Phóng sự ảnh: Đê biển – “sự an toàn giả tạo” hay nguy cơ tiềm tàng
Đăng ngày: 08 Tháng Mười 2012 | Source: Dương Hằng
Đê biển Gánh Hào
Để tìm hiểu tác động tiềm tàng của các đập thủy điện dòng chính sông Mê Công tới hạ lưu tại Việt Nam, ngày 12 và 13/5/2012, một đoàn công tác gồm 3 chuyên gia của Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, 5 phóng viên của các báo Tiền Phong, Nông nghiệp, Sài Gòn Tiếp thị, Thanh niên, Tạp chí Cộng Sản) và cán bộ của WARECOD đã có cuộc khảo sát thực tế ở Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng
Nội dung được Đoàn quan tâm trong suốt chuyến đi là các vấn đề liên quan đến sinh kế, xói mòn, sạt lở, sự thay đổi dòng chảy và môi trường sống của các loài sinh vật. Dưới đây là một số hình ảnh được các thành viên của Đoàn ghi lại từ thực địa.




Để kiếm được cá, người dân tỉnh Bạc Liêu này phải đi bộ 8 cây số mỗi ngày bắt đầu từ 9h sáng tới 3h chiều trong khi lượng cá đánh bắt được ngày càng ít ỏi và các kênh xung quanh ruộng lúa này bắt đầu bị nhiễm phèn.

 Phóng viên các báo và chuyên gia VRN tìm hiểu hoạt động trong công việc đánh bắt các hàng ngày của một người dân tỉnh ở tỉnh Bạc Liêu.


Những ngôi nhà của hộ dân tại Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu sinh sống ngay bên con đê biển cao 1 m. Tuy được thiết kế để giảm xói lở, nhưng hiện tại những con đê này đang bị xuống cấp do các đợt sóng của biển mạnh.


Gành Hào, huyện Đông Hải tỉnh Bạc Liêu và bãi rác thải ngoài đê biển bên cạnh khu dân cư sinh sống

         





Thay vì rừng ngập mặn là lá chắn tự nhiên giữa biển và con người, hiện là một con đê cao khoảng 1m tại Bạc Liêu làm lá chắn nhân tạo giữa con người và biển. Khi rừng ngập mặn dần mất đi, chỉ còn lại một dải mỏng che chắn cho đất liền bởi con đê- một “sự an toàn giả tạo” (TS Dương Văn Ni – VRN). Ban đầu khiến người dân cảm thấy an tâm nên chuyển đến sát biển để tiện cho việc đánh bắt hải sản. Song, những câu hỏi đặt ra là tuổi thọ của con đê này bao nhiêu năm; với độ cao 1m, con đê có thể chống đỡ những rủi ro từ biển cho người dân đến mức nào; diện tích rừng ngập mặn bị mất đi và hải sản bị giảm do con đê biển là bao nhiêu và sinh kế của người dân sẽ thay đổi như thế nào?

 

Em nhỏ ở Bạc Liêu bắt thêm vài con cá, con cua trong buổi chiều chạng vạng để giúp gia đình

 

Đê biển ở Gành Hào, Bạc Liêu thiếu vững chãi và đang bị bào mòn dần phía bên trong thân đê. Đối diện với từng đợt sóng biển, nắng và gió cũng đang làm mặt đê rỗ nham nhở.

Cùng với người dân đến sinh sống ngay sát biển, các dịch vụ kinh doanh, giải trí cũng mọc lên ngay trên con đê biển. Nhưng con đê có an toàn cho người dân không lại là một câu chuyện khác.


 Loài cá thòi lòi có môi trường sống tự nhiên là những bãi lầy, nhưng hiện nay thay vì sống trong những hố ở bãi lầy, chúng di chuyển trên bề mặt bê tông của đê biển.

                          



Sinh cảnh vùng quê ven biển đất Bạc Liêu xưa với “Mắm trước, đước sau, tràm theo sát/  Sau hàng dừa nước, mái nhà ai…”  còn nay lại là“Mái nhà ai”  của Khu du lịch Nhà Mát đang đứng trước biển.

 

Cảnh tấp nập mua bán hải sản tươi sống ở chợ Kênh Ba

 

  ...Và những chuyến xe chở hàng hải sản đi tiêu thụ


Bên cầu cảng Sóc Trăng

 


 Bên cảng Thị trấn Trần Đề


Khi đập dòng chính sông Mê Công xây dựng sẽ tác động tới vùng hạ lưu của ba tỉnh thuộc hệ thống sông Cửu Long  ở Việt Nam, liệu rằng quang cảnh mua bán tấp nập hải sản như thế này ở Chợ Kênh Ba Thị trấn Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng như hiện tại sẽ còn không?

 

Bài, ảnh: Dương Hằng

XÂY DỰNG MÔ HÌNH TÔM LÚA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

GIẢI PHÁP NÀO CHO THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC

XẢ THẢI BỨC TỬ NGUỒN NƯỚC NHỮNG HÌNH ẢNH KINH HOÀNG Ở BẮC NINH

Đằng sau những ánh sáng trắng

Local knowledge research in the Mekong delta

Tra cứu ấn phẩm
Nhận bản tin