Nghiên cứu tri thức địa phương về bảo vệ và quản lý tài nguyên nước
Đăng ngày: 03 Tháng Mười 2013 | Source: www.warecod.org.vn

Nằm trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy phương pháp tiếp cận lưu vực sông tại tiểu lưu vực sông Gâm” do tổ chức McKnight tài trợ, hoạt động “Nghiên cứu tri thức địa phương về bảo vệ và quản lý tài nguyên nước” được triển khai tại thôn Nà Bó (xã Giáp Trung, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang) từ tháng 03-08/2013. Với việc sử dụng kết hợp nhiều phương pháp khác nhau như: phương pháp Thaibaan, phỏng vấn sâu, quan sát tham gia… cán bộ nhóm nghiên cứu của WARECOD cùng 12 thành viên nhóm nghiên cứu viên địa phương đã tìm hiểu về hiện trạng, cách thức quản lý và bảo vệ tài nguyên nước tại địa phương.


Theo chia sẻ của bác Trương Văn Đỳ - dân tộc Dao, thuộc xóm Nà Pằn, thôn Nà Bó - nước sinh hoạt nhà bác chủ yếu lấy từ một mạch nước gần nhà bằng cách dùng ống nhựa tio nhỏ dẫn nước về nhà. Tuy nhiên, mỗi khi trời mưa là nước sinh hoạt nhà bác lại bị đục. Có những thời gian mưa kéo dài mấy ngày, lượng nước dự trữ hết, gia đình bác phải lấy nước đó để lắng lại sau một vài tiếng rồi dùng. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều hộ gia đình khác ở trong thôn.

 

Ảnh: Nguồn nước mùa mưa tại Nà Bó

 

Người dân Nà Bó quản lý tài nguyên nước chủ yếu dựa theo phong tục. Đó là hình thức quản lý mà người tới trước dùng và có quyền sở hữu trước, người đến sau phải hỏi xin ý kiến người đến trước mới được dùng và lấy nước ở vị trí thấp hơn người tới trước. Nếu cố tình chen ngang, lấy nước ở vị trí phía trên của người đã đến trước thì sẽ gây ra mâu thuẫn, tranh chấp nguồn nước. Anh Bồn Văn Hỵ, trưởng thôn Nà Bó cho biết, ở hai xóm Nà Pằn và Khuổi Lịch (hai xóm người Dao, thôn Nà Bó), tình trạng tranh chấp nước thường xuyên xảy ra, khi đó chính quyền thôn là người đứng ra giảng hòa, giải quyết tình trạng mâu thuẫn. Nếu các hộ chung nhau lấy nước từ cùng một nguồn thì phải thường xuyên kiểm tra, quản lý không cho các hộ khác xâm phạm nguồn nước của mình.

 

Từ thực tế trên có thể thấy, việc quản lý và bảo vệ nguồn nước ở thôn Nà Bó chủ yếu theo nhóm được hưởng lợi, nhóm nào sử dụng thì bảo vệ nguồn nước ấy mà chưa có sự liên kết giữa các nhóm, các xóm trong thôn với nhau. Bởi vậy, việc cùng chung tay bảo vệ và quản lý tài nguyên nước giữa những người dân ở trong thôn là một điều khá mới mẻ và cần thiết tại đây.

 

Trong suốt thời gian nghiên cứu, bên cạnh sự tham gia nhiệt tình không quản ngại địa hình đồi núi, đi lại khó khăn của nhóm nghiên cứu viên, hoạt động nghiên cứu còn thu hút được sự quan tâm của các nhóm cộng đồng khác trong thôn. Từ ban lãnh đạo thôn như bác Nông Sĩ Thiện – phó bí thư thôn Nà Bó, đến những người không nằm trong nhóm nghiên cứu viên. Bác Thiện chia sẻ: "Đây là một hoạt động vô cùng thiết thực đối với bà con. Từ khi có cán bộ dự án đến làm việc, ý thức của bà con về việc giữ gìn vệ sinh nguồn nước được nâng cao hẳn. Trước kia người dân hay vứt rác ra sông, suối nhưng bây giờ hiện tượng đó đã giảm đi rất nhiều".

 

Những kết quả của hoạt động nghiên cứu đã được chia sẻ trong “Hội thảo chia sẻ kết quả dự án nghiên cứu tri thức địa phương” diễn ra ngày 18/09/2013. Trong hội thảo, lần lượt các bài chia sẻ về kết quả dự án đã được các nghiên cứu viên địa phương trình bày với các nội dung như điều kiện kinh tế - xã hội thôn Nà Bó; Thực trang tài nguyên nước thôn Nà Bó và các yếu tố tác động tới tài nguyên nước. Bên cạnh trình bày về các vấn đề nghiên cứu là sự chia sẻ về công tác giám sát chất lượng, bảo vệ dòng sông và các hoạt động liên quan đến nguồn nước trên địa phương.

 

Ảnh: Các nghiên cứu viên chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo huyện và cán bộ WARECOD

 

Hội thảo có ham gia của ông Đặng Xuân Thủy – phó chủ tịch UBND huyện Bắc Mê, ông Bùi Minh Tân – trưởng phòng TNMT huyện, các cán bộ đại diện các phòng ban của huyện cùng đại diện của 4 thôn khác trong xã Giáp Trung. Ông Thủy cho biết ông đánh giá rất cao về những nhận thức của các nghiên cứu viên địa phương trong việc nâng cao nhận thức bảo vệ và quản lý tài nguyên nước trên địa bàn. Cũng qua đó, ông đã có những ý kiến bổ sung và đề nghị đối với các nghiên cứu viên trong việc duy trì và áp dụng những kết quả nghiên cứu vào thực tế để bảo vệ tài nguyên nước hiệu quả hơn.

Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên Nước hi vọng kết quả thu thập được từ dự án sẽ là nền tảng để đưa ra những đề xuất hỗ trợ cho địa phương trong tương lai gần.

 

Tin bài: Nguyễn Thị Hiên & Nguyễn Ngọc Khắc

XÂY DỰNG MÔ HÌNH TÔM LÚA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

GIẢI PHÁP NÀO CHO THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

XẢ THẢI BỨC TỬ NGUỒN NƯỚC NHỮNG HÌNH ẢNH KINH HOÀNG Ở BẮC NINH

Đằng sau những ánh sáng trắng

Local knowledge research in the Mekong delta

Tra cứu ấn phẩm
Nhận bản tin