Từ 11-15.3, ĐBSCL chịu đợt xâm nhập mặn có thể vượt kỷ lục năm 2016
Đăng ngày: 11 Tháng Ba 2020 | Source: www.warecod.org.vn
Tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục diễn ra gay gắt trong tháng 3.2020, đặc biệt là thời kỳ từ 11-15.3.2020. Đợt hạn hán và xâm nhập mặn này có khả năng gây nhiều thiệt hại.

ĐBSCL cảnh báo rủi ro thiên tai cấp độ 2

Theo Tổng cục Phòng, Chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ngoài đợt xâm nhập mặn đã diễn ra từ ngày 6-10.3, từ hôm nay (11.3), xâm nhập mặn có xu thế tăng dần vào kéo dài đến hết ngày 15.3.2020.

"Độ mặn cao nhất trong đợt này ở mức tương đương và cao hơn đợt mặn ngày 10-13.2 và cùng kỳ năm 2016" - ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, Chống thiên tai (Bộ NNPTNT) cho biết.

Ông cũng đồng thời nhấn mạnh: Đối với chiều sâu ranh mặn 1g/l trong thời kỳ này, tại sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây phạm vi xâm nhập mặn 110-130km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, sông Hàm Luông: Phạm vi xâm nhập mặn 65-95km; sông Cổ Chiên: 60-65km; sông Hậu: 60-67km; sông Cái Lớn: 55-65km;

Đối với chiều sâu ranh mặn 4g/l trong thời kỳ này có khả năng diễn ra tại các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây: Phạm vi ngập mặn 87-110km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại: 55-60km; sông Hàm Luông: 68-78km; sông Cổ Chiên: 55-68km; sông Hậu: 60-67km; sông Cái Lớn: 50-58km.

"Từ thời điểm này, ĐBSCL bước vào mức độ 2 về rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn" - ông Trần Quang Hoài cảnh báo.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, xâm nhập mặn các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn duy trì ở mức cao tới cuối tháng 4.2020, sau đó xâm nhập mặn có khả năng giảm dần.

"Tuy nhiên, trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập, sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trầm trọng hơn" - ông Vũ Đức Long - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo.

10/13 tỉnh ĐBSCL bị thiếu nước, thiệt hại rau màu

Theo Tổng cục Phòng, Chống thiên tai, mặc dù áp dụng nhiều biện pháp ứng phó, nhưng do tình trạng hán hán, xâm nhập mặn quá sâu, những thiệt hại ban đầu tại khu vực ĐBSCL đã rất rõ rệt.

Xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh từ tháng 12.2019 và liên tục tăng cao cho đến nay, hiện đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ở ĐBSCL (trừ An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ).

Cụ thể, tại Cà Mau, hạn hán, xâm nhập mặn đã khiến gần 16.555ha lúa tôm và 10.644ha lúa Đông Xuân cùng 3,6ha rau màu bị thiệt hại. Hiện nay, có 3.568 hộ ở Cà Mau thiếu nước sinh hoạt;  hạn hán đã gây 887 điểm (21.167m) sụp lún ven bờ kênh; gây sự cố xoáy lở đáy Cống Trùm Thuật Nam, huyện Trần Văn Thời.

Tại tỉnh Bến Tre, có gần 105ha lúa Thu - Đông bị thiệt hại; 5.000ha lúa Đông Xuân sinh trưởng và phát triển chậm (khả năng cao bị mất trắng). Toàn bộ người dân trên địa bàn tỉnh đều bị ảnh hưởng do nước sinh hoạt bị nhiễm mặn.

Tại tỉnh Trà Vinh, thiệt hại 624ha lúa Đông Xuân từ 30 - 70%. Tổng số hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt: 8.662 hộ (huyện Càng Long, Châu Thành).

Tại tỉnh Vĩnh Long, tổng số hộ dân bị ảnh hưởng nhiễm mặn nguồn nước sinh hoạt là 66.200 hộ (huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít và Tam Bình).

Tại tỉnh Kiên Giang, thiệt hại hoàn toàn 172ha lúa mùa (huyện An Minh), 1.503ha lúa Đông Xuân (30 - 70%).

Tại tỉnh Sóc Trăng, thiệt hại 1.000ha lúa Đông Xuân…

Vũ Long
Theo Báo Lao động

XÂY DỰNG MÔ HÌNH TÔM LÚA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

GIẢI PHÁP NÀO CHO THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

XẢ THẢI BỨC TỬ NGUỒN NƯỚC NHỮNG HÌNH ẢNH KINH HOÀNG Ở BẮC NINH

Đằng sau những ánh sáng trắng

Local knowledge research in the Mekong delta

Tra cứu ấn phẩm
Nhận bản tin