Thay đổi để thích nghi với một Cửu Long đang "khát nước"
Đăng ngày: 30 Tháng Ba 2020 | Source: www.warecod.org.vn
Trước ảnh hưởng hạn mặn, nhiều nhà vườn Bến Tre, Tiền Giang không còn nước ngọt hoặc không có nước ngọt để tưới cho cây trồng. Nhà vườn buộc phải chi số tiền lớn để mua nước từ các sà lan về tưới tiết kiệm cho vườn sầu riêng, bưởi da xanh, nhãn... Những hộ dân không đủ điều kiện kinh tế, buộc phải tìm cách khoan giếng để lấy nước ngọt tưới cho cây, sử dụng sinh hoạt hàng ngày.

Linh hoạt trong sử dụng nước

Tại Bến Tre, tỉnh có quy định không được khoan giếng để hạn chế lấy nước ngầm bởi việc khoan giếng lấy nước sử dụng tràn lan sẽ khiến nguy cơ đất bị sụt lún, nhiễm mặn, ngập úng, thoái hóa đất... ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân. Thế nhưng hiện nay trên địa bàn huyện Châu Thành, huyện Chợ Lách, huyện Ba Tri, thành phố Bến Tre... đều xuất hiện trường hợp người dân khoan giếng để lấy nguồn nước sử dụng sinh hoạt, tưới cây trong đợt hạn mặn.

Chị H.Y,  xã Phú Hưng, thành phố Bến Tre cho biết, năm 2016, mặn xâm nhập, nguồn nước máy cũng bị mặn không sử dụng được nên gia đình đã xin phép chính quyền khoan giếng lấy nước sử dụng. Nguồn nước từ giếng ban đầu bị nhiễm phèn nhưng nay không bị ảnh hưởng. Nhờ có giếng này mà đợt hạn mặn năm nay, gia đình chị Y không phải sử dụng nước nhiễm mặn như hầu hết người dân ở Bến Tre và còn chia sẻ cho bà con xung quanh.

Không may mắn như gia đình chị Y, gia đình bà Nguyễn Thị Nguyệt (xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cũng đào giếng tìm nước ngọt để cứu 5.000 m2 vườn cây nhưng đào hơn 8m vẫn không có nước. Nhìn vườn đu đủ trồng xen với mít úa lá, ngọn khô do lâu ngày không được tưới mà bà Nguyệt chỉ biết xót ruột. 

Cũng có 3.000 m2 trồng sầu riêng, biết mặn xâm nhập nên gia đình bà H.T.Đ, xã Tiên Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đã trữ nước trong ao trải bạt để tưới nhưng chưa hết mặn thì nước đã hết. Gia đình không thể mua nước ngọt để tưới vì chi phí tốn kém. Bà Đ. nhẩm tính, mỗi tháng tưới tiết kiệm thì tốn cũng hết trên 5 triệu đồng tiền mua nước. Vì vậy bà Đ. làm đơn xin được khoan giếng để lấy nước cứu cây. 

Ông Dương Văn Phúc - Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết, hiện nay, do nhu cầu sử dụng nước giếng khoan của người dân rất cao, trong khi đó tỉnh lại quy định cấm nên nhiều nơi trên địa bàn huyện rất lúng túng trong xử lý. Khoan giếng chi phí thấp hơn mua nước ngọt từ các sà lan. Mỗi giếng khoan chỉ tốn khoảng 1 - 2 triệu đồng, sử dụng được thời gian lâu; trong khi đó nếu mua nước từ các sà lan chi phí tốn kém rất nhiều bởi mỗi m3 nước có giá từ 60.000 - 70.000 đồng.

Trước tình trạng thiếu nước ngọt và nhu cầu cấp bách của người dân như hiện nay, ông Nguyễn Hữu Lập - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre chia sẻ, địa phương cần linh hoạt trong quản lý khai thác tài nguyên nước, sử dụng giếng khoan trong thời gian ngắn sau đó ngưng để giảm tác động tiêu cực đến nguồn nước, môi trường lâu dài.

