Sông ngòi Trung Quốc bên bờ vực sụp đổ
Đăng ngày: 04 Tháng Chín 2014 | Source: World Rivers Review

Với một nửa số lượng các đập lớn trên thế giới đang nằm trên lãnh thổ của mình, Trung Quốc hiện là trung tâm của việc xây dựng đập toàn cầu. Một báo cáo mới cảnh báo rằng việc xây dựng đập một cách liều lĩnh đã đẩy hệ sinh thái sông tại quốc gia này đến bờ vực sụp đổ.

Từ những năm 1950, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng đập, nắn dòng, chuyển hướng dòng chảy và gây ô nhiễm các dòng sông nhằm phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng. Rất nhiều dự án được triển khai dưới thời Mao Trạch Đông và những người kế nhiệm của ông đã gây ra những tác động thảm khốc cho môi trường, xã hội và kinh tế.

 

Trong thiên niên kỷ mới, chính phủ Trung Quốc đã nhận ra rằng chương trình xây dựng đập liên tục đã đe dọa làm lung lay sự thịnh vượng và ổn định lâu dài của đất nước. Năm 2004, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã đình chỉ việc xây dựng đập trên sông Nộ Giang và sông Kim Sa (thượng nguồn sông Dương Tử), bao gồm một dự án tại khu vực khe Hổ Nhảy kỳ vĩ. Chính phủ cũng đã thành lập các khu bảo tồn thủy sản và tăng cường các hoạt động hướng dẫn về môi trường.

 

Việc gia tăng khủng hoảng khí hậu đã kết thúc giai đoạn tương đối thận trọng trong việc xây dựng đập. Năm 2009, chính phủ Trung Quốc đã cam kết giảm cường độ carbon từ nền kinh tế của mình xuống 40-45% đến năm 2020. Kết quả là, chính phủ đã phát động một nỗ lực mới xây dựng đập không ngừng nghỉ trong Kế hoạch năm năm lần thứ 12 của mình (2011 – 2015).

 

Kế hoạch hiện tại cam kết phê duyệt 160 GW công suất thủy điện mới cho tới năm 2015 - nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong lịch sử. Nó ưu tiên 50 nhà máy thủy điện lớn trên các dòng sông bao gồm Kim Sa (thượng nguồn sông Dương Tử), Lan Thương (thượng nguồn sông Mê Kông), sông Yarlung Tsangpo, và thượng nguồn sông Hoàng Hà. Kế hoạch này cũng cho phép xây dựng 5 trong số 13 con đập trên sông Nộ Giang mà chính phủ đã dừng lại vào năm 2004.

 

Cảnh báo về tốc độ xây dựng đập mới, các chuyên gia từ nhiều tổ chức môi trường Trung Quốc gần đây đã xuất bản tài liệu mà họ goi là "báo cáo cuối cùng" về các dòng sông của Trung Quốc. Báo cáo nhấn mạnh bốn vấn đề chính với làn sóng hiện tại của phát triển thủy điện:

• Các con đập đang làm hệ sinh thái nước ngọt của Trung Quốc xuống cấp nghiêm trọng. Chúng đang làm cho sông hồ khô cạn, làm ngập lụt vùng đồng bằng màu mỡ, và ảnh hưởng đến khả năng tự làm sạch của các con sông. Kết quả là, hồ Tam Hiệp và các hồ chứa khác đã bị biến thành bãi rác. Cá heo sông Trung Quốc, vốn quen sống tại các vùng nước của sông Dương Tử trong 20 triệu năm, bây giờ đã tuyệt chủng, các loài nước ngọt khác cũng đang bị đe dọa. Các khu bảo tồn cá (tạo ra để giảm thiểu tác động của việc xây dựng đập) chỉ tồn tại trên giấy, hoặc đã được cắt giảm để nhường chỗ cho nhiều con đập hơn.

