Các quy định về an toàn đập hiện nay đều đang giao phó hoàn toàn cho chủ đầu tư. Theo thông tư quy định về việc quản lý an toàn đập thủy điện được Bộ Công thương ban hành tháng 10.2010, việc nghiệm thu để đưa công trình vào khai thác sử dụng đập do chủ đầu tư quyết định, trừ các đập lớn do Hội đồng nghiệm thu nhà nước thực hiện.
Theo TS Bùi Trung Dung, Cục phó Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), về nguyên tắc, chủ đầu tư chịu trách nhiệm với sản phẩm mình làm ra. Nếu không đủ năng lực, chủ đầu tư phải thuê các đơn vị tư vấn thiết kế và các tổ chức thẩm định độc lập. Nhưng để bớt chi phí, nhiều nhà đầu tư đã kiêm luôn cả ba chức năng là chủ đầu tư, tư vấn thiết kế và giám sát (thông qua việc lập nên các công ty khác nhau). Nhưng trong thực tế, theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nhiều chủ đầu tư tư nhân thậm chí không hề có kinh nghiệm làm thủy điện.
Trong khi đó, cơ quan quản lý giám sát gần nhất với các thủy điện nhỏ hiện nay theo phân cấp là các Sở Công thương lại chưa đủ năng lực, hoặc do bộ máy không đủ nhân lực để đảm nhận nhiệm vụ giám sát quản lý với an toàn các đập trên địa bàn. Dẫn lại câu chuyện vỡ đập Đăk Mek 3, ông Bùi Trung Dung cho rằng sai sót lớn nhất về mặt quản lý nhà nước là Sở Công thương đã thiếu theo sát kiểm tra tiến độ dự án, dẫn tới “bỏ lọt” con đập dài hơn 100 m đã được thi công rất ẩu.
Trả lời câu hỏi trong một tháng xảy ra hai sự cố công trình thủy điện tư nhân có cho thấy việc cấp phép thủy điện đang có vấn đề hay không, tại cuộc họp báo chiều 3.12, ông Lê Tuấn Phong, Tổng cục phó Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương), cho rằng việc lập quy hoạch thủy điện trên địa phương do UBND tỉnh gửi Bộ Công thương thỏa thuận, sau khi thống nhất thì địa phương phê duyệt với các công trình có công suất dưới 30 MW. Việc đánh giá tác động môi trường do các sở và UBND tỉnh thực hiện, trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư có tuân thủ không là trách nhiệm của UBND tỉnh.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc phân cấp cho địa phương được cấp phép và quản lý với dự án thủy điện nhỏ, trong khi nhiều địa phương lại thiếu thông tin, thiếu kinh nghiệm, nhân lực quản lý khiến chất lượng các dự án thủy điện đang bị thả nổi. Khi sự cố xảy ra, quả bóng “trách nhiệm” lại bị đá lòng vòng. Ông Trần Viết Ngãi cho rằng, cần sớm hạn chế tối đa và tiến tới chấm dứt không cho làm thủy điện nhỏ và vừa.