Nguồn nước trên các sông tiếp tục suy giảm
Đăng ngày: 10 Tháng Tư 2020 | Source: www.warecod.org.vn
Tổng cục Khí tượng thủy văn và Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, nguồn nước trên các sông tiếp tục suy giảm và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Công Thành vừa chủ trì cuộc họp trực tuyến nghe các đơn vị báo cáo về hiện trạng nguồn nước, công tác dự báo, cảnh báo và các giải pháp đề xuất ứng phó với tình hình thiếu nước, xâm nhập mặn tại các địa phương trên cả nước.

Tại cuộc họp, Tổng cục Khí tượng thủy văn và Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, nguồn nước trên các sông tiếp tục suy giảm và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.

Tình hình dòng chảy tháng 3/2020 trên sông Đà lớn hơn trung bình nhiều năm (TBNN) 13%; trên sông Thao tại Yên Bái thấp hơn TBNN 35%, trên sông Lô tại Tuyên Quang thấp hơn TBNN 82%; hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội ở mức xấp xỉ TBNN. Tổng lượng dòng chảy trên phần lớn các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 15-65%, riêng sông Cả tại Yên Thượng thấp hơn khoảng 75%, sông Cái Phan Rang tại Tân Mỹ thấp hơn 93%, sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt cao hơn khoảng 14%.

Về hiện trạng nguồn nước và việc vận hành các hồ chứa, trong 11 lưu vực sông thì các lưu vực sông Hồng, Kôn-Hà Thanh, Sê San và sông Đồng Nai, nguồn nước các hồ chứa cơ bản còn đủ để điều tiết đến hết mùa cạn.

Hiện nay, có 6/11 lưu vực sông về tổng thể còn thiếu nước gồm: Mã, Cả, Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Ba. Tuy nhiên, chỉ có lưu vực sông Mã là lưu vực mà các hồ chứa đang thiếu lượng nước đáng kể (khoảng 313,7 triệu m3), trong đó hồ Cửa Đạt chỉ còn lại 19% dung tích hữu ích (thiếu khoảng 252 triệu m3), mực nước hồ Trung Sơn đang dưới mực nước chết. Trong các lưu vực sông còn lại, hiện nay có lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đang có mức độ căng thẳng cao do tình trạng xâm nhập mặn ở sông Cầu Đỏ đang diễn biến phức tạp.

Trên tổng số 34/133 hồ chứa có yêu cầu mực nước tối thiểu của các quy trình có 16 hồ chứa mực nước vẫn đang thấp hơn mực nước tối thiểu là: Cửa Đạt, Trung Sơn, Bản Vẽ, Bình Điền, Đắk Mi 4, A Vương, Sông Bung 2, Sông Bung 4, Đắk Drinh, Nước Trong, Ka Nak, Sông Hinh, Buôn Tua Srah, Thác Mơ, Đăk R’Tih và Đại Ninh.

Theo dự báo thì từ tháng 4 đến tháng 6 ở Bắc Bộ thì lượng dòng chảy trên các sông suối sẽ vẫn tiếp tục thiếu hụt so với TBNN; và đến khoảng tháng 8 ở miền Trung và Tây Nguyên, nguồn nước trên các sông, suối tiếp tục suy giảm và thiếu hụt so với TBNN. Lượng dòng chảy trên các sông thiếu hụt từ 15-70% và khả năng đến tháng 6-8/2020 mới có khả năng cải thiện.

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành giao Tổng cục Khí tượng thủy văn cung cấp các thông tin cảnh báo, nguy cơ thiếu nước trên các lưu vực sông gửi các đơn vị, địa phương liên quan đồng thời gửi Cục Quản lý tài nguyên nước tổng hợp báo cáo chung theo từng tháng, trước mắt là từ tháng 4 đến tháng 9/2020.

Thứ trưởng Thành cũng đề nghị các đơn vị trong lĩnh vực tài nguyên nước tiếp tục tăng cường phối hợp, kịp thời thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn nước cấp cho sinh hoạt và sản xuất cho người dân, đặc biệt là khu vực vùng cao, vùng khan hiếm nước; đề xuất các giải pháp phòng chống hạn hán, thiếu nước nước và xâm nhập mặn hiệu quả.

X.Hinh (Tổng hợp)
Theo Tạp chí Hội dầu khí Việt Nam

XÂY DỰNG MÔ HÌNH TÔM LÚA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

GIẢI PHÁP NÀO CHO THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

XẢ THẢI BỨC TỬ NGUỒN NƯỚC NHỮNG HÌNH ẢNH KINH HOÀNG Ở BẮC NINH

Đằng sau những ánh sáng trắng

Local knowledge research in the Mekong delta

Tra cứu ấn phẩm
Nhận bản tin