Công cụ Xây dựng kịch bản kinh tế - xã hội nhằm thích ứng với Biến đổi khí hậu nằm trong bộ công cụ Climatools – do Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu Thụy Điển (FOI) xây dựng. Công cụ này có mục đích hỗ trợ cho địa phương tìm hiểu những định hướng phát triển của địa phương sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tình hình kinh tế - xã hội trong tương lai, trong bối cảnh bị tác động bởi biến đổi khí. Đồng thời các giải pháp thích ứng khác nhau cũng sẽ được xác định để phù hợp với từng điều kiện cụ thể.
Xây dựng kịch bản kinh tế - xã hội trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu được tiến hành theo ba bước làm việc và một bước đánh giá:
1. Xác định mục đích của việc lập kịch bản
Kịch bản có thể được sử dụng theo ba cách khác nhau: (a) xác định cơ hội, thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu và các định hướng phát triển kinh tế, xã hội trong tương lai; (b) xác định các giải pháp thích ứng; (c) đánh giá những giải pháp đó (được hỗ trợ bằng công cụ phân tích lợi ích - chi phí).
Ảnh 1: Cán bộ WARECOD giới thiệu về công cụ Climatool
2. Xây dựng kịch bản
Để xây dựng kịch bản cần xác định:
2.1. Mốc thời gian
Mốc thời gian được chọn tùy thuộc vào mục đích của việc lập kế hoạch dài hạn (20 - 50 năm) hay trung hạn (10 năm). Việc lựa chọn khoảng thời gian này liên quan chặt chẽ với bước sau.
2.2. Lựa chọn kịch bản
Kịch bản gồm hai phần: khí hậu và kinh tế - xã hội trong tương lai. Nếu mốc thời gian được trong phạm vi ngắn, phần khí hậu không cần chia thành nhiều kịch bản khác nhau do mức độ không chắc chắn thấp. Tuy nhiên, nếu chọn mốc thời gian dài thì các dự báo sẽ có độ chênh lệch lớn (tùy thuộc và lượng phát khí thải nhà kính), chính vì thế sẽ có nhiều kịch bản khí hậu hơn.
2.3. Câu hỏi trọng tâm
Câu hỏi trọng tâm sẽ giúp cho đối tượng sử dụng công cụ tập trung phát triển các kịch bản kinh tế xã hội theo hướng thích hợp.
2.4. Các động lực và trạng thái chính
Dựa trên câu hỏi trọng tâm được chọn, những người tham gia sẽ xác định các động lực kinh tế xã hội - là nền tảng để xây dựng kịch bản. Từ đó, họ cũng xác định tầm quan trọng cũng như mức độ không chắc chắn của các động lực trong tương lai. Để có được sự thống nhất, giai đoạn này thường được thực hiện thông qua buổi hội thảo giữa các bên liên quan. Với mỗi động lực và tầm quan trọng cũng như mức độ không chắc chắn tương ứng, một hay một số trạng thái sẽ được hình thành nên. Những động lực có mức độ không chắc chắn cao có thể xây dựng nhiều trạng thái khác nhau trong khi những động lực có mức độ không chắc chắn thấp thường chỉ xây dựng một trạng thái trong khuôn khổ thời gian đã chọn.
2.5. Xây dựng bản mô tả kịch bản
Những động lực quan trọng và có mức độ không chắc chắn cao sẽ được ưu tiên xác định trước và trở thành mấu chốt tạo tính đặc trưng cho từng kịch bản. Các động lực còn lại sẽ được chọn dựa trên những động lực chính đó và có xem xét đến mức độ khả thi, tính tương thích, hợp lý và thách thức.
Ảnh 2: Cán bộ địa phương tham gia đóng góp ý kiến
3. Sử dụng kịch bản
Tùy theo mục đích của việc lập kịch bản mà các kịch bản có thể được sử dụng dưới ba hình thức:
a. Xác định cơ hội và thách thức trong tương lai: đây là ứng dụng phổ biến nhất của các kịch bản. Mục đích nằm nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương về những rủi ro, thách thức địa phương có thể gặp phải trong điều kiện biến đổi khí hậu trong tương lai.
b. Xác định các chiến lược thích ứng để đối phó với các thách thức cũng như để tận dụng những cơ hội (như đã xác định ở phần a). Thông thường, các chiến lược này được xác định theo từng ngành cụ thể.
c. Đánh giá các chiến lược: các chiến lược sau khi đã được xác định với từng kịch bản có thể được đánh giá nhờ sử dụng công cụ phân tích chi phí - lợi ích hay phân tích tác động môi trường. Việc đánh giá này giúp những người ra quyết định có thể xác định được những chiến lược nào là phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của địa phương.
Ảnh 3: Cuộc họp với sự tham gia của nhiều bên liên quan trong quá trình ra quyết định
4. Đánh giá
Để hoàn thiện báo cáo, các thành viên tham gia xây dựng kịch bản đều có cơ hội đánh giá lại toàn bộ quá trình cũng như kết quả thu được để tạo sự đồng thuận.
Trong năm 2012 - 2013, đại diện cho FOI, hai chuyên gia Henrik Carlsen và Annika Carlsson-Kanyama đã hướng dẫn các cán bộ Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên Nước (WARECOD) và hỗ trợ triển khai công cụ này tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Công cụ đã được cán bộ Sở Tài nguyên tỉnh Cao Bằng, huyện Nguyên Bình cũng như các huyện khác trong lưu vực sông Gâm đánh giá cao.
Trong năm 2014, với sự tài trợ của Quỹ Rosa-Luxemburg Stiftung, WARECOD sẽ tiếp tục tiến hành triển khai công cụ Xây dựng kịch bản kinh tế xã hội cùng với cán bộ huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, kết hợp với hoạt động tham vấn các nhóm cộng đồng trên địa bàn huyện.
Thêm một tín hiệu đáng mừng, đó là nhằm thúc đẩy việc thực thi văn bản số 70/UBND-NNTN của tỉnh Hà Giang về việc xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình chủ động ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh Hà Giang, lãnh đạo phòng Tài nguyên Môi trường huyện Bắc Mê đã chủ động đề xuất việc áp dụng công cụ Xây dựng kịch bản kinh tế xã hội nói trên trên địa bàn huyện.
Trong quá trình đó, WARECOD sẽ hướng dẫn lãnh đạo phòng thực hiện các bước nêu trên của công cụ. Dự kiến các hoạt động hỗ trợ huyện Bắc Mê sẽ được tiến hành vào quý 3, 4 năm 2014.
Bài: Bùi Liên Phương
Ảnh: Vũ Hải Linh