Trách nhiệm với tài nguyên nước
Đăng ngày: 25 Tháng Ba 2020 | Source: www.warecod.org.vn
Tiếng chuông cảnh báo nguy cơ biến đổi khí hậu đã được gióng lên trên thế giới từ hơn một thập kỷ nay và ngày càng trở nên khẩn cấp, giục giã hơn. Hậu quả của nó đã và đang hiển hiện rõ rệt với những biến đổi bất thường, khó lường.

Chưa bao giờ tài nguyên nước lại trở nên quý hiếm như những năm gần đây khi nhiều dòng sông bị suy thoái, nước trong các ao, hồ cạn kiệt vào mùa khô. Nhiều con sông, đoạn sông đang “chết” dần vì ô nhiễm, cạn kiệt ở hạ lưu sông do các công trình thủy điện, thủy lợi trong khi nguồn nước ngầm ngày càng suy giảm do khai thác quá mức. Hạn mặn diễn ra khắp nơi trong tiếng thở dài của người dân vựa lúa “chín rồng”…

Cũng chính trong bối cảnh đó, chúng ta nhận thấy tài nguyên nước đang ẩn chứa nhiều yếu tố không bền vững. Các kết quả nghiên cứu gần đây ở Việt Nam dự báo, tổng lượng nước mặt của nước ta vào năm 2025 chỉ bằng khoảng 96%. Đến năm 2070, xuống còn khoảng 90% và năm 2100 chỉ còn khoảng 86% so với hiện nay. Lượng nước mặt bình quân đầu người ở nước ta hiện nay đạt khoảng 3.840 m3/người/năm. Nếu tính tổng lượng tài nguyên nước sông ngòi ở Việt Nam (kể cả nước từ bên ngoài chảy vào) thì bình quân đạt 10.240 m3/người/năm.

Với tốc độ phát triển dân số như hiện nay, đến năm 2025, lượng nước mặt tính bình quân đầu người ở nước ta chỉ đạt khoảng 2.830 m3/người/năm. Tính cả lượng nước từ bên ngoài chảy vào thì bình quân đạt 7.660 m3/người/năm.

Nếu xét theo chỉ tiêu đánh giá của Hội Tài nguyên nước quốc tế (IWRA), quốc gia nào có lượng nước bình quân đầu người dưới 4.000 m3/người/năm là quốc gia thiếu nước. Như vậy, chỉ tính riêng lượng tài nguyên nước mặt sản sinh trên lãnh thổ, ở thời điểm hiện nay, nước ta đã thuộc số các quốc gia thiếu nước và Việt Nam sẽ gặp phải rất nhiều thách thức về tài nguyên nước trong tương lai gần.

Để tránh một cuộc khủng hoảng sâu rộng trong tương lai, có lẽ cách khả dĩ nhất là chúng ta phải đánh giá lại cách thức sử dụng, phân bổ nguồn nước và đưa ra những quyết định có ý nghĩa chiến lược về nước theo hướng chuyển từ mở rộng nguồn cung sang hạn chế nhu cầu. Nghĩa là, thay vì tiếp tục làm cạn kiệt nguồn nước tìm cách vay thêm từ "ngân hàng nước", chúng ta cần sử dụng tiết kiệm khoản đã vay, điều chỉnh nhu cầu của mình cho phù hợp với nguồn cung nước có hạn, đang bất ổn và dần bị thu hẹp.

Đó là trách nhiệm đối với tương lai. Còn hôm nay, trong bối cảnh, cả thế giới đang gồng mình để chống chọi với đại dịch COVID-19, một trong những khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là rửa tay. Vì thế, nước lúc này đóng vai trò vô cùng quan  trọng là rửa trôi những vi trùng, vi khuẩn, virus còn dính lại trên các vật dụng, cơ thể, để thanh lọc môi trường không khí của chúng ta. Rõ ràng nước và không khí luôn luôn song hành và không thể tách rời đối với mỗi cơ thể sống. 

Nước là tài nguyên quý giá nhất của nhân loại - Chúng ta phải sử dụng nó một cách có trách nhiệm hơn. Chúng ta phải cân bằng tất cả các nhu cầu về nước của xã hội trong khi vẫn đảm bảo những người nghèo nhất, những đối tượng yếu thế không bị bỏ lại phía sau.

Phương Anh
Theo Báo Tài nguyên Môi trường

XÂY DỰNG MÔ HÌNH TÔM LÚA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Tra cứu ấn phẩm
Nhận bản tin