Kinh nghiệm của một số nước phát triển trong bài toán an ninh nguồn nước và biến đổi khí hậu
Đăng ngày: 20 Tháng Ba 2020 | Source: www.warecod.org.vn
Các quốc gia trên thế giới luôn coi việc bảo vệ nguồn nước sạch, nước ngầm là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, không kém an ninh quốc gia và đều có những phương án ứng phó khẩn cấp khi nguồn nước gặp sự cố.

Khung đánh giá an ninh nguồn nước

Một số khung giải quyết vấn đề liên quan đến an ninh tài nguyên nước đã được đề xuất trên thế giới và châu Á, bao gồm khung giải quyết an ninh nguồn nước cấp quốc gia của Ban Giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB); khung đánh giá an ninh nguồn nước của Canada, đánh giá an ninh nguồn nước của Tổ chức Water Aid... Các giải pháp này cơ bản đưa ra những yếu tố chủ chốt trong đánh giá quản lý an ninh nguồn nước, trong đó khung đánh giá an ninh tài nguyên nước của Water Aid tập trung chủ yếu vào những nhu cầu cơ bản của con người về khả năng tiếp cận nguồn nước, bao gồm chất lượng và số lượng nguồn nước.

Hai hợp phần chính của an ninh nguồn nước bao gồm nguồn tài nguyên nước và dịch vụ cung cấp nước, tập trung vào quy mô hộ gia đình. Do tập trung vào hộ gia đình và những nhu cầu cơ bản của con người, nên mô hình này phù hợp đánh giá an ninh nguồn nước của các khu vực nhỏ, hộ gia đình và không phù hợp với đánh giá ở cấp chiến lược, khu vực.

Trong khi đó, khung đánh giá nguồn nước của Mạng lưới hệ thống nước Canada (CNW) được áp dụng đối với các cộng đồng nhỏ, nhằm đánh giá và quản lý an ninh nguồn nước. CNW đã xây dựng được 4 ứng dụng phục vụ đánh giá an ninh nguồn nước, dựa trên 2 hợp phần chính là sức khỏe hộ sinh thái và sức khỏe con người, gồm 4 vấn đề cốt lõi như đánh giá hiện trạng của chất lượng và lưu lượng nguồn nước, xác định ngưỡng phía trên khi an ninh nguồn nước không được đảm bảo; đánh giá rủi ro, tập trung vào các căng thẳng như phát triển và biến đổi khí hậu, hợp nhất quản lý và quan trắc để ra quyết định và chính sách. Tuy vậy, khung giải pháp của CNW chưa phù hợp để đánh giá an ninh nguồn nước cấp vùng, cấp quốc gia và tại các khu vực còn nhiều hạn chế về nguồn dữ liệu đầu vào, tại các nước đang phát triển như Việt Nam.

Khung giải quyết an ninh nguồn nước cấp quốc gia của ADB đã làm rõ 5 hợp phần độc lập của an ninh nguồn nước, bao gồm an ninh nguồn nước hộ gia đình, đô thị, lĩnh vực kinh tế,  môi trường và khả năng thích ứng với các tai biến liên quan đến nguồn nước.

Dựa trên các đánh giá riêng biệt cho từng hợp phần này, đánh giá chung về an ninh nguồn nước được lựa chọn. Kết quả đánh giá an ninh nguồn nước sẽ chia ra thành 5 cấp độ là nguy hiểm, báo động, tương đối, hiệu quả, mô hình bền vững. Trong đó, Việt Nam nằm ở nhóm đáng báo động về an ninh nguồn nước khi luật pháp, thể chế về an ninh nguồn nước được đảm bảo bởi Chính phủ có tăng cường đầu tư công liên quan đến an ninh nguồn nước, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế trong quản lý.

