Bến Tre: Quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên nước
Đăng ngày: 09 Tháng Tám 2019 | Source: Báo Tài nguyên và Môi trường
Để quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài, Sở TN&MT Bến Tre thực hiện nhiều biện pháp, nhằm góp phần bảo vệ môi trường và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trước diễn biến của biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng.

Bến Tre có nguồn tài nguyên nước mặt dồi dào, với 04 con sông lớn, gồm: Sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên, với gần 420km2 lưu vực. Ngoài ra, còn có trên 103 sông, kênh, rạch nhỏ phân bố đều khắp trong đất liền. Có thể thấy, nguồn tài nguyên nước rất dồi dào, sẽ đáp ứng tối đa nhu cầu sinh hoạt, sản xuất trong đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, dưới tác động của BĐKH, nước biển dâng, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng gay gắt, vấn đề ô nhiễm môi trường nước ngày càng phức tạp thì nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh Bến Tre cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng và ngày càng suy giảm về chất lượng.

Năm 2016, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra rộng khắp trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Độ mặn 1‰ xâm nhập gần như toàn tỉnh, độ mặn 4‰ xâm nhập đến 70-75km cách cửa sông, với tổng giá trị thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp ước tính gần 1.500 tỷ đồng. Vì vậy, nguồn nước ngọt phục vụ cho đời sống và sản xuất của người dân trở thành vấn đề cấp bách, đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ, lâu dài.

Bà Huỳnh Yến Vân - Trưởng Phòng Quản lý Tài nguyên và Khí tượng Thủy văn (Sở TN&MT Bến Tre) cho biết: ĐBSCL là một trong những khu vực ưu tiên can thiệp về quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH của Tổ chức Oxfam. Trong đó, Bến Tre là một trong số những địa phương dễ bị tổn thương nhất trước những tác động của BĐKH và nước biển dâng. Tổ chức Oxfam đã triển khai dự án “Xây dựng khả năng ứng phó, phục hồi và thích nghi với rủi ro thảm họa và khí hậu cho phụ nữ và nam giới tỉnh Bến Tre” do Cơ quan Viện trợ Phát triển New Zealand tài trợ.

Theo đó, từ năm 2017, được sự chấp thuận của UBND tỉnh Bến Tre, Tổ chức Oxfam đã ký hợp đồng với Doanh nghiệp Xã hội Naireeta Services (Ấn Độ) để thí điểm công nghệ Bhungroo - “Giải pháp tích trữ nước ngọt trữ lượng lớn trong tầng nước ngầm do cộng đồng quản lý” - tại xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú. Mục tiêu của công nghệ là nghiên cứu thí điểm bổ sung nhân tạo nước cho tầng chứa nước nông vùng ven biển tỉnh Bến Tre. Bên cạnh đó, Qũy Bảo vệ Môi trường Việt Nam hỗ trợ tỉnh Bến Tre 500 triệu đồng phục vụ tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt phục vụ chống hạn, xâm nhập mặn.

Để nhằm sử dụng có hiệu quả, lâu dài nguồn vốn được hỗ trợ, tỉnh Bến Tre đã xây dựng Phương án tìm kiếm nguồn nước ngầm đáp ứng nhu cầu về nguồn nước phục vụ sinh hoạt của người dân trong tình hình hạn hán và xâm nhập mặn, trong đó đã thi công khoan thăm dò 02 giếng khoan ở thị trấn Thạnh Phú, huyện Thạnh Phú và xã An Thủy, huyện Ba Tri.

Đến nay, cả 02 giếng đều hoạt động tương đối tốt, đặc biệt là giếng khoan ở thị trấn Thạnh Phú có chất lượng ổn định, góp phần cung cấp nguồn nước phục vụ sinh hoạt của người dân trong các mùa hạn mặn. Hiện tại, giếng được chuyển giao cho Nhà máy nước thị trấn trực thuộc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bến Tre quản lý, khai thác, sử dụng.

Bà Huỳnh Yến Vân cho rằng, trên địa bàn tỉnh hiện nguồn nước mặt thường xuyên bị xâm nhập mặn vào mùa khô và đang có dấu hiệu suy giảm về chất lượng. Nguồn tài nguyên nước dưới đất cũng bị khai thác lấy nước mặn để nuôi trồng thủy sản; việc trám lấp các giếng khoan không sử dụng chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo quy định; tình trạng tập trung khai thác quá mức ở một số khu vực có nguồn nước dưới đất có chất lượng tốt... đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trữ lượng, chất lượng nguồn tài nguyên quan trọng này.

Vì thế, theo bà Huỳnh Yến Vân, để quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước trong giai đoạn trước mắt cũng như bảo đảm phát triển bền vững, Sở TN&MT Bến Tre đã thực hiện những biện pháp kiên quyết trong quản lý nguồn nước nhằm góp phần bảo vệ môi trường và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trước diễn biến của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bến Tre đã và đang tiếp tục xây dựng các công trình tích nước, hệ thống thủy lợi, quy hoạch phân vùng khai thác sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải; trong đó có hồ chứa nước ngọt huyện Ba Tri và nhiều nhà máy nước được xây dựng và đưa vào sử dụng ở các xã vùng nông thôn, đã góp phần kiểm soát số lượng và chất lượng nguồn nước.

“Bến Tre cũng đã triển khai thực hiện Dự án Quy hoạch tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040; thực hiện dự án xây dựng danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn. Cùng với đó, Sở TN&MT thực hiện đánh giá hồ sơ dự thầu theo quy định, dự kiến hoàn thành trong năm 2019; đồng thời phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, chấp hành pháp luật về quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước”, bà Huỳnh Yến Vân cho hay.

Bạch Thanh
Theo Báo Tài nguyên và môi trường


XÂY DỰNG MÔ HÌNH TÔM LÚA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

GIẢI PHÁP NÀO CHO THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

XẢ THẢI BỨC TỬ NGUỒN NƯỚC NHỮNG HÌNH ẢNH KINH HOÀNG Ở BẮC NINH

Đằng sau những ánh sáng trắng

Local knowledge research in the Mekong delta

Tra cứu ấn phẩm
Nhận bản tin