận hành để giảm chi phí. Dọc lưu vực sông Đồng Nai, có 56 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động nhưng chỉ có 21 khu có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Những khu còn lại đều xả trực tiếp vào nguồn nước, gây tác động xấu đến chất lượng nước của các nguồn tiếp nhận.
Trong khi đó, thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, hiện nay cả nước có 2.790 làng nghề (trong đó có 240 làng nghề truyền thống) với khoảng 11 triệu lao động, tập trung phát triển nhất là đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Tây Bắc Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Hoạt động gây ô nhiễm môi trường sinh thái tại các làng nghề không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt và sức khoẻ của những người dân làng nghề, mà còn ảnh hưởng đến cả những người dân sống ở vùng lân cận, gây phản ứng quyết liệt của bộ phận dân cư này, làm nảy sinh các xung đột xã hội gay gắt.
Báo cáo của Tổng cục Môi trường cho biết, Việt Nam hiện có 13.500 cơ sở y tế hàng ngày phát sinh 125.000 m3 nước thải y tế; 787 đô thị với 3.000.000 m3 nước thải ngày/đêm nhưng hầu hết chưa được xử lý.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường thì việc giải quyết những điểm “nóng” về ô nhiễm nguồn nước thực sự không đơn giản và cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Hầu hết các làng nghề không có hệ thống xử lý nước thải (ảnh chụp tại làng nghề Hoài Đức)
ThS. Nguyễn Thị Việt Hồng, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: “Về mặt tổng thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung rà soát lại toàn bộ các quy định pháp luật về quản lý tài nguyên và môi trường để đề xuất sửa đổi các quy định về bảo vệ môi trường, nguồn nước trong các luật để bảo đảm thống nhất, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường hiện nay. Bộ cũng tập trung triển khai Đề án kiểm soát đặc biệt đối với các dự án, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, trong đó lồng ghép bộ tiêu chí về môi trường làm cơ sở lựa chọn, sàng lọc loại hình sản xuất và công nghệ sản xuất trong thu hút đầu tư, xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư, đảm bảo không thu hút công nghệ sản xuất lạc hậu vào Việt Nam”.
Chuyên gia này cũng cho hay, chúng ta cần tập trung đầu tư hệ thống giám sát các hoạt động xả nước thải vào nguồn nước theo hướng xã hội hóa việc quan trắc lưu lượng, chất lượng nước thải. Qua đó các cơ sở xả nước thải, các cơ sở khai thác nước sẽ phải tự đầu tư lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động, phân tích chất lượng nước thải ... và kết nối vào hệ thống giám sát chung do Nhà nước đầu tư tạo thành một hệ thống thống nhất giữa Trung ương, địa phương và trên từng lưu vực sông.
Chuyên gia Nguyễn Trần Minh Trí, Viện Kinh tế thế giới chia sẻ: “Tôi cho rằng chúng ta cần tăng cường sử dụng các công cụ kinh tế môi trường – nhất là thuế, phí và đặt cọc hoàn trả… để xử lý những vi phạm. Hiện cơ sở pháp lý, chế tài xử phạt đối với các loại hành vi gây ô nhiễm môi trường còn hạn chế, chưa đủ mạnh. Các cấp chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức đối với công tác bảo vệ môi trường, dẫn đến buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát về môi trường”.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong đề xuất: “Bên cạnh công tác tuyên truyền thì công tác thanh tra, giám sát về môi trường cũng cần phải đẩy mạnh hơn nữa với sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật hiện đại. Bên cạnh đó, việc thành lập và duy trì hoạt động có hiệu lực, hiệu quả các tổ giám sát và đường dây nóng phản ánh vi phạm môi trường về rác thải và nước thải là cần thiết. Điều này sẽ giúp tiếp cận thông tin, kiểm soát tình hình và xử lý nghiêm các điểm nóng về môi trường, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của các thế hệ và trách nhiệm của các doanh nghiệp”.
Phạm Văn
Theo baotainguyenmoitruong.vn