• Các con đập làm cho cộng đồng người nghèo càng nghèo đi. Theo cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo, việc xây dựng đập đã khiến 23 triệu người ở Trung Quốc phải di dời. Những người di cư thường xuyên bị các quan chức tham nhũng tại địa phương lừa và bắt nạt bởi, các công việc được hứa hẹn hoặc đất đai tái định cư thường không có thực. Vì việc xây dựng đập chuyển lên thượng nguồn vào các khu vực miền núi, các dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng đặc biệt bởi họ phải di dời đi nơi khác.

• Các hồ chứa đang gây ra bất ổn địa chất cho các thung lũng sông vốn dĩ mong manh, tạo ra sạt lở đất thường xuyên, và làm tăng nguy cơ xảy ra động đất. Các nhà khoa học cho rằng đập Tử Bình Phô ở Tứ Xuyên có thể đã gây ra trận động đất Vấn Xuyên, làm chết ít nhất 69.000 người hồi tháng 5 năm 2008. Bậc thang thủy điện ở các thung lũng có hoạt động địa chấn mạnh mẽ ở phía tây nam Trung Quốc là một mối quan ngại đặc biệt trong việc kích hoạt các trận động đất và lại bị ảnh hưởng bởi chính những trận động đất này.

• Quá trình ra quyết định nằm trong tình trạng hỗn loạn, các quy định của chính phủ không phù hợp cho cuộc chạy đua xây dựng đập mới. Kế hoạch lưu vực sông tổng quan và đánh giá tác động môi trường gần như luôn luôn được thực hiện sau khi bắt đầu xây dựng đập. Các dự án lớn như đập Khê Lạc Độ và Xiangjiaba thậm chí đã bắt đầu xây dựng trước khi chúng có được phê duyệt cuối cùng.

 

Ngay cả khi các ngành công nghiệp năng lượng chuyên sâu tiếp tục bị quá tải, Trung Quốc vẫn sử dụng năng lượng kém hiệu quả hơn so với các nước ở mức độ phát triển tương đương. Con đường phát triển tốn ít năng lượng là điều cần thiết để giảm áp lực lên hệ sinh thái của Trung Quốc. Cũng trong thời điểm này, một báo cáo mới đã đề xuất một hệ thống "vạch đỏ sinh thái", tương tự như WSR (Wild and Scenic Rivers) ở Mỹ, điều này có thể bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng thay vì bị ngănđập.

 

Kể từ khi báo cáo được công bố, các nhà hoạt động đã tìm thấy hy vọng mới. Trong tháng 4, Quốc hội Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường mới mà lần đầu tiên người ta có thể thấy trước hình phạt nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm và cho phép các tổ chức môi trường để nộp đơn kiện vì lợi ích của cộng đồng. Cũng trong khoảng thời gian này, Thủ tướng Chính phủ mới Lý Khắc Cường đã bày tỏ quan ngại về chất lượng của các dòng sông Trung Quốc.

 

Số phận một số dự án gây tác động nghiêm trọng hiện vẫn chưa ngã ngũ. Các nhà hoạt động hy vọng rằng chính phủ sẽ từ chối phê chuẩn việc xây dựng đập Tiểu Nam Hải, công trình sẽ làm một phần của khu bảo tồn cá quan trọng nhất trên sông Dương Tử bị nhấn chìm và đập Songta trên sông Nộ Giang sẽ ảnh hưởng đến di sản thế giới Tam Giang Tịnh Lưu. Có thể vẫn còn quá sớm để viết văn bia cho các dòng sông của Trung Quốc.

 

Peter Bosshard
Nguyễn Thị Xuân Quỳnh (dịch)

XÂY DỰNG MÔ HÌNH TÔM LÚA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

GIẢI PHÁP NÀO CHO THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

XẢ THẢI BỨC TỬ NGUỒN NƯỚC NHỮNG HÌNH ẢNH KINH HOÀNG Ở BẮC NINH

Đằng sau những ánh sáng trắng

Local knowledge research in the Mekong delta

Tra cứu ấn phẩm
Nhận bản tin