Sinh kế luôn là một trong những vấn đề được quan tâm đặc biệt, đặc biệt đối với các cộng động ven sông như huyện Phú Tân, tỉnh An Giang.
Huyện Phú Tân là một trong những địa phương nằm trong vùng đê bao Bắc Vàm Nao. Sinh kế của người dân địa phương đã có nhiều cải thiện kể từ khi bao đê giúp tăng vụ từ 2 vụ lên 3 vụ/năm.
Nhưng không cái lợi nào lại không có những tác động kèm theo. Việc bao đê làm cho nước bị ứ đọng trong đồng, cho dù địa phương đã có chính sách xả đê 3 năm 1 lần. Phù sa không còn bồi đắp thường xuyên, nền đất yếu làm gia tăng tốc độ suy thoái đất lên nhiều lần.
Kèm với đó là những bất cập trong việc sử dụng phân bón thuốc bảo vệ thực vật vô cơ, lượng hoá chất đi vào có thể tác động một cách tích cực và tức thời tới chất lượng cây trồng nhưng lại tác động xấu đến chất lượng đất về mặt lâu dài.
Những bất cập trong duy trì sinh kế nói trên sau khi được tìm ra thông qua dự án nghiên cứu tri thức địa phương năm 2013, vẫn là nỗi trăn trở của cộng đồng địa phương.
Nhận thấy việc thay đổi nhận thức là chưa đủ, Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên Nước (WARECOD) phối hợp với Đại học An Giang tổ chức chuyến thăm quan học hỏi kinh nghiệm cho cộng đồng địa phương mà đại diện là thành viên của nhóm nghiên cứu viên ấp Mỹ Hoá 3 – xã Tân Hoà và nhóm giám sát dòng sông ấp Vàm Nao – xã Tân Trung (tiền thân là nhóm nghiên cứu viên ấp Vàm Nao).
Những địa điểm thăm quan được lựa chọn là xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang và xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ.
Việc thăm quan những địa điểm với những mô hình sinh kế bền vững, thân thiện với môi trường, là cơ hội quý báu cho cộng đồng địa phương tiếp thu kiến thức mới và tự rút ra những bài học chuẩn bị cho việc áp dụng tại địa phương.
Mô hình Bò – Bắp – Trùn Quế: Trồng bắp hái trái non, trái non được hái bán cho thương lái, , phần còn lại được sử dụng làm thức ăn cho bò. Phân bò được sử dụng đưa vào hầm nuôi trùn quế. Trùn quế được bán với giá 3000 đồng/kg (bao gồm phân bò đã hoai mục). Ngoài ra, người dân còn tận dụng trùn làm thức ăn cho gà, phân sau nuôi trùn quế được trữ để bán cho các hộ trồng kiểng, hoặc bón cho vườn bưởi nhà. Ngoài ra, chủ hộ chia sẻ về việc sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, tuy không có hiệu quả tức thì nhưng đến vụ 2 trở đi thấy hiệu quả rõ rệt (ít sâu bênh, thiên địch vẫn còn).
Nuôi trùn quế dựa vào nguồn phân hữu cơ tại xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang
Mô hình Bò – Bắp – Biogas: Mô hình nuôi 6 con bò, phân bò được tận dụng đưa vào hầm ủ biogas tạo ra năng lượng sinh khối sử dụng cho đun nấu sinh hoạt cho hai hộ gia đình, nước đầu ra của hầm ủ chưa được sử dụng.
Túi ủ Biogas tại hộ ông Lê Hoàng Thanh xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, Cần Thơ
Mô hình Vườn – Ao - Chuồng - Biogas: Phân heo được sử dụng đưa vào túi ủ biogas, đầu ra từ túi ủ 1 được đưa sang túi ủ 2 (là túi ủ thực vật ở đây chủ hộ dùng bèo tai tượng) đểlàm tăng thời gian của quá trình phân hủy nhằm tăng khả năng tạo khi và hiệu quả phân hủy chất hữu cơ. Chất thải và nước thải đầu ra được sử dụng để nuôi cá, bón và tưới cho vườn nhà. Đối với các mô hình thường người dân có thể dùng chỉ một túi ủ có chiều dài tối thiểu là 8m là đủ cho quá trình phân hủy và tạo khí.
Ông Lê Hoàng Thanh chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hầm, túi ủ biogas
Mô hình hợp tác xã (ủ phân trồng hoa Kiểng): hợp tác xã thành lập năm 2011 khuyến khích và hỗ trợ các hộ dân trong xã thu mua rơm sau quá trình ủ nấm, xử lý ủ và phối trộn thanh phân hữu cơ, sử dụng trồng hoa kiểng bán ngày tết. Đầu vào và đầu ra thông qua hợp tác xã được đảm bảo. Mô hình này góp phần hạn chế ô nhiểm môi trường do đốt rơm và sử dụng phụ phẩm nông nghiệp tăng thu nhập cho người dân, tiết kiệm phân bón trong trồng kiển.
Điểm chung của các mô hình nói trên là việc xử lý và tận dụng nguồn chất thải hữu cơ để trả lại dinh dưỡng cho đất hoặc tái sử dụng cho một sinh kế khác. Trong khi đó, lượng phân thải này thường bị bỏ phí hoặc đem phơi khô bán với giá rẻ tại nhiều địa phương. Một kinh nghiệm thú vị nữa được ông Huỳnh Văn Nhật, xã Mỹ An chia sẻ là việc sử dụng chế phẩm sinh học để bón cho đồng ruộng. Mặc dù hiệu quả chỉ thấy sau 1-2 năm nhưng lại hết sức có lợi cho môi trường cũng như đảm bảo về mặt chất lượng sản phẩm.
Trong số những đại diện cộng đồng tham gia trong chuyến thăm quan, không ít những người có đầy đủ điều kiện để triển khai những mô hình tương tự. Anh Trương Văn Nổi, ngư dân ấp Vàm Nao cho biết:
“Tôi rất thích mô hình nuôi trùn quế, lôi phân bò ra làm. Tôi lại có ao cá nên có thể làm mô hình còn hoàn thiện hơn. Chưa kể nếu làm biogas thì có lời nhiều nữa”
Cùng tham gia trong đợt thăm quan học hỏi còn có đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, đại diện UBND xã Tân Trung và UBND xã Tân Hoà. Dựa trên mong muốn của cộng đồng, Đại học An Giang và đại diện các bên liên quan đã giúp đóng ý kiến về mặt chuyên môn thông qua đánh giá tiềm năng của các nông hộ, cùng cộng đồng lựa chọn ra mô hình thí điểm phù hợp nhất.
Đại học An Giang cùng với WARECOD và các ban ngành liên quan tại địa phương sẽ chịu trách nhiệm theo sát, phát triển mô hình cũng như tìm định hướng nhân rộng mô hình.
Bài & ảnh: Vũ Hải Linh