Đồng bằng sông Cửu Long: Tìm lối ra giữa vòng vây hạn mặn
Đăng ngày: 21 Tháng Hai 2020 | Source: www.warecod.org.vn
Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã xuất hiện sớm hơn so với mùa khô năm 2015-2016, ở mức độ gay gắt và sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong thời gian còn lại của mùa khô, khả năng ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Đặc biệt, tại vùng 2 sông Vàm Cỏ, xâm nhập mặn cao nhất vào các tháng 2,3.2020, sau đó giảm dần nhưng kết thúc muộn (cuối tháng 5.2020).

Khắp nơi “khát” nước

Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, nguồn nước mùa khô năm 2019-2020 về vùng ĐBSCL thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm (TBNN) và những năm gần đây. Lưu lượng tháng 11 và tháng 12 chỉ đạt 3499-4344m3/s. Dự báo lưu lượng bình quân hết tháng 1.2020  lớn hơn so với năm hạn 2016 khoảng 31m3/s. Lưu lượng bình quân tháng 2.2020 có thể nhỏ hơn so với TBNN và năm 2016.

Ảnh hưởng của việc xả thấp từ thủy điện Trung Quốc, dự báo dòng chảy tháng 2 từ thượng lưu sông Mê Kông về đồng bằng sẽ ở mức rất thấp. Vì vậy, mặn xâm nhập sâu trên đồng bằng trong tháng 2.2020, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt - đặc biệt ở vùng các cửa sông Cửu Long từ ngày 8-16.2.2020. Chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất với ranh 4g/l trong thời kỳ này. Từ  ngày 16.2.2020, xâm nhập mặn đã tăng cao theo kỳ triều cường với ranh mặn 4g/l ở các cửa sông Vàm Cỏ từ 100-110km, sâu hơn TBNN từ 20-22km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 từ 4-6km; ở các cửa sông Cửu Long ở mức sâu nhất khoảng 75km, sâu hơn TBNN 30km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 15km, sâu hơn khoảng 4km so với mức sâu nhất năm 2016.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Thánh - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau - cho biết: “Tình hình thiệt hại do nắng nóng, mặn xâm nhập, sạt lở, sụt lún đất bất thường tại Cà Mau diễn biến phức tạp. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau quyết định chủ động mới Bộ NNPTNT, các chuyên gia, các nhà khoa học… tìm giải pháp giúp Cà Mau vượt qua khó khăn này. Dự kiến cuộc họp diễn ra vào ngày 24.2 tới”.

Theo ông Lê Thanh Triều - Giám đốc Sở NNPTNT Cà Mau, cùng với tình trạng khô hạn và sụt, sạt lở đất, hiện tượng mặn xâm nhập sâu vào khu vực sản xuất nông nghiệp cũng diễn ra. Diện tích lúa bị thiệt hại và có nguy cơ bị thiệt hại do hạn mặn ở Cà Mau đã lên trên 41.000ha, trong đó thiệt hại gần 18.000ha; hoa màu cũng có nguy cơ ảnh hưởng và giảm năng suất trên 340ha. Cà Mau đã ghi nhận hơn 23.000 hộ dân ở nhiều tuyến, cụm dân cư bắt đầu khan hiếm nước ngọt sinh hoạt.

Riêng huyện Trần Văn Thời đã ghi nhận khoảng 3.400 hộ thiếu nước sinh hoạt và dự đoán thời gian tới sẽ có thêm 750 hộ nữa khan hiếm nước. Ông Bùi Chí Ngạn, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời chia sẻ: “Dù đa phần người dân đã sử dụng nước nối mạng nhưng khối lượng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu. Để bảo đảm đủ nước ngọt phục vụ sinh hoạt, người dân ở đây phải chia cử lấy nước, tức một số hộ này sử dụng thì một số hộ khác phải tạm ngưng”.

Tại Bạc Liêu hơn 5.400ha lúa vùng Bắc Quốc lộ 1 đang thiếu nước ngọt trầm trọng. Tiểu vùng ngọt sản xuất rau màu cũng bị ảnh hưởng nặng. Đi đôi với khô hạn, xâm nhập mặn sớm dẫn đến nguy cơ có 5.000ha nuôi tôm bị thiệt hại. Thiệt hại nặng nhất là vùng ngọt hóa trên địa bàn thị xã Giá Rai, nơi có hàng ngàn hécta lúa đang đối mặt với nguy cơ chết khô. Tại Sóc Trăng, 3.600ha diện tích lúa tại huyện Long Phú gần như mất trắng do tất cả các dòng kênh đều kiệt nước. Tình trạng mặn xâm nhập vào các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang… cũng đến hồi báo động.

Anh Thạch Tiến (41 tuổi, ngụ xã Tân Hưng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: “Hơn 5.000m2 lúa vụ 3 của tôi đã xuống giống được hơn 30 ngày, từ lúc gieo đến nay vẫn chưa có đợt nước ngọt nào để bơm cho lúa. Giờ thì nền ruộng đã khô nứt nẻ, đất đai trắng xóa, cây lúa cũng đã chết dần vì thiếu nước ngọt. Nếu tình hình này không được cải thiện thì toàn bộ lúa sẽ mất trắng”.

