Theo dự báo, mùa khô năm nay sẽ kéo dài đến tháng 5, và diễn biến cũng như những tác hại mà hạn hán và xâm nhập mặn gây ra hết sức khốc liệt. Vì vậy, để phòng, chống hạn, mặn hiệu quả, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại cần có các giải pháp đúng đắn, đồng bộ, kịp thời, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Phòng phải chủ động
Từng bị thiệt hại nặng nề vì hạn, mặn, nên các cấp chính quyền và người dân tỉnh Vĩnh Long rất chú trọng đến công tác phòng, chống hạn và mặn xâm nhập. Phó Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm Lê Văn Ðôi cho hay, lần đầu tại huyện đo được độ mặn cao kỷ lục, hơn 10‰. Tuy nhiên, chưa gây thiệt hại nghiêm trọng do huyện đã chủ động công tác phòng, chống.
Ngay từ ngày đầu mặn xuất hiện, một mặt huyện chỉ đạo các xã, thị trấn ven sông Cổ Chiên đóng tất cả các cống, không cho nước mặn vào nội đồng. Mặt khác, khuyến cáo người dân không sử dụng nguồn nước sông tưới cho lúa và cây trồng. "Vũng Liêm đã tập trung tuyên truyền cho người dân nắm được mức độ ảnh hưởng của nước mặn đến sản xuất và đời sống. Hằng ngày, huyện cử lực lượng đo độ mặn thường xuyên và thông báo cho người dân biết thông qua hệ thống loa không dây, tin nhắn và cả trên mạng xã hội…" - đồng chí Lê Văn Ðôi chia sẻ.
Bà Phan Thị Nhẫn ở xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm cho biết: Mấy năm trước mặn lên bất ngờ, người dân trồng cây ăn trái ở cù lao Dài trở tay không kịp. Dân thiếu thông tin, nên khi nước đã bị xâm nhập mặn vẫn lấy tưới cho cây gây thiệt hại hàng loạt, nhà vườn khóc ròng vì phải trồng mới, thất thu nhiều năm. Giờ đây, nhờ hệ thống thông tin kịp thời, một mặt nhà vườn đã chủ động trong việc đóng cống, đóng mương, ngăn không cho nước mặn từ sông vào vườn. Một mặt đã chuẩn bị sẵn các mương, hồ chứa nước ngọt, dùng tấm bạt ni-lông làm hồ chứa nước dã chiến để dự trữ nước và tưới tiết kiệm. Chờ đến khi có thông báo độ mặn an toàn, tiếp tục xả nước vào vườn, dự trữ nước tiếp… Anh Phan Thành Tâm, công chức nông nghiệp xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm cho biết: "Nhờ quan trắc và thông báo kịp thời nên đợt mặn vừa qua đã giảm thiệt hại nhiều diện tích lúa và vườn cây ăn trái. Các hộ dân cũng đã chủ động được việc lấy nước tưới vườn cây và trữ nước tưới khi có mặn xảy ra".
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón cho biết, để chủ động ứng phó, tỉnh tăng cường thông tin nhanh về diễn biến, dự báo tình hình hạn, mặn thông qua hệ thống tin nhắn SMS ít nhất hai lần/ngày gửi tới lãnh đạo các cấp từ tỉnh đến xã để chỉ đạo ứng phó; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, có biện pháp để phòng, chống. "Nhờ có bước chủ động trước và từ bài học kinh nghiệm trong phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mà trong những năm qua, nhất là từ mùa khô năm 2015-2016 đến nay, tình trạng xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp không lớn" - đồng chí Trần Văn Rón khẳng định.
