Nguồn nước sản xuất của người dân thôn Nà Xiêm
Nằm trong lưu vực sông Gâm, huyện Nguyên Bình và Bảo Lạc là hai huyện nằm ở phía Tây của tỉnh Cao Bằng. Đây là hai huyện có địa hình phức tạp, chủ yếu là đối, núi đá cao và bị chia cắt bởi các dãy núi, các khe, rạch, sông, suối với độ cao trung bình so với mặt biển là 800m. Mặc dù có hệ thống thủy văn tương đối phong phú nhưng do tính chất phức tạp của địa hình khiến cho việc khai thác sử dụng đất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Vào mùa đông và đầu mùa xuân thường xuyên xảy ra khô hạn gây khó khăn cho việc nâng cao hệ số sử dụng đất, mở rộng diện tích đất canh tác cũng như chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Theo
Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Cao Bằng, do địa hình hai huyện có độ dốc lớn, bị chia cắt mạnh nên nếu phương thức canh tác không hợp lý sẽ dẫn đến xói mòn, rửa trôi, hoang hóa đất. Vào mùa mưa dễ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất làm thiệt hại đến tài sản, tính mạng và gây khó khăn cho sản xuất và đời sống nhân dân. Trong những năm gần đây, các sự kiện thời tiết bất thường cũng thường xuyên diễn ra gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân hai huyện. Năm 2013, tại huyện Nguyên Bình đã xảy ra nhiều đợt thiên tai gây thiệt hại về hoa màu, nhà ở và một số cơ sở hạ tầng khác. Toàn huyện có 207 căn nhà bị tốc mái và ngói vỡ do mưa đá ngày 27/3, gió lốc ngày 26/4 và ngày 18/5. Các đợt thiên tai này cũng khiến 03 điểm trường bị tốc mái, sập trần nhựa, 10 tuyến đường giao thông bị sạt ở taluy
[3]… Tại huyện Bảo Lạc, mưa đá ngày 30/3/2013 xảy ra trên địa bàn 5 xã biên giới đã gây ra thiệt hại nặng nề về nhà cửa, khiến 01 người bị thương và 25 trường học bị thiệt hại
[4]…
Người dân xây dựng nhà cửa kiên cố trước mùa bão lũ
Với những đặc điểm trên, đây cũng chính là huyện được chọn để thực hiện hoạt động “
Nghiên cứu tri thức địa phương về thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu” nằm trong khuôn khổ dự án “
Đẩy mạnh sự tham gia trong quá trình ra quyết định liên quan đến biến đổi khí hậu và môi trường ở lưu vực sông Gâm” do Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên Nước triển khai từ tháng 03 đến tháng 09 năm 2014.
Cụ thể, tại huyện Nguyên Bình nghiên cứu được triển khai ở thôn Nộc Soa, xã Ca Thành; tại huyện Bảo Lạc, thôn Nà Xiêm xã Bảo Toàn là nơi được chọn để thực hiện hoạt động này. Đây chính là địa bàn sinh sống của các nhóm dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ… với điều kiện tự nhiên khó khăn, đời sống người dân phụ thuộc vào nông nghiệp và các nguồn lực tự nhiên để duy trì sinh kế, cơ sở hạ tầng chưa phát triển. Họ cũng chính là đối tượng dễ bị tác động nhất trước sự thay đổi của khí hậu và môi trường.
Kết quả nghiên cứu sẽ được chia sẻ tại hội thảo vào tháng 10/2014 tại thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng.
Bài: Nguyễn Hiên