Ồ ạt khai thác để chống hạn, tài nguyên nước ngầm ngày càng cạn kiệt và ô nhiễm
Đăng ngày: 08 Tháng Năm 2020
| Source: www.warecod.org.vn
Để có nguồn nước, người dân vùng hạn thường đào giếng, khoan giếng, do đó, mùa khô hạn cũng chính là thời điểm ồ ạt khai thác nước ngầm.
Các tỉnh Nam Trung Bộ đang bước vào giai đoạn đỉnh điểm của nắng hạn, khô khát lan rộng và người dân luôn trong nỗi lo tìm nguồn nước. Người dân vùng hạn xem chuyện đào giếng là công việc đầy may rủi vì có lúc khoan tới mấy ngày, khoan sâu đến cả 100m cũng không có nước, phải dời đi chỗ khác và tiếp tục khoan giếng mới.
Hiện tại, 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận chỉ còn 29 triệu m3 nước, đạt 15% tổng dung tích thiết kế. Nhiều hồ chứa đã cạn kiệt nước. Cũng như những năm trước, người dân vùng hạn một lần nữa phải ngược xuôi tìm nguồn nước bằng cách khoan giếng. Tuy nhiên, có một thực tế rất đáng lo ngại là càng về sau, việc khoan giếng càng gặp khó khăn.
Trong nắng hạn, người dân buộc phải khoan giếng tìm nước, do đó mùa nắng hạn ở Nam Trung Bộ cũng là mùa khai thác nước ngầm. Nông dân dù biết với việc khai thác nước ngầm, nguồn nước càng cạn kiệt, khô hạn càng gay gắt, nhưng ở đây họ không còn lựa chọn nào khác.
Rõ ràng, việc khai thác nước ngầm để chống hạn không thể là lối thoát cho những vùng đất khô khát mà cần phải có giải pháp bằng những công trình thủy lợi dẫn nước về vùng hạn. Ở góc nhìn về tài nguyên nước, việc khai thác nước ngầm ồ ạt, tràn lan là điều hết sức nguy hại. Việt Nam nằm trong nhóm những quốc gia bị thiếu nước, bình quân lượng nước nội sinh tính theo đầu người dưới 4.000 m3/năm. Đáng lo ngại là nguồn nước dưới đất đang bị cạn kiệt và ô nhiễm.
Tại Việt Nam, đối với nước sử dụng cho sinh hoạt, 70% là nước bề mặt, 30% là nước ngầm. Tuy nhiên, lĩnh vực sử dụng nước ngầm nhiều hơn lại là sản xuất nông nghiệp. Theo một kết quả điều tra do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện, hiện nay mỗi ngày lượng nước ngầm được khai thác ở Việt Nam không dưới 10 triệu m3. Xét về tổng thể, so với tổng trữ lượng nước, việc khai thác nước ngầm nằm trong khung an toàn. Điều đáng nói là ở nhiều địa phương lại xảy ra tình trạng khai thác nước ngầm quá trữ lượng, dẫn đến mực nước ngầm bị sụt giảm. Bên cạnh đó, chất lượng nước ngầm bị suy giảm nghiêm trọng với biểu hiện nhiễm mặn ở những vùng ven biển, nhiễm bẩn ở khu vực đô thị.
Làm thế nào để kiểm soát khai thác nước ngầm, qua đó việc khai thác luôn nằm trong giới hạn an toàn là câu hỏi thường xuyên được đặt ra ở những vùng khô hạn, vùng ven biển dễ bị tai biến môi trường. Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc phải thực sự xác định nước ngầm là tài nguyên hữu hạn, cùng với đó là có kế hoạch khai thác hợp lý.
Tấn Quỳnh
Theo Báo Điện tử VTV