Còn tại Tiền Giang, UBND tỉnh đã quyết định phương án vận chuyển nước ngọt bằng sà lan để chống hạn, mặn phục vụ tưới cho cây ăn trái, trước mắt cho cây sầu riêng trong mùa khô năm nay trên địa bàn các huyện, thị xã phía Tây. Với mỗi 1.000 m2 trồng sầu riêng, người dân được nhận 8 m3 nước ngọt. Thời gian hỗ trợ đến hết tháng 4/2020, với tổng nhu cầu nước tưới gần 1,38 triệu m3. Phương án khẩn cấp này nhằm đảm bảo nước tưới cho diện tích trên 36.000 ha vườn cây ăn trái phía Nam Quốc lộ 1 đang bị thiếu nước thuộc địa bàn các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và thị xã Cai Lậy mà trước mắt là "giải cứu" cho hơn 13.000 ha sầu riêng đang thiếu nước, nhất là số đang bị suy kiệt.

Cho đến thời điểm này, 5/13 tỉnh, thành phố ở Đồng bằng sông Cửu Long đã ban bố tình huống khẩn cấp về xâm nhập mặn là Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang và Cà Mau.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Bá Hoằng - Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho biết, mùa mưa năm 2019 kết thúc sớm làm cho dòng chảy mùa kiệt trên toàn lưu vực sông Mê Kông xuống nhanh và thấp. Do vậy, mặn xâm nhập năm 2019 - 2020 vào Đồng bằng sông Cửu Long sớm hơn gần 1 tháng so với năm 2015-2016 và sâu hơn từ 3 - 7 km (tùy cửa sông).

Nghị quyết 120 của Chính phủ là chìa khóa phát triển Đồng bằng sông Cửu Long

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long phân tích, ranh giới mặn - ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long là sự “tranh chấp” ngày đêm giữa sông và biển. Khi nào nước sông yếu thì biển mạnh, lấn vào sâu. Năm nào nước lũ trên sông Mê Kông thấp thì mùa khô năm sau sẽ gay gắt. Thực tế này đã từng diễn ra trong đợt hạn, mặn lịch sử hồi năm 2016 và tiếp tục lặp lại trong năm 2020.

Cũng theo ông Thiện, năm 2016 tuy đã có dự báo trước nhưng là lần đầu tiên nên cả hệ thống nông nghiệp và người nông dân đều bị bất ngờ, vì vậy thiệt hại lớn. “Đối với năm 2020, tuy dự báo hạn, mặn gay gắt bằng hoặc hơn cách đây 4 năm nhưng do đã có kinh nghiệm nên ngành chức năng đã có chủ động, nông dân được thông báo sớm, việc dịch chuyển thời vụ được tiến hành nên chúng ta có thể kỳ vọng là hạn, mặn có thể gay gắt hơn nhưng thiệt hại sẽ thấp hơn 2016”, ông Thiện nói.

Giải pháp để ứng phó với hạn, mặn về lâu dài, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, cần dựa vào tình hình của các năm bình thường; không nên thấy tình hình năm 2016 và 2020 rồi vội vàng kết luận rằng đây là tình hình chung, đồng bằng càng ngày càng thiếu nước. Nếu lấy hai năm này làm chuẩn để xây dựng một chiến lược ứng phó chung thì chúng ta sẽ đi quá đà. Chiến lược lâu dài thì phải dựa trên nhiều năm, trong đó có những năm phi cực đoan và có kế hoạch dự phòng cho những năm cực đoan.

