Bản góp ý hoàn thiện dự thảo sửa đổi luật Bảo vệ Môi trường
Đăng ngày: 30 Tháng Chín 2020 | Source: www.warecod.org.vn
Để tham gia góp ý Hoàn thiện cho Dự thảo sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, TS. Bùi Đức Hiển là thành viên VRN đã có bài viết  gửi về VRN nêu một số ý kiến cá nhân liên quan đến vấn đề này. VRN/WARECOD xin trích một phần quan trọng của bài viết này để các thành viên và độc giả VRN/WARECOD cùng tham khảo :
Một số kiến nghị hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 sửa đổi


Thứ nhất, về giải thích thuật ngữ tại Điều 3 Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường. Cần phải chuyển các thuật ngữ đã được giải thích tại các Chương về Điều 3 để đảm bảo tính thống nhất trong kết cấu của Dự thảo Luật và quá trình giải thích thuật ngữ. Bên cạnh đó, cần xem xét viết rõ hơn một số thuật ngữ, như: thuật ngữ kiểm soát ô nhiễm môi trường, chúng tôi cho rằng cần giải thích dựa trên nội hàm của thuật ngữ này, xác định rõ hơn chủ thể kiểm soát, công cụ kiểm soát và mục tiêu kiểm soát… Theo đó kiểm soát ô nhiễm môi trường là tổng thể các hoạt động phòng ngừa, dự báo, theo dõi, kiểm tra, giám sát, phát hiện những tác động đến môi trường, hiện trạng môi trường, sự biến đổi của các thành phần môi trường so với quy chuẩn kỹ thuật môi trường; ngăn chặn; xử lý các tác động tiêu cực đến môi trường của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các tổ chức, cá nhân chủ nguồn thải nhằm đảm bảo sức khỏe nhân dân, bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành. Về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí là hoạt động theo dõi, kiểm tra, giám sát tình trạng ô nhiễm môi trường không khí thông qua việc xác định nguồn phát thải khí dựa trên sức chịu tải của môi trường không khí nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý ô nhiễm môitrường không khí. Còn về thuật ngữ cộng đồng dân cư cần phải hiểu phù hợp với các quy định của Luật Đất đai năm 2013, Luật Lâm nghiệp năm 2017, Bộ luật Dân sự năm 2015… Chúng tôi cho rằng việc xác định rõ cộng đồng dân cư là chủ thể của quan hệ pháp luật môi trường là cần thiết.


Thứ hai, về các nguyên tắc của Luật Bảo vệ Môi trường. Điều 3 Dự thảo Luật đưa ra tới 9 nguyên tắc cơ bản. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu toàn diện Dự thảo chúng tôi nhận thấy nhiều nguyên tắc vẫn chưa được thể hiện rõ ràng, cụ thể trong các Chương, mục, điều, khoản, điểm của Dự thảo luật dẫn tới thiếu sự thống nhất từ tư tưởng đến các quy định cụ thể của Dự thảo luật. Ví dụ: nguyên tắc xã hội hóa các hoạt động bảo vệ môi trường chưa được thể hiện cụ thể trong quy định về phòng ngừa, giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải…; nguyên tắc bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành chưa được thể hiện rõ tại các Chương, đặc biệt là quy định về yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường; giải quyết khiếu nại, tố cáo về môi trường, cơ chế trực tiếp bảo vệ quyền được sống trong môi trường hầu như chưa có quy định. Do vậy, các điều luật cụ thể cần phải thể hiện đầy đủ các nguyên tắc này. Hơn nữa, cần sửa lại nguyên tắc thứ nhất về trách nhiệm của “Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên và các tổ chức liên quan, quan tâm đến bảo vệ môi trường có trách nhiệm tham gia phản biện, tham vấn, giám sát, tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường”. Bên cạnh đó, cũng cần phải quy định rõ hơn nguyên tắc tại khoản 9 Điều 4 Dự thảo Luật theo đó tổ chức, cá nhân, hộ gia đình gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường không chỉ phải chi trả, khắc phục, xử lý ô nhiễm mà còn phải chịu các trách nhiệm pháp lý khác theo quy định của pháp luật…;


