Xin đừng coi nước sạch chỉ là một mặt hàng thương mại!
Đăng ngày: 21 Tháng Mười 2019 | Source: Báo Dân trí
Hàng vạn hộ dân 5 quận, huyện của Hà Nội tuần qua vẫn ở trong tình trạng sinh hoạt rất khó khăn do thiếu nước sạch. Vụ việc vẫn đang được làm rõ. Nhưng từ đây, câu chuyện quản lý, cung ứng nước như thế nào để mọi người dân đều được đảm bảo được dùng nước sạch thực sự là vấn đề lớn.

Ở nhiều quốc gia hiện nay, trong đó có nhiều nước mà kinh tế thị trường phát triển, nơi hầu hết các lĩnh vực kinh tế đều đã được tư nhân hóa thì nước sạch là một nhu cầu thiết yếu, liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người dân mà nhà nước phải đảm bảo ở mức cao nhất.

Họ vẫn quản lý bằng cách không cổ phần hóa hay tư nhân hóa các công ty sản xuất, cung ứng nước sạch. Hoặc cho phép cổ phần hóa, tư nhân hóa nhưng vẫn có cơ quan quản lý, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng nước sạch.

Bởi đơn giản vì nếu hoàn toàn phó mặc việc sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy lớn: Sẽ có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, sẽ có doanh nghiệp không đảm bảo chất lượng nước tối đa, người nghèo sẽ bị thiệt thòi... bởi doanh nghiệp chỉ tính đến lợi nhuận.

Cho dù cuối tuần trước, việc Công an tỉnh Hòa Bình sau khi khởi tố vụ án đã nhanh chóng "tóm" được một số nghi phạm mà những người này đã khai là được thuê, cố tình đổ dầu thải, chất thải vào khe núi, đầu nguồn nước. Từ đây, chắc rằng cơ quan điều tra sẽ còn làm rõ, khiến những kẻ chủ mưu với hành vi táng tận lương tâm trên phải chịu hình phạt thích đáng trước pháp luật. Nhưng vụ việc đến thời điểm này, cũng đã cho thấy rõ những bất cập trong quản lý nước sạch cấp cho dân, ít nhất ở phạm vi thành phố Hà Nội.

Sự phó mặc cho doanh nghiệp tư nhân sản xuất, cung ứng nước sạch cho một khu vực rộng lớn ở Thủ đô như Công ty Nước sạch Sông Đà rõ ràng đã có rủi ro lớn và hậu quả xảy ra thực sự là nghiêm trọng. Cho dù việc đổ dầu thải vào đầu nguồn nước đã rõ là do tổ chức, cá nhân bên ngoài công ty làm và doanh nghiệp này cũng là nạn nhân.

Song chính công ty này cũng đã rất vô trách nhiệm khi phát hiện ra sự việc nhưng vẫn cho vận hành hệ thống, không báo cáo kịp thời về UBND thành phố Hà Nội, dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm khiến hàng vạn người dân phải khổ sổ vì thiếu nước sinh hoạt gần một tuần qua. Và hậu quả đến nay vẫn chưa xử lý xong.

Theo các chuyên gia về nước sạch thì chẳng phải nói cao xa gì thì tiêu chuẩn đầu tiên của nước sạch là khi quan sát trực quan phải bảo đảm không mầu, không mùi, không vị. Nhưng những người lãnh đạo của Công ty Sông Đà vẫn nói "nếu bảo nước ô nhiễm thì chứng cứ đâu...", trong khi hàng trăm nghìn người dân ngửi thấy mùi khét.

Và đến nay, họ vẫn nhất quyết không nói một lời xin lỗi. Đạo đức và trình độ nghề nghiệp của những người điều hành, cung cấp nước sạch- một mặt hàng rất thiết yếu và quan trọng đến sức khỏe con người thật đáng lo ngại.

Qua sự việc trên, qua khảo sát của báo chí, cũng lộ ra vẫn đề khác là việc quản lý nguồn nước gần hồ chứa (hồ Đầm Bài) rất lỏng lẻo, xung quanh hồ còn có nghĩa trang, rác thải, có thể ảnh hưởng đến chất lượng nước. Trong khi đó, công nghệ xử lý nước mặt của doanh nghiệp gần như chưa có gì. Sau khi sự cố xảy ra, ngày 18/10, Nhà máy mới cho công nhân đi giăng những tấm lưới để có thể thu được váng dầu.

Do đó, từ sự cố với nguồn nước cấp từ hệ thống của Công ty Nước sạch Sông Đà, các nhà quản lý cần phải nhìn lại, thay đổi cách thức quản lý, cung cấp nước sạch.

Việc quản lý cấp nước theo kiểu phân mảnh (khu vực) với quá nhiều công ty đảm nhiệm như thành phố Hà Nội đang làm sẽ dẫn đến hệ quả: Một khi có sự cố xảy ra, hệ thống cấp nước của công ty này không thể cấp được sang mạng lưới của đơn vị khác.

Cung ứng nước sạch cần được coi là dịch vụ công ích chứ không phải là mặt hàng thương mại cho các doanh nghiệp tự do cạnh tranh. Nếu chỉ có doanh nghiệp tư nhân tham gia sản xuất, họ sẽ chạy theo lợi nhuận và không chịu đầu tư đổi mới công nghệ hay bảo vệ nguồn nước.

Hà Nội nên tập trung lĩnh vực phân phối nước sạch vào một đầu mối còn sản xuất nước có thể nhiều thành phần đầu tư xây dựng và cung cấp nước thông qua đơn vị phân phối bằng các hợp đồng chặt chẽ bảo đảm các yếu tố cho nước sạch đô thị và đúng quy chuẩn nhà nước đã ban hành.

Việc tập trung dịch vụ cấp nước cho một đơn vị thì đơn vị đó mới có thể xây dựng hệ thống mạng vòng, đối phó khi có sự cố xảy ra.  Các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng nước sạch dù vẫn là các doanh nghiệp tư nhân nhưng phải đảm đảo công nghệ, quy trình sản xuất nước sạch để có sản phẩm nước "sạch" nhất. Nhà nước phải có những hợp đồng chặt chẽ ràng buộc về trách nhiệm, điều kiện sản xuất, cung ứng nước sạch cho dân với các công ty này.

Mạnh Quân
Theo Dân trí

XÂY DỰNG MÔ HÌNH TÔM LÚA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

GIẢI PHÁP NÀO CHO THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

XẢ THẢI BỨC TỬ NGUỒN NƯỚC NHỮNG HÌNH ẢNH KINH HOÀNG Ở BẮC NINH

Đằng sau những ánh sáng trắng

Local knowledge research in the Mekong delta

Tra cứu ấn phẩm
Nhận bản tin