Biển lấn làng chài
Đăng ngày: 14 Tháng Bảy 2012 | Source: www.warecod.org.vn
Người dân vùng ven biển bán đảo Cà Mau đã quen ở nơi đầu sóng, ngọn gió. Nếu ở cạnh phía biển đông ngán nhất vào mùa gió chướng thì cánh rừng ven phía biển tây lại âu lo tới mùa gió Nam. Khi thời tiết bất thường, giông gió ầm ầm kéo đến, sạt lở liên miên, con người thực sự mỏng manh.

Cách TP Bạc Liêu chừng 50 km, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) rộng chừng 11,4 km2 nằm cheo leo nơi cửa sông Gành Hào đổ ra biển đông, mật độ dân cư hơn 12.000 người, tính ra hơn 1.000 người/km2. Nhà cửa lô nhô mái tôn, mái lá mọc dày đặc chen chúc ra tận phía chân đê.


Sống nơi đầu gành…

Mấy chục năm trước, nơi đây là làng chài một thời phồn thịnh nhờ tàu bè đánh cá và lưới đáy hàng khơi tề tựu. Giữa tháng 5/2012, theo chân đoàn công tác của Trung tâm Bảo tồn và phát triển tài nguyên nước (Wareccod), các cán bộ giảng dạy, nghiên cứu thuộc Khoa Môi trường và tài nguyên thiên nhiên, Viện Nghiên cứu BĐKH (ĐH Cần Thơ), tôi ngỡ ngàng trước làng chài. Nơi xưa kia mỗi năm phù sa bồi đắp, rừng vươn ra biển hàng trăm mét, nay sóng biển ngày đêm xâm thực cuốn lấy đất rừng.

Bà Phạm Thị Xinh, 63 tuổi ở ấp 1, thị trấn Gành Hào là dân cố cựu, chỉ vào căn nhà nằm gần bờ đê, giãi bày: “Sau ngày giải phóng đến nay, tôi đã 5 lần dời nhà. Từ đê biển nhìn ra hơn một cây số, hồi trước nhà tôi ở đó. Hàng lưới đáy cũng đóng cọc giăng giăng ngoài đó. Biển cứ sạt lở lần hồi, mấy lớp nhà bị sóng đánh trôi, chính quyền xây con đê bê-tông này coi cứng cáp, nhưng mùa chướng (tháng 10, 11) sóng biển đánh vào, nước tràn qua đê như chơi…”.



Đê biển kiên cố khu vực Nhà Mát chưa thể giữ được rừng bên ngoài


Bà Xinh than thở bây giờ khó kiếm sống nếu chỉ trông cậy vào nghề đánh cá ven bờ như trước. Nghề biển ngày nay chỉ dành cho cánh đàn ông, trai tráng khỏe mạnh, muốn có cá tàu phải đi xa hơn. Cánh đàn bà trẻ con ở nhà, ngày vá lưới, lựa cá, tép cho mấy chủ tàu, chủ vựa hoặc lựa ruốc ăn công 2.000 đồng/kg. Một người lựa giỏi lắm chừng 24 kg/ngày.

Cách nhà bà Xinh vài ba căn là căn nhà sàn lợp lá nhỏ xíu nằm dưới chân đê của ông Nguyễn Minh Hồng, 56 tuổi, chuyên nghề đi biển với chiếc ghe cào nhỏ ven bờ. Đó là nơi cư ngụ của một gia đình 7 người, gồm hai vợ chồng và 5 đứa con. Trong đê nước tù đọng và rác rưởi vứt xuống nổi lều bều dưới chân nhà sàn.

Ông Hồng thú thật: Căn nhà như cái chòi đó tôi tự dựng lên che chắn làm chỗ ở qua ngày, chẳng có giấy tờ chứng nhận gì. Chung quy vì nghèo khổ quá, làm bạn đi ghe biển ăn chia với chủ tàu, trúng-thất bất thường. Ngày nay tàu đánh cá ven bờ chỉ đánh được cá nhỏ, cá đù, cá út thay vì nhiều tôm cá như năm mười năm về trước.

Sau cơn bão Linda (số 5) khu vực cửa sông Gành Hào sạt lở dữ dội. Năm 1999, một đoạn đê bao bê tông kiên cố chạy dài 270m bao lấy khu vực thị trấn, vậy mà cuối tháng 11/2001, một đợt triều cường dâng cao, sóng vỗ làm sạt lở các rọ đá một đoạn dài gần 10 m. Con đê được kỳ vọng đem lại sự an toàn nhưng xem ra vẫn mong manh trước sóng biển công phá ngày đêm.


