Nằm trong khuôn khổ dự án “Đẩy mạnh thích ứng địa phương với biến đổi khí hậu trong quản trị tài nguyên nước ở lưu vực sông Gâm” do tổ chức Rosa Luxemburg tài trợ. Từ ngày 23-27/03/2013 hoạt động “Tìm hiểu tác động của biến đổi khí hậu tới vấn đề sức khỏe” đã được nhóm nghiên cứu – Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên Nước (WARECOD) triển khai tại hai thôn Chè Pẻn và Pác Pha, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng.
Qua năm ngày làm việc, Nhóm nghiên cứu cùng các nghiên cứu viên địa phương liệt kê các bệnh mà người dân hay gặp phải trong và sau các sự kiến thời tiết bất thường (nắng nóng kéo dài, rét đậm rét hại, mưa lũ…). Khi thời tiết khô hạn kéo dài (từ tháng 2-4) các bệnh người dân hay gặp phải như: sốt xuất huyết, tiêu chảy, thủy đậu, bỏng dạ, suy nhược cơ thể, da nổi mụn nước… Vào mùa mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 7) thường xuất hiện các bệnh như: tiêu chảy, sốt, cảm cúm, đau bụng, dị ứng thời tiết, bệnh ngoài da…Và các bệnh khi trời rét đậm rét hại (tháng 11 đến tháng 1) như: viêm phế quản, cảm cúm, lên cước,… Do đặc thù về địa hình cũng như kinh tế, những bệnh này có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội và kinh tế của địa phương.
Các nghiên cứu viên cũng chỉ ra rằng, tác động của biến đổi khí hậu tới vấn đề sức khỏe là rất rõ rệt thông qua các dạng thiên tai như hạn hán, sạt lở, lũ quét…Nhiều bệnh sẽ gia tăng dưới tác động của sự thay đổi nhiệt độ và hoàn cảnh, nhất là các bệnh lây truyền qua các vật trung gian như sốt rét (do muỗi truyền), sốt xuất huyết (muỗi), các bệnh lây truyền qua thực phẩm (ngộ độc thực phẩm), bệnh lây truyền qua môi trường nước (các bệnh đường ruột), bệnh lây truyền từ động vật và các bệnh khác (suy dinh dưỡng, bệnh về phổi…).
Biến đổi khí hậu và thiên tai còn gây nhiều ảnh hưởng bât lợi tới các nhóm xã hội dễ bị tổn thương như nhóm người già, phụ nữ, trẻ em và nhóm các hộ nghèo. Thời tiết cực đoan gia tăng dẫn đến nhiều nguy cơ đột biến đối với người nhiều tuổi, người già, người mắc bệnh tim mạch, người mắc bệnh thần kinh…
Nhóm người già và trẻ em là hai nhóm xã hội dễ bị tổn thương khi thời tiết thay đổi do sức đề kháng kém. Còn nhóm phụ nữ, những người dành nhiều thời gian chăm sóc gia đình – đặc biệt là những người ốm- hơn đàn ông, nên mắc các bệnh dễ lây truyền cũng lớn hơn nam giới.
Nhóm các hộ nghèo, do điều kiện vật chất còn khó khăn, bữa ăn không cung cấp được đầy đủ các chất dinh dưỡng nên sức đề kháng yếu, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm cao, khi mắc bệnh thì không đủ điều kiện để chi trả cho việc điều trị. Khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế kịp thời thấp hơn các gia đình có điều kiện kinh tế khá.
Trên đây là những kết quả chính mà nhóm nghiên cứu ghi lại được trong quá trình làm việc với các nghiên cứu viên và người dân địa phương. Các kết quả này nằm trong báo cáo lớn đánh giá về tác động xã hội của biến đổi khí hậu sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay.
Hiên Nguyễn