Thứ ba, về bảo vệ môi trường nước tại mục 1 Chương 2 Dự thảo Luật. Trên thực tế các quốc gia trên thế giới và thực tiễn tại Việt Nam cho thấy Ủy ban lưu vực sông có vai trò đặc biệt quan trọng trong kiểm soát ô nhiễm, suy thoái tài nguyên nước lưu vực sông. Hiện tại các lưu vực sông liên tỉnh ở Việt Nam đều đã thành lập Ủy ban quản lý lưu vực sông. Ủy ban này là cơ quan giúp quản lý được cả lưu vực sông một cách toàn diện, thống nhất mà không bị giới hạn đơn vị hành chính lãnh thổ; hoạt động dựa trên phương châm: “Suy nghĩ tầm lưu vực sông, hành động cụ thể tại các địa phương”. Do vậy, chúng tôi cho rằng, Dự thảo Luật cần quy định cụ thể về quyền hạn, trách nhiệm của các Ủy ban lưu vực sông trong quyết định các vấn đề liên quan đến tài nguyên, môi trường nước lưu vực sông. Đối với môi trường biển bên cạnh quy định trách nhiệm chính của Bộ Tài nguyên và môi trường và UBND cấp tỉnh. Dự thảo Luật cũng cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của các cơ quan phối hợp tham gia bảo vệ tài nguyên, môi trường biển như: lực lượng cảnh sát biển, hải quân, kiểm ngư, Cục hàng hải, cảng vụ, hải quan, bộ đội biên phòng,… Dự thảo Luật chưa quy định về vấn đề này. Đối với môi trường không khí Dự thảo cần quan tâm hơn nữa ngoài trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như các cơ quan quản lý nhà nước về môitrường, các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải,… Dự thảo cần điều chỉnh trách nhiệm của các tổ chức cá nhân, chủ nguồn thải trong phòng ngừa, giảm thiểu, phát hiện, ngăn chặn, xử lý ô nhiễm môi trường không khí; trách nhiệm pháp lý nếu vi phạm; quy định về giám sát các tổ chức, cá nhân chủ nguồn khí thải và giám sát các cơ quan quản lý nhà nước về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí…;

Thứ tư, nếu không có cách luận giải nào thuyết phục hơn hoặc không có quy định nào mới hơn, chúng tôi cho rằng Ban soạn thảo nên bỏ các quy định về quản lý di sản thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học hoặc quy định chung vào một điều luật vì các vấn đề này đã được quy định trong Luật Di sản văn hóa năm 2001, Luật Đa dạng sinh học năm 2008, Luật Thủy sản năm 2003, Luật Lâm nghiệp năm 2017,… để tránh chồng chéo, mâu thuẫn;


Thứ năm, về báo cáo đánh giá tác động môi trường (Điều 33 mục 3 Chương 2). Cần quy định cụ thể hơn về tham vấn cộng đồng dân cư và các cơ quan liên quan trong đánh giá tác động môi trường. Theo đó cần bổ sung chủ đầu tư dự án không chỉ tham vấn cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án mà tham vấn cả các tổ chức xã hội, đặc biệt là tham vấn cả các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng gián tiếp bởi dự án. Hơn nữa, Dự thảo Luật này cần phải quy định rõ giá trị pháp lý của các các ý kiến tham vấn trên đối với Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng như trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phối hợp thực hiện tham vấn; vai trò của tổ chức xã hội và truyền thông trong giám sát quá trình tham vấn này. Về giấy phép môi trường quy định tại mục 4 Chương 2 Dự thảo Luật, cần quy định cụ thể chặt chẽ hơn về việc thẩm định những tác động đến môi trường của các dự án trước được cấp giấy phép môi trường để nâng cao tính hiệu quả  của các giấy phép này. Thậm chí quy định về xả thải, Dự thảo cần xác định rõ nguyên tắc cấm không được xả thải chất thải có chứa chất gây ô nhiễm vào môi trường; chỉ được xả nước thải đã qua xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường thì mới được xả thải ra môi trường. Khi đó xử lý chất thải đạt quy chuẩn mới được cấp phép xả thải ra môi trường.


Thứ sáu, về việc cho phép nhập khẩu phế liệu quy định tại Điều 72 Dự thảo Luật. Chúng tôi cho rằng Dự thảo Luật nên quy định cấm nhập khẩu phế  liệu dưới mọi hình thức. Bởi phế liệu về bản chất cũng là chất thải. Hơn nữa, từ khi cho phép nhập khẩu phế liệu trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đến nay thực tiễn rất nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng quy định này để nhập khẩu chất thải để trục lợi cá nhân, gây ô nhiễm môi trường trong nước.