Đê giữ đất rừng?

Đắp đê ven biển để giữ đất rừng, từ Gành Hào về Nhà Mát, TP Bạc Liêu; tới cửa sông Mỹ Thanh, Vĩnh Châu (Sóc Trăng), từng là lối suy nghĩ của chính quyền và các nhà chuyên môn.

Trên mặt đê rộng hơn 6m láng nhựa làm đường ô tô chạy, phía ngoài đê là rừng phòng hộ lưa thưa. Những vạt rừng dày chừng 100m liệu sẽ chịu được sóng biển tới mức nào?

Biển lấn rừng, TS Dương Văn Ni, Giảng viên Khoa Môi trường và tài nguyên thiên nhiên, ĐH Cần Thơ cho rằng: Quy luật tự nhiên, hàng năm sông Hậu, sông Tiền đưa ra biển lượng phù sa lớn. Dòng hải lưu biển đông mang theo phù sa chảy mạnh đưa về phía đất mũi. Dòng nước no phù sa bồi lắng dọc theo vùng ven biển này. Tuy nhiên, nếu vì một lý do nào đó, dòng nước có thể bị đói phù sa gây nên hiện tượng sạt lở, bào mòn dọc theo dòng sông và đổ ra biển hòa cùng dòng hải lưu thọc sâu vào một số vùng ven biển như Gành Hào (Bạc Liêu) hay Nhà Mát gây nên hiện tượng xói lở tự nhiên.

 

TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, ĐH Cần Thơ nhận định: Việc đưa nguồn nhân lực, khai thác biển là không sai, nhưng phải có lộ trình. Nhà nước cần có quy định những ai có điều kiện ra định cư ở vùng có nguy cơ rủi ro bất ngờ, như sóng thần hay giông bão và trong vòng 3 giờ phải làm thế nào di tản người dân khỏi vùng nguy hiểm kịp thời”.

 

Rừng ngập mặn là tấm chắn mềm đang bị hi sinh để con đê bê tông mọc lên. Thay vì làm cho rừng tiến ra biển, bố trí cây rừng theo diễn thế cây bên trong to lớn, bên ngoài là cây nhỏ. Cây to che chắn gió tầng trên, lớp cây tầng dưới ngăn chặn sạt lở. Lẽ ra dựa vào tấm vách thực vật và sự đa dạng loài để làm cho sóng biển bớt hung hăng thì người ta xem đê bê tông là cứu cánh!

TS Ni ý kiến: “Đê biển dù cao cỡ nào cũng không ngăn nổi nước biển tràn qua và cho đến nay chưa có những công trình nào giữ và chống được sự xói mòn của biển. Hà Lan là quốc gia có cách làm tương tự này, đi đầu trong việc lấn biển. Tuy vậy ngày nay họ đang phải tính toán tìm cách nào để trả về với tự nhiên.”

Một buổi sáng ven biển Nhà Mát, TP Bạc Liêu lác đác vài nhóm dân chài trở về sau một đêm bươn chải đẩy xệp lưới cá ven bờ. Các anh Nguyễn Kim Quỳnh, anh Trần Cao Kía…là hai trong số nhiều người ở Nhà Mát ngày ngày ra biển lưới cá, bắt cua.


Anh Kía nói: "Tôi biết ra biển này bắt cá mò cua từ năm 15 tuổi. Hồi đó ven biển Bạc Liêu cá tôm nhiều vô kể, đẩy lưới nửa giờ gánh về không nổi. Còn nay, anh em tôi đã ngoài 40 tuổi, đi từ 10 giờ tối đến sáng bảnh mắt ngày hôm sau. Chừng ấy tôm cá bán được 100 ngàn đồng là quý lắm rồi”. (Còn nữa)

XÂY DỰNG MÔ HÌNH TÔM LÚA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

GIẢI PHÁP NÀO CHO THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

XẢ THẢI BỨC TỬ NGUỒN NƯỚC NHỮNG HÌNH ẢNH KINH HOÀNG Ở BẮC NINH

Đằng sau những ánh sáng trắng

Local knowledge research in the Mekong delta

Tra cứu ấn phẩm
Nhận bản tin