Ghi nhận thực tế tại các cánh đồng sản xuất lúa vụ 3 tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng cho thấy, nhiều kênh rạch đã khô cạn vì hầu hết các cống ngăn mặn đều đã đóng kín. Trên đồng, hàng ngàn hécta lúa ở giai đoạn từ 15-30 ngày tuổi đã bắt đầu chết cây, khô cháy vì không có nước, mặt ruộng khô cằn, nứt nẻ. 

Tại Trà Vinh, chỉ tính riêng 2 huyện Cầu Ngang và Trà Cú, thời điểm này đã có trên 5.000 hộ dân bị thiệt hại hơn 3.500ha lúa Đông Xuân do hạn mặn; trong đó, khoảng 913ha bị thiệt hại trên 70% và hơn 1.200ha bị thiệt hại từ 30-70% diện tích, nguy cơ mất trắng hoàn toàn.

 Ông Trần Quốc Tuấn - Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang - cho biết, trước cảnh báo của ngành Nông nghiệp tỉnh về tình hình hạn, mặn trong mùa khô năm nay, địa phương đã chủ động tạm ngưng sản xuất gần 1.400ha đất trồng lúa kém hiệu quả, chuyển sang các cây trồng, vật nuôi khác, chỉ xuống giống 5.339ha.

13/13 tỉnh gồng mình ứng phó với hạn mặn

Phó Giám đốc Sở NNPTNT Long An - ông Nguyễn Chí Thiện - cho biết, tỉnh đã triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô năm 2019-2020 trên địa bàn tỉnh. Mùa hạn mặn năm nay, nước mặn đã xâm nhập rất sâu vào 2 con sông Vàm Cỏ Tây và Vàm Cỏ Đông, theo suốt chiều dài của tỉnh. Tỉnh đã lắp đặt 16 cửa cống ngăn mặn nằm dọc trên tuyến QL62 dọc theo sông Vàm Cỏ Tây, không cho nước mặn xâm nhập vào đồng. 

Thực tế, xâm nhập mặn đã xuất hiện ở mức cao đột biến từ tháng 12.2019 (ngày 12-15.12.2019), ranh mặn 4g/lít ở các cửa sông Cửu Long cao nhất đến 57km (sông Hàm Luông), cao hơn TBNN là 24km, cao hơn năm 2015 là 17km. Trong tháng 1.2020, xâm nhập mặn đã tăng cao trong thời gian từ ngày 6-13.1.2020 với ranh mặn 4g/lít ở vùng 2 sông Vàm Cỏ (Vàm cỏ Đông, Vàm cỏ Tây) từ 82-85km, cao hơn năm 2016 từ 18-20km; vùng cửa sông Cửu Long từ 45-66km, cao hơn năm 2016 từ 6-17km; vùng ven Biển Tây lớn nhất 48km, cao hơn năm 2016 là 6km. Trong thời gian tới, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục gia tăng và kéo dài trong khoảng tháng 3-4.2020. Kh.V

Sạt lở, báo động cháy rừng khắp nơi

Cà Mau có đến trên 1.000 điểm sạt lở với tổng chiều dài lên đến trên 22km. Theo ông Lê Thanh Hải - Cục kiểm lâm Cà Mau - cho đến ngày hôm nay, gần như tất cả diện tích có rừng tại Cà Mau đều báo động cháy. Trong đó có trên 14.000ha báo động cháy cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Sở NNPTNT Cà Mau cũng thông tin: Toàn tỉnh có đến trên 42.000ha rừng đang báo động cháy cấp cao. Trong khi đó, tại Bạc Liêu, toàn bộ Vườn chim Bạc Liêu đang bị “đóng cửa” vì diện tích rừng khô kiệt, báo động cháy cấp 4. 

Nước tôm chết hàng loạt

Vùng trọng điểm nuôi tôm ĐBSCL cũng gặp khó do nước quá mặn, vượt biên độ cho con tôm sinh trưởng. Dự báo có đến trên 20.000ha thiệt hại nếu người dân cố tình thả giống trong giai đoạn này. Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NNPTNT Bạc Liêu - lý giải: “Hiện nay vùng mặn đã lên đến trên 25 phần ngàn”. Bạc Liêu đã có 9.000ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng, nước quá mặn. Con số này tại Cà Mau lên đến trên 10.000ha, Sóc Trăng 3.000ha… Ông Trần Văn Chánh - xã Long Điền Đông A, huyện Đông Hải,  lắc đầu: “Nước mặn quá, tôm sống không được. Tôi đã thả lần hai nhưng cũng chết sạch đành ngưng chờ mưa xuống mới dám thả”. nhật hồ

Theo Báo Lao Động

XÂY DỰNG MÔ HÌNH TÔM LÚA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

GIẢI PHÁP NÀO CHO THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

XẢ THẢI BỨC TỬ NGUỒN NƯỚC NHỮNG HÌNH ẢNH KINH HOÀNG Ở BẮC NINH

Đằng sau những ánh sáng trắng

Local knowledge research in the Mekong delta

Tra cứu ấn phẩm
Nhận bản tin