Tại tỉnh Sóc Trăng, cũng nhờ có sự chủ động vào cuộc của các cấp, các ngành, từ cán bộ đến người dân trong công tác phòng, chống hạn hán và mặn xâm nhập nên thiệt hại chưa đáng kể. Trong hai ngày 18 và 19-2, Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Sáu đến thị sát tại các vùng có nguy cơ ảnh hưởng nhiều nhất do hạn, mặn như: Thị xã Ngã Năm, các huyện Long Phú, Trần Ðề, Mỹ Xuyên. Năm nay, do các dự án điều tiết nước kịp đưa vào sử dụng đã giúp các địa phương này phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn hiệu quả, trong đó phải kể đến cống âu thuyền Ninh Quới nằm trên kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp. Công trình này đã góp phần điều tiết mặn - ngọt cho ba tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Hậu Giang, ngăn được các tác hại do mặn xâm nhập vào vùng lúa và hoa màu nằm trong các tiểu vùng.
Tại xã Tài Văn, huyện Trần Ðề, nhiều nông dân phấn khởi cho biết, vụ này rất nhiều nông dân trong xã trồng lúa ST tím, trúng mùa, giá cao, năng suất ước đạt 7 tấn/ha, giá bán dao động từ 6.200 đến 6.800 đồng/kg. Do nông dân nghe khuyến cáo của ngành nông nghiệp, tuân thủ lịch thời vụ nên toàn bộ diện tích lúa trong xã đã thu hoạch xong, không bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Trong chuyến công tác kiểm tra tình hình hạn, mặn tại tỉnh Sóc Trăng gần đây, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Nguyễn Xuân Cường biểu dương tỉnh đã chủ động trong ứng phó hạn, mặn bằng việc gieo sạ vụ đông xuân sớm hơn, kết quả lúa trúng mùa, lại được giá.
Chống phải kịp thời
Ðể chủ động phòng, chống thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn gây nên đối với sản xuất và đời sống người dân, các tỉnh vùng ÐBSCL đã tích cực, chủ động, kịp thời thực hiện các giải pháp. Theo đó, tỉnh Trà Vinh đang đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi nội đồng, nhằm tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, hạn chế ảnh hưởng mặn xâm nhập nội đồng. Tỉnh đang thực hiện 455 công trình thủy lợi nội đồng, với tổng khối lượng hơn một triệu m3. Cụ thể, chín huyện, thị xã, thành phố sẽ nạo vét, đào mới kênh mương nội đồng, tu bổ bờ bao, cống, bọng… Ðến nay, huyện Tiểu Cần đã nạo vét 43 công trình, với chiều dài hơn
37 km. Các địa phương còn lại đang khảo sát thiết kế và phê duyệt kế hoạch đấu thầu. Sở NN và PTNT tỉnh Trà Vinh cũng trình UBND tỉnh kế hoạch hỗ trợ bơm tát khoảng 7.000 ha lúa tại các huyện Châu Thành, Trà Cú, Cầu Kè và Tiểu Cần; khảo sát diện tích lục bình trên các tuyến kênh, rạch cấp 1 và 2 để tổ chức thu gom, khơi thông dòng chảy, điều hòa nguồn nước. Theo khảo sát, toàn tỉnh có hơn 744 km kênh, rạch bị lục bình bao phủ với tổng diện tích hơn 475 ha. Trong đó, huyện Châu Thành bị lục bình bao phủ hơn 90 km kênh, Tiểu Cần hơn 355 km kênh. Bộ NN và PTNT cũng đẩy nhanh tiến độ thi công ba cống Tân Dinh, Bông Bót và Vũng Liêm. Các công trình này hoàn thành và đưa vào vận hành sớm hơn bảy tháng so kế hoạch, kịp thời khép kín hệ thống thủy lợi Nam Măng Thít, khống chế được tình hình xâm nhập mặn, điều tiết nước ngọt phục vụ nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp của Trà Vinh.
