Liệu ASEAN có thể cứu được dòng Mê Kông?
Đăng ngày: 10 Tháng Năm 2017 | Source: thediplomat.com
Theo những cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra, tương lai của một trong những dòng sông lớn nhất thế giới đang trở nên ảm đảm hơn bao giờ hết.

Trong bối cảnh những lo ngại về sự suy thoái của sông Mê Kông đang tăng lên, các nhà chức trách từ bốn quốc gia chịu trách nhiệm về con sông lớn nhất Đông Nam Á đã có cuộc họp vào cuối tuần trước tại Lào, cùng hi vọng tìm ra giải pháp cho 70 triệu người dân sống phụ thuộc vào dòng Mê Kông.

Nhiệm vụ này đã trở nên khó khăn hơn nhiều từ khi các nước phương Tây và Nhật cắt giảm nguồn viện trợ cho Ủy hội Sông Mê Kông (MRC), cùng với đó yêu cầu một cuộc tái cơ cấu cho nhóm này, vốn được kiểm soát bởi bốn quốc gia Việt Nam, Lào, Thái Lan và Cam-pu-chia.

Đây dường như không phải là giải pháp hữu hiệu cho việc quản lý minh bạch một tuyến đường thủy quan trọng như vậy. Nhất là khi khu vực này đang đặt ra ưu tiên cho các chính trị gia Lào và các công ty – đối tượng có thể hưởng lợi từ việc xây dựng chín con đập trên dòng chính sông Mê Kông cũng như hơn 100 con đập ở các khu vực khác.

Cuộc họp thứ 45 của Ủy ban Hỗn hợp Ủy hội Sông Mê Kông tổ chức tại Luang Prabang có ý nghĩa đặc biệt bởi theo đúng tiến độ của thì Lào sẽ sớm tiến hành việc xây dựng con đập thứ ba trên dòng chính sông Mê Kông tại Pak Beng.

Tuy nhiên, cuộc họp đã không công khai giải quyết bất cứ mối quan ngại nào. Thông tin về cuộc họp được chia sẻ dưới dạng một bài viết sơ sài trên chính trang web của MRC và nội dung hoàn toàn bị chi phối bởi chính phủ. Các vấn đề ưu tiên cần được giải quyết trong cuộc họp dường như đã bị chốt giữ ngay từ đầu.

Trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Hỗn hợp của MRC – ông Inthavy Akkharath thừa nhận "chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức to lớn" với "những ảnh hưởng của lũ lụt, hạn hán, biến đổi khí hậu, các dự án phát triển trên dòng chính và tác động xuyên biên giới từ sự phát triển đó".

Ông Akkharath cũng đưa quan điểm: "Với sự tin tưởng và hỗ trợ từ các thành viên khác của Ủy ban, tôi hoàn toàn tin rằng những trở ngại này sẽ dần dần được khắc phục."

Theo định nghĩa của MRC về sứ mệnh của chính mình, Ủy hội này được kỳ vọng sẽ giám sát tất cả các lĩnh vực, bao gồm duy trì nguồn lợi thủy sản, xác định cơ hội cho phát triển nông nghiệp, duy trì tự do hàng hải, quản lý lũ và bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng. Tuy nhiên, sông Mê Kông đã trải qua những thập kỷ được quản lý một cách yếu kém, với khu vực hạ lưu bị tàn phá bởi đập ngăn, hạn hán, xâm nhập mặn, và sự suy giảm sản lượng thủy sản.

Nhiều ngư dân đã “treo lưới”. Hiện nay, phải may mắn lắm họ mới bắt được 15kg cá trên một ngày so với 300kg tại thời điểm một thập kỷ trước.

Ngư dân Cam-pu-chia với kết quả từ năm lần thả lưới. Ông nói rằng công việc đánh bắt cá đang trở nên thảm hại đến nỗi những đứa cháu của ông sẽ không còn có thể tiếp nối nghề truyền thống của gia đình (Ảnh: Luke Hunt)

Tình trạng này dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn với sự gia tăng xây dựng các con đập dọc sông Mê Kông mà MRC gọi là “các dự án phát triển khả thi trên dòng chính”. Trong khi thực tế thì các công trình này sẽ phá hủy môi trường sống tự nhiên và các nấc thang di cư của cá tới khu vực sinh sản.

Nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề như an ninh lương thực, các cơ quan dự quản lý dự kiến đối với Pak Beng giữa các quốc gia MRC, và các chương trình xây dựng đập đầy tham vọng của Lào đã được gửi tới MRC. Những nghi hoặc này đã tạo ra một phản ứng quan liêu dẫn đến một quá trình tham vấn quá dài.

Một người phát ngôn của MRC đã chia sẻ rằng “Ủy ban Hỗn hợp là một cuộc họp quản trị. Vì vậy, cuộc họp đã không thảo luận chi tiết về vấn đề an ninh lương thực hoặc suy giảm sản lượng thủy sản”.

Khi được hỏi liệu cả bốn quốc gia vùng Mê Kông có ủng hộ Pak Beng hay không, người phát ngôn cũng bổ sung thêm: “Không có bất cứ quyết định nào tại thời điểm này và quá trình tham vấn vẫn đang diễn ra”. Tuy nhiên, Lào vừa thông báo rằng Pak Beng, con đập đáp ứng nhu cầu cho một nhà máy điện 912 MWh, sẽ sớm được khởi công. Tại một diễn đàn về vấn đề Pak Beng được tổ chức tại Vientiane thứ Sáu vừa qua, “đại biểu tham dự sẽ có cơ hội góp ý cho Báo cáo đánh giá kỹ thuật sơ bộ của dự án về các tác động xuyên biên có thể xảy ra đối với thủy văn, thủy lực, môi trường, thủy sản, an toàn đập, hàng hải và các vấn đề kinh tế xã hội". Tuy nhiên từ quan điểm của Lào, bất cứ cuộc tranh luận nào về chủ đề này đều chỉ dựa trên giả định rằng các con đập của nước này như Xayaburi và Don Sahong sẽ được xây dựng. Tương lai của các con đập này không còn tranh cãi được nữa. Nhưng số phận của hàng triệu người sống ở các nước hạ lưu và MRC đã tái cấu trúc sẽ phải vật lộn để giải quyết vấn đề này.

Nếu MRC không thể thuyết phục tất cả các quốc gia lắng nghe những ý kiến tư vấn về khoa học và môi trường, từ đó hành động để chống lại việc xây dựng đập thiếu an toàn, Ủy hội sẽ sớm trở thành “con dấu” và là người phát ngôn cho chính phủ Lào; như vậy MRC xem như đã không thể thực hiện sứ mệnh quản lý một tuyến đường thủy quốc tế quan trọng như sông Mê Kông.

Luke Hunt

Xuân Quỳnh dịch

XÂY DỰNG MÔ HÌNH TÔM LÚA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

GIẢI PHÁP NÀO CHO THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

XẢ THẢI BỨC TỬ NGUỒN NƯỚC NHỮNG HÌNH ẢNH KINH HOÀNG Ở BẮC NINH

Đằng sau những ánh sáng trắng

Local knowledge research in the Mekong delta

Tra cứu ấn phẩm
Nhận bản tin