Kết quả phân tích được công bố tại Hội thảo “Hướng tới tài chính bền vững - Cam kết Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG) của ngân hàng thương mại Việt Nam” do Sáng kiến Fair Finance Việt Nam (FFV) tổ chức mới đây.
Theo Báo cáo của FFV, mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có các quy định, chính sách và văn bản đề cập đến việc áp dụng các tiêu chí Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) trong ngành ngân hàng song nhìn chung, các cam kết chính sách công khai về ESG của 10 NHTM ở Việt Nam hiện đang ở mức khởi đầu. “Nếu coi cam kết này là “cuộc đua lên đỉnh” thì tính trung bình, 10 NHTM do FFV đánh giá mới đang ở những bước leo núi đầu tiên: trung bình E (Environment - Môi trường) mới đạt 0,3/10; S (Social - Xã hội) đạt 1,3/10 và G (Governance - Quản trị) đạt 1,6/10 điểm”- Báo cáo nêu rõ.
Báo cáo cũng đã chỉ ra, hầu hết các NHTM chưa công bố công khai bất kỳ cam kết nào trong hai chủ đề Biến đổi khí hậu và Thiên nhiên. Điểm cam kết của 10 NHTM về Sản xuất năng lượng đạt 0,5/10, Biến đổi khí hậu đạt 0,1/10 và về Thiên Nhiên đạt 0,1/10.
Bên cạnh đó, cam kết chính sách của 10 NHTM về Xã hội (S) vẫn còn rất mờ nhạt. 10/10 ngân hàng đều chưa có quy định công khai yêu cầu hay khuyến khích khách hàng DN thực hiện những cam kết về bình đẳng giới. Điểm đáng ghi nhận nhất trong các cam kết của các NHTM là cam kết về tài chính toàn diện (Financial Inclusion) với mức điểm trung bình của cả 10 ngân hàng đạt 5/10.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Theo báo cáo, hầu hết tất cả các ngân hàng đều có những chính sách công khai về Chống tham nhũng, Bảo vệ khách hàng, Thuế, Minh bạch và Trách nhiệm giải trình. Tuy vậy, cam kết chính sách về Minh bạch và Trách nhiệm giải trình vẫn ở mức hạn chế (0,5/10). Cao nhất là Bảo vệ khách hàng nhưng vẫn còn rất thấp (2,4/10). Điểm cam kết của 10 NHTM về Chống tham nhũng đạt 1,8/10 và về Thuế đạt 1,6/10.
Chia sẻ của FFV về kết quả điều tra nghiên cứu thực địa về các rủi ro môi trường và xã hội của 8 dự án thủy điện nhỏ và vừa tại xã Bản Hồ, thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai và thủy điện Cẩm Thuỷ I, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá; Kết quả phân tích các tác động xã hội và môi trường của các dự án nhiệt điện than và xu hướng các ngân hàng thoái vốn đầu tư vào nhiệt điện than cũng chỉ ra rằng, rủi ro và tác động về môi trường, xã hội của các dự án thủy điện và nhiệt điện than cũng chính là rủi ro về tài chính và trách nhiệm đầu tư của các ngân hàng. Do đó, các ngân hàng cần chuyển dịch đầu tư, cho vay vào năng lượng bền vững hơn, như năng lượng tái tạo.
Các chuyên gia nhấn mạnh, việc áp dụng tiêu chí ESG trong ngành ngân hàng đang được xem là một trong những xu hướng trên thế giới, đóng góp cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và những cam kết trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (COP21). Thông qua các hoạt động tài chính, tín dụng, đầu tư và quản trị, ngân hàng và các tổ chức tài chính khác có những ảnh hưởng sâu rộng không chỉ đối với nền kinh tế mà còn với sự thịnh vượng của cộng đồng cũng như bảo vệ môi trường.
Dựa trên các phân tích đánh giá chính sách ngân hàng và các nghiên cứu thực địa, FFV khuyến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng bộ tiêu chuẩn chung về ESG dành cho các NHTM tại Việt Nam dựa trên các tiêu chuẩn, công ước quốc tế và đưa ra các quy định yêu cầu NHTM công bố công khai và báo cáo việc thực hiện các yếu tố ESG. Đồng thời, có cơ chế thanh tra, giám sát việc thực thi các chính sách ESG.
Song song đó, các NHTM cần bổ sung và phát triển các chính sách về ESG dựa trên các tiêu chuẩn và công ước quốc tế và công bố, công khai, cập nhật đầy đủ, rõ ràng về các chính sách liên quan tới ESG, bao gồm cả chính sách dành cho hoạt động nội bộ và cho các khách hàng DN.
Khi các tổ chức tài chính Việt Nam thực hiện tốt trách nhiệm môi trường - xã hội của mình, họ sẽ quản lý được rủi ro trong hoạt động tín dụng, qua đó đảm bảo đầu tư hiệu quả, giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường - xã hội và thúc đẩy thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), nâng cao vị thế trong khu vực ASEAN và trên thị trường quốc tế. Điều đó góp phần giúp Việt Nam thu hút thêm vốn từ những nhà đầu tư, quỹ đầu tư có trách nhiệm trên toàn cầu, tiến xa hơn với mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững mà chúng ta đã đề ra - bà Nguyễn Thu Hương - Quản lý chương trình cấp cao, tổ chức Oxfam tại Việt Nam nhấn mạnh./.
ĐĂNG KHOA
Theo baokiemtoannhanuoc.vn