Mới đây, trong chuyến công tác tại Vĩnh Long, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã trực tiếp đến kiểm tra công tác ứng phó hạn, mặn của tỉnh Vĩnh Long và xem xét hiệu quả của cống Vũng Liêm. Phó Thủ tướng đánh giá cao công tác phòng, chống hạn, mặn ở Vĩnh Long, nhất là việc khẩn trương hoàn thành các công trình thủy lợi nhằm ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ tưới tiêu, sản xuất… Cống Vũng Liêm hoàn thành kịp thời ngăn đợt mặn trong tháng 2 này, giảm thiểu thiệt hại đáng kể cho người dân. Cống Vũng Liêm cùng với các hạng mục khác trong tiểu dự án kiểm soát nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Nam Mang Thít khi vận hành đã giúp kiểm soát mặn và triều cường, tạo ra nguồn nước sạch, tiêu úng, cải tạo gần 30.000 ha đất tự nhiên ở huyện Vũng Liêm, Trà Ôn (Vĩnh Long) và huyện Cầu Kè (Trà Vinh).
Theo Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Tâm, để chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô này, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp thủy lợi; đồng thời vận hành có hiệu quả hệ thống cống trên tuyến đê biển Hòn Ðất - Kiên Lương, địa bàn huyện Giang Thành, TP Rạch Giá và ven sông Cái Bé thuộc huyện Châu Thành (55 cống), vùng U Minh Thượng (17 cống), dự án thủy lợi Ô Môn - Xà No (35 cống) để ngăn mặn, giữ ngọt. Các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng mặn đã triển khai gia cố, đắp mới các đập ngăn mặn theo thời vụ để bảo vệ lúa trong vụ đông xuân và tiếp tục phòng, chống hạn, mặn cho vụ hè thu tới. Theo đó, tỉnh Kiên Giang đã đắp 196 đập, trong đó hai đập bằng cừ thép Larsen, tổng kinh phí thực hiện đắp đập ngăn mặn trong mùa khô 2019-2020 là hơn 46 tỷ đồng. Kiên Giang cũng đã đầu tư mở rộng các trạm cấp nước nông thôn phục vụ cấp nước cho 8.000 hộ dân trên địa bàn các huyện Châu Thành, Gò Quao, An Minh, Kiên Lương, Giang Thành có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô.
Theo Thứ trưởng NN và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, các đơn vị thi công đang đẩy nhanh tốc độ xây dựng hai cống quy mô lớn là cống Cái Bé và cống Cái Lớn. Giữa năm 2021, hai cống này sẽ vận hành, khi đó Kiên Giang sẽ không phải đắp hơn 60 đập ngăn mặn vào mùa khô, đồng thời cả tỉnh Hậu Giang sẽ không còn nỗi lo nước biển xâm nhập vào nội đồng. Và đến năm 2025, Bộ NN và PTNT sẽ triển khai dự án đưa nước ngọt từ sông Cái Bé, sông Cái Lớn về phục vụ đời sống, sản xuất cho người dân tỉnh Cà Mau.
Quanh câu chuyện "giải khát" tại Cà Mau, Giám đốc Sở NN và PTNT Lê Thanh Triều cho biết: Các nhóm giải pháp mà tỉnh thực hiện chỉ là tạm thời. Bởi hiện tại, nước sử dụng trong sinh hoạt cho người dân Cà Mau chủ yếu được khai thác từ giếng ngầm vì không có nước ngọt bổ sung từ thượng nguồn sông Mê Kông. Vậy nên, sản xuất của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước ngọt trong mùa mưa. "Vì vậy, góc độ địa phương, Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có cơ cấu lại lịch thời vụ, giống cây trồng phù hợp trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng diễn biến phức tạp. Về lâu dài, Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư cần xem xét cho triển khai xây dựng hồ chứa nước ngọt ở khu vực Vườn quốc gia U Minh Hạ. Ðồng thời xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi để dẫn nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau nhằm bổ sung cho vùng Quản lộ Phụng Hiệp (54.480 ha), vùng U Minh Hạ (154.414 ha) và vùng Nam Cà Mau (203.000 ha)" - đồng chí Lê Thanh Triều đề xuất.
Tiến Phong - Tùng Dũng
Theo Báo Nhân dân