Ông Nguyễn Hữu Thiện nhấn mạnh, trong bối cảnh này, Nghị quyết 120 của Chính phủ chính là lời giải cho chiến lược lâu dài ở Đồng bằng sông Cửu Long và cần dự phòng thêm tình huống cực đoan, trong đó chú ý đặc biệt đến nhu cầu nước sinh hoạt vùng ven biển. Cụ thể, cần kết hợp giữa phương thức truyền thống như lu, khạp, ao, mương với công nghệ hiện đại như công nghệ nano, công nghệ bốc hơi, thẩm thấu ngược để có thể trữ nước sinh hoạt cho cư dân ven biển. Chìa khóa trung tâm của vấn đề Đồng bằng sông Cửu Long là chuyển hóa nền nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 120 từ thuần túy sản xuất chạy theo số lượng sang tập trung vào chất lượng. Số lượng ít hơn nhưng sạch hơn, giá trị cao hơn, đa dạng hơn. Việt Nam đã thoát đói từ lâu, bây giờ muốn giàu thì phải thay đổi cách làm khác. Một vùng đồng bằng trù phú như Đồng bằng sông Cửu Long không có lý do gì nghèo được.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Giáp, giảng viên Khoa Quản lý Nhà nước - Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, nhà nghiên cứu cấp cao về chính sách nông nghiệp theo Sáng kiến chính sách công hạ lưu sông Mekong (LMPPI) tại Đại học Fulbright Việt Nam nhận xét, với tình trạng xâm nhập mặn ở mức cao, thiếu nước ngọt trầm trọng, hàng chục ngàn ha lúa chết khô, nhiều người dân đã mất trắng thu nhập trong vụ sản xuất vừa qua. Thêm vào đó, sau đợt hạn mặn, người dân sẽ tốn thêm thời gian, chi phí để rửa mặn đất đai. Đối với nông dân trồng cây ăn trái bị ảnh hưởng hạn mặn, thiệt hại sẽ càng lớn hơn bởi thời gian để phục hồi lại vườn cây lâu hơn, có thể mất tới vài năm.

Theo quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Văn Giáp, về lâu dài, người dân Đồng bằng sông Cửu Long cần xác định sẽ sống chung với các hiện tượng biến đổi khí hậu, trong đó có xâm nhập mặn. Vì vậy, cần thay đổi cơ cấu sản xuất theo hướng chuyển đổi sang các loại cây trồng, vật nuôi ít sử dụng nước hơn hoặc các giống chịu được hạn mặn. Song song đó, Nhà nước cần đầu tư hệ thống thủy lợi đồng bộ đủ khả năng tích trữ nước ngọt và làm rào chắn ngăn chặn xâm nhập mặn, hỗ trợ người dân và cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ vào việc tiết kiệm nước và lọc nước…

Hạn hán, xâm nhập mặn năm 2020 ở Đồng bằng sông Cửu Long đã được các cơ quan chức năng dự báo từ tháng 7/2019. Các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó với tình hình trên, như đẩy sớm lịch thời vụ vụ lúa Đông Xuân 2019 - 2020; tuyên truyền, thông tin liên tục cho người dân biết được diễn biến xâm nhập mặn; hướng dẫn các biện pháp tích nước, trữ nước… Nhờ đó, đến thời điểm này đã giảm thiểu thiệt hại do hạn mặn đối với sản xuất nông nghiệp so với cách đây 4 năm. Diện tích lúa ảnh hưởng là khoảng 39.000 ha, bằng 9,6% so với năm 2015 - 2016. 

Dù khốc liệt chưa từng có nhưng thiệt hại do hạn mặn gây ra đã giảm hơn rất nhiều. Có được điều đó chính là nhờ sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành, địa phương và sự chủ động của người dân trước thiên tai. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến những nỗ lực đáng ghi nhận của các cơ quan chuyên ngành như Tổng cục Phòng chống Thiên tai, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam… Tất cả đã cùng góp vào công cuộc phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại và ứng phó với thiên tai đang ngày càng phức tạp, khó lường ở vùng đất trù phú nhất của cả nước, bảo vệ cuộc sống, sinh kế của hơn 21 triệu người dân.

Nhóm Phóng viên TTXVN tại Đồng bằng sông Cửu Long

XÂY DỰNG MÔ HÌNH TÔM LÚA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

GIẢI PHÁP NÀO CHO THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

XẢ THẢI BỨC TỬ NGUỒN NƯỚC NHỮNG HÌNH ẢNH KINH HOÀNG Ở BẮC NINH

Đằng sau những ánh sáng trắng

Local knowledge research in the Mekong delta

Tra cứu ấn phẩm
Nhận bản tin