Khung đánh giá của ADB đã đề xuất các nhóm giải pháp chính để tăng cường an ninh nguồn nước bao gồm sử dụng tối ưu nguồn nước bằng việc đầu tư và khuyến khích phát triển hệ thống “giảm thiểu, tái sử dụng, tái tạo”; hợp tác nâng cao năng lực sử dụng nguồn nước; đầu tư để tăng cường vệ sinh nguồn nước, nhất là đối với khu vực nông thôn; phát triển mô hình liên kết nguồn nước - năng lượng và lương thực. Đồng thời, cần quản lý tài nguyên nước ngầm như một nguồn tài nguyên giá trị và hạn chế; phát triển mạng lưới tưới tiêu và quản lý hợp nhất tài nguyên nước và một số giải pháp quản lý khác...

Có thể nói, khung đánh giá của ADB phù hợp với việc xây dựng các chương trình chiến lược cấp quốc gia và khu vực về sử dụng và quản lý bền vững tài nguyên nước. Hơn nữa, vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước được xây dựng, đánh giá dựa trên thực trạng của các nước châu Á nên có sự tương thích cao đối với điều kiện Việt Nam hiện nay.

Áp dụng chế tài nghiêm ngặt

Ông Nguyễn Đắc Hoàn, đại diện Tổ chức hợp tác Ngành nước Cộng hòa liên bang Đức cho biết, đối với quản lý nhà nước về tài nguyên nước, Chính phủ Đức đã xây dựng các Luật về môi trường nước, Luật chống ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn nước với những chế tài nghiêm ngặt, đồng thời kiểm soát rất chặt chẽ việc thực hiện. Chẳng hạn như, các nhà máy cấp nước phải có trách nhiệm bổ trợ nguồn nước ngầm để bù đắp cho lượng mà công ty khai thác, thông qua việc xây dựng các cánh đồng ruộng cát nhân tạo, bơm nước vào các ruộng cát này và lớp cát chính là lớp lọc tự nhiên, lọc các chất thải thô trước khi nước được thấm xuống đất, bổ trợ cho nước ngầm.

Cộng hòa liên bang Đức cũng khoanh vùng các khu vực “bảo vệ nguồn nước” và các công ty nước liên hệ với các hợp tác xã nông nghiệp, các chủ đồn điền, nông trại không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón, tránh gây ô nhiễm nguồn nước hoặc chỉ được sử dụng những hóa chất với hàm lượng và số lượng cho phép trong những thời điểm nhất định. 

Trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước, Chính phủ này đưa ra những quy định nhằm giảm việc bê tông hóa mặt đất. Việc giảm bê tông hóa bề mặt đã giúp nguồn nước ngầm được bổ trợ khi mưa xuống và cũng giúp giảm được úng lụt cục bộ do phần lớn nước mưa đã được thấm, thoát tự nhiên. Các công ty, hộ gia đình phải trả phí nước thải và nước mưa tính theo tỷ lệ bê tông hóa trong khuôn viên như mái nhà, sân vườn... Lượng nước thải được tính bằng số nước sạch mà các hộ gia đình, doanh nghiệp sử dụng.

Nhìn chung, các giải pháp nhằm đánh giá an ninh nguồn nước trên thế giới cho thấy, các vấn đề liên quan về nguồn cung cấp, vệ sinh nguồn nước và khả năng tiếp cận nguồn nước là những vấn đề cốt lõi để đảm bảo an ninh nguồn nước tại cấp quốc gia, khu vực và cộng đồng địa phương. Trong đó, nguyên tắc thực hiện của các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước là cần dựa trên cơ chế sử dụng hài hòa và hợp lý tài nguyên nước, bảo đảm được các lợi ích về kinh tế, an ninh quốc phòng của mỗi quốc gia.

Diệu Thúy 
Theo TTXVN

XÂY DỰNG MÔ HÌNH TÔM LÚA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

GIẢI PHÁP NÀO CHO THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

XẢ THẢI BỨC TỬ NGUỒN NƯỚC NHỮNG HÌNH ẢNH KINH HOÀNG Ở BẮC NINH

Đằng sau những ánh sáng trắng

Local knowledge research in the Mekong delta

Tra cứu ấn phẩm
Nhận bản tin