Kè chắn sóng giữ rừng, giữ đê
Đăng ngày: 14 Tháng Bảy 2012 | Source: www.warecod.org.vn
Người dân khu vực bãi bồi đất mũi Cà Mau thường nói “cây mắm đi trước, cây đước theo sau” ví như thế lấn biển nhuần nhuyễn được tự nhiên chọn lựa ở vùng ngập mặn Cà Mau. Mũi Cà Mau nhờ phù sa bồi đắp, rừng lấn ra biển trăm năm trước, mỗi năm lấn hàng trăm mét.


Biến đổi khó ngăn chặn

 

Những năm gần đây tình trạng sạt lở rừng liên miên như một dấu hiệu biến đổi bất thường. Theo khảo sát của Chi cục Thủy lợi Cà Mau, từ đầu năm tới nay ở khu vực mũi Cà Mau, nhiều điểm sạt lở mới đáng báo động như Khánh Hội, Hương Mai, Cái Đôi Vàm… sóng biển ập vào gây xói lở nghiêm trọng. Nhiều vạt rừng phòng hộ có độ phủ dày 300 m, nay chỉ còn 25-30 m. Chỉ hơn 10 năm (1997-2007), từ khu vực đài tưởng niệm ngư dân thiệt mạng trong cơn bão Linda, đến nay sóng biển đã làm chủ khu vực này.

Cà Mau xây dựng dự án thí điểm “Kè ngầm tạo bãi”, dùng cừ ly tâm đóng thành hai hàng xen kẽ, cách nhau 2 m, sau đó đổ đà giằng và bỏ rọ đá vào hộc bên trong với hy vọng giảm lực sóng biển, tạo bãi bồi, giữ và tái tạo đất rừng phòng hộ, bảo vệ đê biển và tuyến dân cư phía trong đê biển.

Đến cuối năm 2010 bờ “Kè ngầm tạo bãi” thí điểm được xây dựng hoàn thành, kết quả thử nghiệm chịu đựng được khá tốt qua mùa mưa bão năm 2011. Tỉnh Cà Mau tiếp tục cho đầu tư ở một số đoạn xung yếu khẩn cấp từ Rạch Vinh tới Hương Mai dài 1.500 m kè ngầm, 300 m kè rọ đá, kinh phí 60 tỷ đồng. Tại mũi Cà Mau đang triển khai làm kè ngầm tạo bãi dài 500 m, tổng kinh phí đầu tư 15 tỷ đồng.


Thành công tạm thời

 

Từ huyện U Minh ra Khánh Hội, chúng tôi đi tàu theo sông Biện Nhị ra hướng biển tây để đến công trình bờ kè chắn sóng. Ra cửa sông, dọc theo bờ biển còn sót lại vài vạt rừng đước nằm ngoài đê với độ dày mỏng tang vài ba chục mét đang đương đầu với sóng biển mùa gió nam này. Đến đoạn “Kè ngầm tạo bãi” chắn sóng, chúng tôi nhận thấy dù liên tiếp từng lượn sóng biển từ xa ầm ập vỗ vào, nước biển tràn qua rồi rút ra nhẹ nhàng. Nhờ những rọ đá bên trong đất dưới chân rừng phòng hộ không bị cuốn đi. Bên trong đất bồi nhô cao và đội kiểm lâm khu vực đã trồng lại đước gây rừng. Nối tiếp đoạn bờ kè thử nghiệm là một khoảng bãi biển trống hoang, không còn rừng. Biển tha hồ đẩy sóng vào tới chân bờ đê.

Ông Trần Quốc Nam, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau cho biết: Đây là đoạn sạt lở nghiêm trọng mấy năm qua, tỉnh phải “chữa cháy” tạm thời bằng cách xốc cừ bản nhựa giữ cả một đoạn đê dài 500m.

Trong khi đó, bên trong đê, vài ba căn nhà dân nóc thấp nhô ngang mặt đê lại lo lắng trước mùa gió nam kéo về. Bà Lê Thị Hoa, 77 tuổi, ấp 1 xã Khánh Tiến, huyện U Minh (Cà Mau) nói: Già này về cất nhà ở dưới chân đê này hồi rừng còn ngoài bờ đê này gần một cây số. Nay đoạn rừng trước nhà biển cuốn mất rồi. Sóng gió mùa Nam đánh vào tràn qua cả mặt đê.


Biển vẫn thừa sức tấn công

 

Trên tuyến biển tây thuộc tỉnh Cà Mau, từ năm 1997 đã xây dựng đoạn đê đất dài hơn 93 km, mặt đê ngang 6m. Hiện thời một số đoạn sóng biển đang uy hiếp đất rừng và áp sát chân đê.

Theo dự kiến dự án xây dựng tuyến đê ven biển từ Quảng Ngãi bao tới Kiên Giang. Trong đó tỉnh Cà Mau có hai mặt tiếp giáp biển đông và biển tây, đoạn đê biển đông nối từ cửa Gành Hào đến sông Bảy Háp dài 85 km và nối qua đê biển tây dài 108 km vẫn được xem là công trình rắn để đương đầu với những biến đổi khác thường.

Tuy nhiên, theo Chi cục Thủy lợi Cà Mau, khó khăn nhất hiện thời vẫn là thiếu vốn đầu tư. Năm 2012 kế hoạch công trình còn nằm chờ triển khai. Tuyến đê biển bức bách nhất là tuyến Lung Ranh-Rạch Vinh-Hương Mai, có đoạn dài 400 m vỡ đê, rừng phòng hộ còn 2-3 m bị sóng đánh cuốn trôi. Cho đến nay trên toàn tuyến đê biển tây, tỉnh Cà Mau tạm ứng vốn ngân sách và nhà thầu ứng vốn trước với tổng kinh phí dự trù 100 tỷ đồng cho các tuyến kè chắn sóng trên tuyến Hương Mai-Rạch Vinh đang thi công đạt 70%; tuyến kè mũi Cà Mau dài 650 m đã hoàn thành được 450 m, đạt 80%.

XÂY DỰNG MÔ HÌNH TÔM LÚA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

GIẢI PHÁP NÀO CHO THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

XẢ THẢI BỨC TỬ NGUỒN NƯỚC NHỮNG HÌNH ẢNH KINH HOÀNG Ở BẮC NINH

Đằng sau những ánh sáng trắng

Local knowledge research in the Mekong delta

Tra cứu ấn phẩm
Nhận bản tin