Thứ bảy, về quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Dự thảo luật quy định sẽ phân loại rác thải và thu tiền rác thải theo khối lượng, thể tích hoặc chủng loại. Tuy nhiên, quy định này chưa thể chế hóa được đầy đủ nguyên tắc coi chất thải thông thường là tài nguyên, là nguyên liệu đầu vào; nguyên tắc xã hội hóa các hoạt động bảo vệ môi trường. Chúng tôi cho rằng, Dự thảo Luật cần quy định nghĩa vụ bắt buộc của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt  tại nguồn và các hệ thống kỹ thuật kèm theo. Khuyến khích phát triển thị trường mua bán chất thải sau phân loại, sử dụng các sản phẩm tái chế từ chất thải sau phân loại, theo đó các tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện pháp luật quy định được mua bán rác thải đã phân loại để tái chế, tái sử dụng. Nhà nước sẽ có chính sách tài chính thích hợp để hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình này (thực tiễn hiện nay hàng năm nhà nước phải chi rất nhiều tiền để các doanh nghiệp xử lý chất thải)… Nếu thực hiện được như vậy, người dân tham gia phân loại rác sẽ được tiền từ quá trình phân loại này và sẽ góp phần hạn chế tối đa rác thải. Tổ chức, cá nhân tham gia xử lý rác thải cũng sẽ có nguyên liệu đầu vào giá rẻ để sản xuất và có thêm hỗ trợ tài chính từ phía nhà nước. Thực tế hiện nay đã có nhiều mô hình thực hiện khá thành công về vấn đề này.


Thứ tám, Dự thảo Luật hiện nay chủ yếu quy định về trách nhiệm của các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội trong phản biện, góp ý, tham vấn… về các vấn đề liên quan đến môi trường. Tuy nhiên, vai trò của các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp lại chưa được ghi nhận. Ví dụ: Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Nhà báo, Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng… vẫn chưa được ghi nhận. Do vậy, chúng tôi cho rằng cơ quan soạn thảo cần rà soát quy định rõ trách nhiệm quyền hạn của các tổ chức này trong phản biện, góp ý, tham vấn, giám sát việc bảo vệ môi trường của các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường cũng như các tổ chức, cá nhân chủ nguồn thải.


Thứ chín, về trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản do ô nhiễm môi trường tại khoản 3 Điều 133 Dự thảo Luật. Dự thảo hiện quy định tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường được môi trường có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho các tổ chức xã hội yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, chúng tôi thấy quy định về ủy quyền trong trường hợp này là không cần thiết mà cần quy định rõ hơn Điều 163 của Dự thảo Luật, theo đó tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị-xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội có quyền đại diện cho tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do ô nhiễm khởi kiện hoặc tự mình kởi kiện vì lợi ích của cộng đồng.


Với phương thức giải quyết tranh chấp môi trường bằng trọng tài thì cần phải quy định rõ hơn là các bên tranh chấp có quyền lựa chọn bất kỳ hình thức giải quyết tranh chấp nào này phải theo trình tự từ thương lượng, đến hòa giải, đến trọng tài hoặc tòa án và giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là trọng tài nào được giải quyết (trọng tài thương mại như hiện nay hay thay vào đó thành lập cơ quan Trọng tài về môi trường mới).


Thứ mười, về bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường tại Điều 143 Dự thảo Luật. Chúng tôi cho rằng Dự thảo Luật quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc về bảo hiểm môi trường vẫn có thể chấp nhận được, nhưng phải mở rộng hơn đối tượng phải mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường, theo đó không chỉ là các dự án có nguy cơ gây thiệt hại lớn mới phải mua bảo hiểm môi trường mà cần quy định mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây thiệt hại về cho môi trường bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường để đảm bảo giảm thiểu chi phí cho chủ nguồn thải khi gây ra thiệt hại và để các doanh nghiệp bảo hiểm mặn mà hơn với loại hình bảo hiểm này khi có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia.

XÂY DỰNG MÔ HÌNH TÔM LÚA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

GIẢI PHÁP NÀO CHO THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

XẢ THẢI BỨC TỬ NGUỒN NƯỚC NHỮNG HÌNH ẢNH KINH HOÀNG Ở BẮC NINH

Đằng sau những ánh sáng trắng

Local knowledge research in the Mekong delta

Tra cứu ấn phẩm
Nhận bản tin