Năm 2016, khi pha 2 dự án “Tăng cường khả năng tham gia của cộng đồng trong quản lý tổng hợp tài nguyên nước tại tỉnh An Giang, đồng bằng sông Cửu Long” bắt đầu khởi động nhằm thành lập Ban Quản lý tiểu vùng 25, Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên Nước không khỏi bất ngờ khi 24 Ban Quản lý tiểu vùng thuộc hệ thống kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao (vốn được chính phủ Úc hỗ trợ thực hiện khá bài bản và rất chú trọng vấn đề giới) lại không có một thành viên nào là phụ nữ.
Với nhiều rào cản vốn đã rất phổ biến đưa ra liên quan tới sức khoẻ, kinh nghiệm đồng áng hay phong tục tập quán, chính những người phụ nữ được mời tới tham gia dự án cũng cảm thấy họ không đủ năng lực tham gia ngay cả khi được đề cử. Đó là lối mòn suy nghĩ giữ người phụ nữ ở sau cổng nhà, và vẫn luôn được củng cố bởi các chương trình truyền thông tưởng chừng rất có ý nghĩa của Hội Phụ nữ, điển hình là chương trình 5 không 3 sạch.
Hãy hình dung cũng giống như một đoạn quảng cáo bất kỳ liên quan tới chuyện bếp núc, người vợ luôn là người đứng bếp, nấu nướng trong khi người chồng và đứa con chỉ ngồi trên bàn ăn chờ đợi để khen, các chương trình tuyên truyền dành riêng cho các chị em, liên quan tới vấn đề vệ sinh môi trường, nhà cửa vô tình càng làm tăng thêm khoảng cách trong tự tin giao tiếp xã hội và tham gia sản xuất của người phụ nữ.
Đó là lý do trong pha 3 dự án, Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên Nước phối hợp với Ban Quản lý tiểu vùng 25 và Hội phụ nữ huyện Phú Tân mời các Hội Phụ nữ các xã Tân Hòa, Tân Trung, Phú Thọ, Phú Mỹ, Phú Hưng tổ chức chương trình truyền thông đặc biệt về vai trò của phụ nữ trong quản lý tài nguyên nước và tham gia Ban Quản lý tiểu vùng (BQLTV).
Chương trình kéo dài từ tháng 3 đến tháng 6, năm 2018, chia thành 03 đợt với các chủ đề trong mỗi đợt lần lượt làbình đẳng giới, quản lý tài nguyên nước tổng hợp, và phụ nữ với BQLTV.Với cách tiếp cận vấn đề vô cùng mới, được xây dựng dưa trên nền tảng Forum Theater (Kịch tương tác), các thành viên nhóm nòng cốt nhanh chóng phá vỡ sự ngần ngại và hăng hái đóng góp ý kiến, tập luyện và xây dựng các tiểu phẩm tương tác lồng ghép khéo léo các vấn đề thực tế tại địa phương. Tổng cộng đã có 11 tác phẩm được xây dựng, ghi nhận sự tham gia của toàn bộ 15 thành viên phụ nữ nòng cốt, và 5 thành viên BQLTV. Cuối một đợt làm việc, nhóm nòng cốt cùng với BQLTV 25 sẽ là những người thực hiện chính chương trình tuyên truyền, tiếp cận tối thiểu 50 đại diện cộng đồng/lần, trong đó đa số là phụ nữ. Kết quả trong quá trình diễn ra đã có đến 8 đại biểu tham gia tương tác và đưa ra các giải pháp rất thú vị, nhận được sự hưởng ứngvà tạo ra không khí sôi nổi trong hội trường.
Chị em phụ nữ cùng nhau nêu lên các quan điểm của mình về vấn đề quản trị tài nguyên nước
Các đại biểu phụ nữ đóng góp ý kiến, trao đổi làm việc
Cán bộ WARECOD làm việc với các bên liên quan
Sản phẩm sau khi thảo luận
Thành công của hoạt động không chỉ cho thấy vai trò của phụ nữ trong các vấn đề liên quan đến quản lý tài nguyên nước, mà còn giúp họ nhận ra vai trò của mình trong những vấn đề trên. Chị Quý – đại diện phụ nữ xã Phú Hưng, sau khi lên tương tác trong đợt tuyên truyền 3 (tháng 6/2018) đã chia sẻ những cảm nhận rất chân thành với WARECOD: “ Em cũng có chồng là người tham gia công tác xã hội ở địa phương. Trước đây em chưa tham gia, nên không hiểu rõ chuyện, cũng có đôi lần trách móc chồng em về việc bỏ bê công việc gia đình. Tuy nhiên, sau khi tham gia vào công việc của Hội phụ nữ, thì em cũng hiểu là anh ấy vất vả và cũng rất cố gắng để cân bằng cả 2 bên, nên em ủng hộ anh ấy và anh ấy cũng ủng hộ em hơn”.
Không dừng lại ở đó, khi được trao quyền và hướng dẫn cụ thể, đúng mực, đúng lúc, một số không ít đại biểu nòng cốt bộc lộ khả năng phân tích, nhìn nhận vấn đề rất sắc xảo, chỉ ra những khó khăn và vấn đề mà chính các thành viên của BQLTV cũng còn đang lúng túng. Kết thúc các đợt tập huấn và tuyên truyền, nhóm phụ nữ nòng cốt, tất cả các thành viên cố và đặc biệt BQTLV 25 đều thực sự nhận thấy tầm quan trọng của việc bổ sung ít nhất 01 thành viên nữ cho Ban. Kỹ năng thành thục trong công tác sổ sách, khả năng tuyên truyền, lập kế hoạch của 2/6 đại biểu phụ nữ tự ứng cử và được để cử thực sự rất thuyết phục và là sự bổ sung đáng giá cho BQLTV trong thời gian tới.
Ghi chú: Ban Quản lý tiểu vùng là tổ chức xã hội thực hiện theo mô hình quản lý thuỷ nông có sự tham gia (PIM)
Bài: Nguyễn Mai Hương& Vũ Hải Linh
Ảnh: Vũ Hải Linh